Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu với rất nhiều cuộc xâm lăng bờ cõi. Trang sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ghi nhận “Bình Ngô đại cáo” viết năm 1428 của Nguyễn Trãi và “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945 là những tuyên ngôn hào hùng về nền độc lập dân tộc khi đất nước được giải phóng, chủ quyền quốc gia được xác lập. Hai bản tuyên ngôn ra đời ở hai thời đại khác nhau nhưng đều khắc họa một cách rõ nét nhất, đầy đủ nhất ý chí độc lập và tinh thần khoan dung của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo. Ảnh: Internet
Lời tuyên bố đanh thép về độc lập của dân tộc Việt Nam
Những câu chữ oai hùng mở đầu “Bình Ngô đại cáo” tuyên bố rằng Đại Việt là một quốc gia có chủ quyền với biên giới, bờ cõi được phân định rõ ràng, có lịch sử hào hùng trải dài “bao đời xây nền độc lập”, với nền văn hiến phát triển rực rỡ, người dân có đời sống tinh thần, phong tục, tập quán phong phú và đa dạng. Nhà nước Đại Việt đã sừng sững tồn tại và phát triển sánh ngang với các triều đại Trung Hoa, “mỗi bên xưng đế một phương”, khẳng định quyền độc lập, tự do là của mọi dân tộc chứ không riêng bất cứ quốc gia nào.
Một đất nước có chủ quyền, với nền văn hiến lâu đời và rực rỡ nhưng luôn bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó, xâm lược và đô hộ. Lịch sử phát triển dân tộc là lịch sử dựng nước và giữ nước. Suốt hai mươi năm (1418 -1427) ròng rã kháng chiến, đến khi nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh giành thắng lợi, lập lại nền độc lập dân tộc. Mùa xuân năm 1428, Nguyễn Trãi theo ý chỉ của Lê Lợi đã viết “Bình Ngô đại cáo” để tuyên bố về chiến thắng oai hùng, Nhà nước Đại Việt đã được khôi phục lại. “Bình Ngô đại cáo” trở thành khúc tráng ca của lịch sử, là dấu mốc của kỷ nguyên hoàn toàn độc lập và tự do của dân tộc.
Hơn 500 năm sau, Bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được Hồ Chủ tịch đọc tại Quảng trường Ba Đình ở Thủ đô Hà Nội vào ngày 2/9/1945, một lần nữa tuyên bố trịnh trọng với thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Mở đầu bản “Tuyên ngôn Độc lập” là những trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền Dân quyền của nước Pháp. Cũng như tiền nhân, Hồ Chủ tịch đã khẳng định về sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam sánh ngang, bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Pháp. Người cũng khẳng định một chân lý rằng quyền độc lập, tự do là của mọi quốc gia dân tộc chứ không riêng bất cứ quốc gia nào “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Sau hơn 80 năm bị giặc Pháp đô hộ, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do mới của nước Việt Nam, đó là lời tuyên bố hào hùng “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập“ và thể hiện ý chí sắt đá, quyết tâm mạnh mẽ, tinh thần quật cường của nhân dân Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy“.
Lên án mạnh mẽ tội ác của quân xâm lược đối với đồng bào ta, đất nước ta
Không chỉ là lời tuyên bố về chủ quyền dân tộc, “Bình Ngô đại cáo” còn là những lời chất chứa cả nỗi căm hờn, phẫn uất với tội ác tày trời của quân giặc khi gây ra cảnh chết chóc tang thương cho nhân dân ta. Đó là bản cáo trạng ghi lại tội ác “bại nhân nghĩa nát cả đất trời” của quân Minh gây ra cho dân tộc ta, độc ác đến mức “trúc Nam Sơn không ghi hết tội”, bẩn thỉu, hôi tanh đến mức “nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Chúng áp đặt sưu cao thuế nặng, vơ vét, tận thu tài nguyên thiên nhiên, sản vật của đất nước, ra sức bóc lột người dân khôn cùng. Bất nhân hơn, chúng còn tàn sát nhân dân ta, kể cả trẻ em một cách dã man, tàn bạo “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”, “vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Thật là tội ác ngút trời, không thể dung tha.
Giữa thế kỷ 19, Thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta, chúng biến nước ta thành thuộc địa. Bản "Tuyên ngôn Độc lập" đã vạch rõ dã tâm đen tối, phi nhân tính của Thực dân Pháp khi “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Chúng ra sức vơ vét tài nguyên khoáng sản, bóc lột nhân dân không thương tiếc, “chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”. Tội ác của Thực dân Pháp gây ra cho đồng bào ta thật dã man, lòng dân oán hận chất chồng. Chúng thi hành các luật lệ hà khắc, dùng các thủ đoạn thâm độc để cai trị nước ta, “chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”. Chúng tàn sát các phong trào yêu nước “Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”. Có thể nói, “Tuyên ngôn Độc lập” thực sự là một “bản án chế độ thực dân Pháp”, kẻ đã bất chấp chính nghĩa mang quân xâm lược Tổ quốc ta, làm cho đời sống nhân dân ta lâm cảnh lầm than, đất nước ta lâm cảnh tối tăm suốt hơn 80 năm ròng.
Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: Internet
Tinh thần nhân đạo, khoan dung của dân tộc Việt Nam
Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn với những cuộc đấu tranh giữ nước nên người dân Việt Nam từ thuở hồng hoang dựng nước đến tận ngày hôm nay, thấu hiểu sâu sắc những mất mát, đau thương mà con người phải gánh chịu do hậu quả của những cuộc xâm lược gây ra. Chính vì lẽ đó, dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, không muốn bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào phải hứng chịu những mất mát đau thương của chiến tranh. Ngay cả đối với kẻ thù xâm lăng, dân tộc Việt Nam kiên cường kháng chiến cứu quốc, khi giặc đã thua, đã hàng thì lại đối xử khoan hồng, độ lượng. Đó là đỉnh cao của tinh thần nhân đạo, khoan dung của dân tộc Việt Nam.
Với lòng nồng nàn yêu nước và ý chí quật cường, quân dân Đại Việt đã đánh đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Mặc dù phải gánh chịu những tội ác ngút trời do quân Minh gây ra, nhưng với tinh thần “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn”, “lấy chí nhân để thay cường bạo”, quân dân Đại Việt đã tha tội chết cho quân giặc, cấp thuyền, cấp ngựa, cấp lương thực, mở đường lui cho giặc bảo toàn tính mạng, rút quân về nước.
Tinh thần nhân đạo, khoan dung của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ nghìn đời, kết tinh thành truyền thống tốt đẹp và được gìn giữ đến muôn đời sau. Một lần nữa, tinh thần ấy được khắc ghi trong "Tuyên ngôn Độc lập". Mặc dù Thực dân Pháp đối xử vô cùng tàn tệ với nhân dân ta, không những trong suốt chiều dài hơn 80 năm đô hộ, mà ngay vào giờ phút thua cuộc phải tháo chạy “chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. Nhưng, với truyền thống nhân ái cao đẹp của dân tộc, đồng bào ta đã có thái độ đối xử khoan hồng, độ lượng khi giặc Pháp thua trận, “Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”.
Ngày nay, đất nước ta đã phát triển với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế lớn mạnh, những tư tưởng trong hai bản Tuyên ngôn độc lập ấy đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của toàn dân tộc, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
An Hòa