Vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ đã sinh ra những người con ứu tú, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nói chung, của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng. Y Bih Aleo là một người trong số đó
Y Bih Aleo (1901-1987) sinh ra tại Buôn Niêng, xã Ea Nuôl, Thị xã Buôn Ma Thuột. Sở dĩ nhắc đến ông trong những ngày này là có nguyên do ít ai biết tới. Ngày 10/6/2023, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (6/6/1973 – 6/62023) tại huyện Cam Lộ.
Mặc dù chỉ tồn tại gần tròn 2 năm, từ tháng 6/1973 đến tháng 5 /1975 nhưng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên cơ sở hiệp thương giữa Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam đã góp phần to lớn trên mặt trận ngoại giao, đưa cuộc kháng chiến đến bến bờ thắng lợi trong niềm vui đất nước hòa bình, thống nhất.
Ít ai biết rằng, trong thành phần của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có một người con ưu tú của đất Tây Nguyên – ông Y Bih Aleo.
Trong ký ức những người còn sống và từng làm việc ở Trụ sở Chính phủ thì, mặc dù gọi là “lâm thời”, số lượng người tham gia không đông, nhưng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn đầy đủ các thành phần gồm 8 bộ trưởng, 12 thứ trưởng.
Trụ sở CPCMLT CHMNVN tại Cam Lộ, Quảng Trị, nơi ông Y Bih Aleo từng làm việc
Chủ tịch Chính phủ là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Hội đồng cố vấn giúp việc cho Chính phủ có 11 ủy viên do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Giai đoạn này nhiều người nhớ đến vai trò của Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình (sau này nắm giữ cương vị Phó Chủ tịch nước trong 10 năm, từ năm 1992 đến năm 2002). Nhiều người từng công tác ở trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời nay còn sống vẫn nhắc lại hình ảnh Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nguyễn Hữu Thọ và ông Y Bih Aleo đi công tác ở miền Tây Quảng Trị, thăm hỏi, động viên, tặng quà ở các bản làng của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô (huyện Hướng Hóa). Ông Y Bih Alêô cũng cùng Đoàn Chính phủ nhiều lần đến thăm các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như Đoàn Công binh 559, bộ đội phòng không, lực lượng quốc phòng làm kinh tế ở Trường Sơn…
Sinh năm 1901 tại tỉnh Đăk Lăk, ông YBih Alêô theo học tại một ngôi trường của Pháp, từng làm thông dịch và tham gia lực lượng bảo an của quân đội Pháp. Tuy nhiên, sớm thấy dã tâm của thực dân Pháp, ông đã chống lệnh cấp trên, không chịu đàn áp những người tham gia biểu tình chống sưu cao, thuế nặng, kết cục ông bị chính người Pháp cầm tù. Chính thời gian trong tù ngục, được những người bạn tù cộng sản giác ngộ nên sau khi ra tù ông đã tham gia lực lượng Cứu quốc quân của Việt Minh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Y Bih Aleo luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, quân đội giao. Với vai trò người lính, ông tham gia hàng chục chiến dịch, tham gia hàng trăm trận đánh. Với vai trò nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, ông vận động, tuyên truyền bà con đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia cách mạng.
Tháng 10/1960, tại căn cứ Kon Hà Nừng ở An Khê, tỉnh Gia Lai, đại biểu các dân tộc Tây Nguyên và miền núi phía Tây duyên hải miền Trung đã họp đại hội thành lập “Phong trào tự trị Tây Nguyên”. Đại hội đã bầu ông Y Bih Aleo làm Chủ tịch. Đại hội tuyên bố lời kêu gọi các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết, chống Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, sau đó cử Đoàn đại biểu do ông làm Trưởng đoàn dự Đại hội toàn miền Nam để thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam vào ngày 20/12/1960.
Học sinh thăm viếng phần mộ anh hùng Y Bih Aleo tại buôn Drây H'ling, xã Hòa Xuân, Thành phố Buôn Ma Thuột
Tháng 6/1969, sau khi hiệp thương giữa Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam thành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông Y Bih Aleo đại diện các dân tộc Tây Nguyên được cử làm thành viên của Hội đồng cố vấn cho Chính phủ.
Sau ngày đất nước hòa bình, năm 1977, tại Đại hội dân tộc thống nhất Việt Nam, ông Y Bih Aleo được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch và là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đăk Lăk.
Do tuổi cao, ông Y Bih Aleo mất vào năm 1987 tại quê hương nhưng với cuộc đời cống hiến cho cách mạng và công lao to lớn, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Đại đoàn kết.
Ngày nay, có một con đường ở thành phố Buôn Ma Thuột mang tên ông.
50 năm, kỷ niệm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hẳn trong muôn vàn ký ức, những trang sử viết về giai đoạn này của Chính phủ lâm thời sẽ có những ký ức, những dòng ghi chép về Y Bih Aleo, một người con ưu tú của đất Tây Nguyên nói chung và Đăk Lăk nói riêng.
Nói như lời khắc trên tấm bia ở Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam của bà Nguyễn Thị Bình: “… Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử, nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của các dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại”.
Ông A Bih Aleo, người con ưu tú của vùng đất Tây Nguyên, người góp phần làm nên lịch sử yêu nước và cách mạng anh dũng, bất khuất của Tây Nguyên hùng vĩ.
Triều Nguyễn