“Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa” là một hoạt động văn hóa tâm linh rất đặc biệt ở Lý Sơn, góp phần giáo dục truyền thống và ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ.
Huyện đảo Lý Sơn nằm phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 18 hải lý, gồm 1 đảo lớn (cù lao Ré) và 1 đảo bé (cù lao Bờ Bãi) cách nhau 1,67 hải lý. Ngoài ra, ở phía Đông cù lao Ré có hòn Mù Cu vốn là bãi đá nhô cao lên trên mặt biển. Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 xã là: An Hải, An Vĩnh và An Bình, với diện tích tự nhiên là 10,325km2, dân số khoảng 21.118 người. Lý Sơn có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa khá phong phú, đa dạng, với 55 di tích, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có rất nhiều phong tục, tập quán, nghi thức tế tự khác, trong đó tiêu biểu là “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: Tapchivanhoaphatgiao
“Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa” là lễ cúng cầu an cho những người lính Hoàng Sa trước khi họ lên thuyền ra biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sau này, khi không còn Đội Hoàng Sa, các tộc họ trên đảo có người đi lính Hoàng Sa không trở về đã gắn lễ cúng với giỗ họ (cúng việc lề) nên gọi là: “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Theo ghi chép trong tộc phả của các dòng họ có người đi lính Hoàng Sa thì rất nhiều người lính ra đi không trở lại. Do vậy, để cho người lính yên tâm ra đi, Triều đình tổ chức “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa” trước khi họ lên thuyền ra đảo. Theo truyền thuyết dân gian cho rằng: oan hồn của những người lính đã chết trên biển hiển linh đòi triều đình phải cúng thế lính. Tộc trưởng (hay chủ nhà) sẽ là người chủ bái khi hành lễ. Trưởng các chi phái sẽ là bồi tế. Nhưng cả tộc phải chuẩn bị mọi thứ lễ vật, phân công công việc cho các thành viên trong từng chi phái, từng gia đình trước đó nhiều ngày. Kinh phí thực hiện lễ tế từ nguồn đất hương hỏa hoặc các nguồn lợi từ ghe thuyền của ông bà để lại cho con cháu sử dụng. Ngày nay, các tộc họ phải quyên góp kinh phí từ các gia đình.
Trong lễ tế phải có sự hiện diện của pháp sư, ông ta đội mũ tam sơn, khăn ấn, áo dài là người điều hành lễ tế. Pháp sư là người có vai trò quan trọng trong lễ tế, chuẩn bị thuyền lễ cúng, cờ, linh vị và các thuyền nhân bằng bột gạo hoặc bằng rơm rạ (ngày nay những hình nhân được thay bằng giấy điều). Thuyền lễ là một chiếc ghe bầu giả, đáy ghe làm bằng bè chuối, thân ghe sử dụng tre để làm khung sau đó cắt giấy điều dán kín. Về hình thức, đây là chiếc ghe bầu hoàn chỉnh như ghe thật, cũng có nhiều khoang, buồng lái, cột buồm, dây buồm, mũi và đuôi ghe. Trên chiếc ghe, người ta cắm một lá cờ ngũ hành làm bằng giấy điều và 5 lá cờ đuôi nheo theo 5 màu (ngũ sắc). Ở phần khoang lái, người ta cắt bốn hình nhân bằng giấy điều (trước kia hình nhân độn rơm) đặt ở bốn góc của chiếc ghe. Linh vị có danh tánh người trong tộc họ đã bị tử nạn vì đi lính Hoàng Sa, có bao nhiêu người tử nạn là có bấy nhiêu linh vị. Linh vị được dán lên bìa cứng, có nẹp gỗ hoặc tre phía sau hoặc được cắm trên đài cây chuối (cắt theo chiều ngang thân chuối). Người ta đặt các linh vị này trên đàn cúng. Phía trước mỗi linh vị có một cây nến thắp sáng.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa còn là lời hiệu triệu về tinh thần đoàn kết của dân tộc, ra sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Quangngaitv
Lễ cúng tế được bắt đầu từ ngày 17 tháng 3 Âm lịch hàng năm và diễn ra trong nhà, kèm theo lễ vật có trầu rượu, hoa quả. Chiều ngày 19, chiêng, trống gióng lên báo hiệu cho bà con tộc họ đến để làm lễ yết. Sau đó, người ta mổ heo, gà. Đến giờ Tý, vào giờ chuyển ngày, lễ tế chính phần nhập yết diễn ra và kéo dài hàng vài tiếng đồng hồ sau đó. Ngày 20 là ngày lễ tế chính, người ta thiết bàn ngoài sân. Trên bàn có các lễ vật như sau: trầu, rượu, giấy vàng, 1 con gà, 1 con cá nướng, 1 con cua, 1 món gỏi cá nhám và thịt heo, xôi, chè. Ngoài ra, trên đàn còn có muối, gạo, củi, mắm, nồi niêu… là những thứ mà lính Hoàng Sa phải mang theo trên thuyền (và những thứ mà người đi làm biển phải mang theo). Trên bàn cúng đặt các linh vị, thuyền lễ và các hình nhân. Chuẩn bị hiến lễ, người ta đặt vào trong thuyền các đồ lễ như: vàng mã, muối, gạo, nếp nổ, chè xôi, gỏi cá nhám, cua, cá nướng, đầu, chân, tiết, lòng gà là những thứ được chia ra trên đàn cúng và nhang đèn. Trong lễ tế, chiếc ghe bầu giả được đặt bên tả cỗ bàn cúng, hai bên có trống, chiêng và hai hàng cờ ngũ hành đuôi nheo. Tất cả lễ cúng diễn ra ở sân trước nhà.
Diễn trình của lễ như sau: đầu tiên vị trưởng tộc cáo tế tổ tiên ở trong nhà, sau đó bái lạy cỗ bàn cúng ngoài sân. Lễ vật hiến tế trong nhà cho ông bà, tổ tiên và các thần linh độ mạng (nhà thờ họ) có heo, gà và những thứ xanh tươi khác, tùy điều kiện và theo các bước từ: sơ hiến, á hiến và chung hiến. Pháp sư không tham dự lễ này. Lễ hiến ngoài sân do thầy phù thủy cúng tế và làm các nghi thức bùa phép trước bàn thờ, pháp sư khấn cầu bà Thủy Long cùng các Thủy thần trả các linh hồn người chết về cho tổ tiên, “gửi tên tuổi và linh hồn” (người sống) vào hình nhân (thế mạng) nhằm cầu mong sự bình an cho người ra đi.
Trong “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa”, pháp sư làm phép, tiếp đó, ông trưởng tộc đọc văn tế cúng, có nhạc bát âm xướng tấu và có sự hiện diện của các vị chức sắc trong làng. Kết thúc lễ tế, pháp sư đặt các hình nhân vào ghe bầu và rước ra bến. Tại đây, sau khi pháp sư vái tạ bốn phương, chiếc ghe được đem thả xuống nước, một người dân chài dìu ghe ra khơi để ghe tự trôi ra biển. Như vậy, sinh mạng và tàu thuyền của những người lính trong Đội Hoàng Sa đã được hiến tế cho các thần linh và họ yên tâm ra đi. Ngày xưa, theo trí nhớ của những người cao tuổi, người đi lính Hoàng Sa sẽ đứng hầu thần suốt buổi tế lễ.
Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: zing.vn
Sau nhiều thế kỷ, cho dù Nhà nước không còn trực tiếp chủ trì, nhưng “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa” vẫn được các gia đình, dòng tộc ở Lý Sơn tổ chức hàng năm và trở thành một lễ hội dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tấm lòng tri ân của người dân đất đảo đối với những người lính đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đây cũng là dịp các bậc cao nhân trên đất đảo kể lại cho con cháu nhiều câu chuyện về các Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, chuyện về những chuyến hải trình đầy gian khổ, nhưng cũng rất đáng tự hào, chuyện về những gương sáng vì nước vong thân của các vị Cai đội Hoàng Sa: Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật… Những câu chuyện ấy đã, đang và sẽ khắc sâu vào tâm khảm các thế hệ người dân Lý Sơn, người dân Quảng Ngãi, người dân Việt Nam rằng: Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa mãi mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Trống Đồng