Ban Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị các Tỉnh, Thành đoàn chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 (WIPHA) cần chủ động theo dõi diễn biến bão, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát toàn bộ cơ sở lưu trú; triển khai lực lượng tại chỗ, kích hoạt đội hình thanh niên xung kích tại các xã, phường trọng điểm.


Ứng trực 24/24

Thực hiện Công điện số 112 của Thủ tướng về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (WIPHA), dự báo ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Ban Bí thư Trung ương Đoàn có công văn đề nghị các Tỉnh, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai khẩn trương, đồng bộ các giải pháp để ứng phó khẩn cấp với bão số 3.

Theo đó, đối với các Tỉnh, Thành đoàn đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 (Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…), cần chủ động theo dõi diễn biến bão, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát toàn bộ cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, đặc biệt tại vùng ven biển, đảo, khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các đơn vị xây dựng và triển khai phương án ứng phó bão lụt cụ thể và phân công rõ người - rõ việc - rõ địa bàn; duy trì ứng trực 24/24h.

Các đơn vị triển khai lực lượng tại chỗ, kích hoạt đội hình thanh niên xung kích tại các xã, phường trọng điểm; phối hợp sơ tán dân cư, gia cố công trình, hỗ trợ di dời tài sản; rà soát các điểm xung yếu như hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở.

Đoàn viên thanh niên tham gia khắc phục hậu quả bão Yagi (năm 2024)
Đoàn viên thanh niên tham gia khắc phục hậu quả bão Yagi (năm 2024)

Mặt khác, các Tỉnh, Thành đoàn tổ chức đội hình hậu cần tại các điểm sơ tán, hỗ trợ chăm sóc người già, trẻ em, người yếu thế; huy động nguồn lực cung cấp nước sạch, suất ăn, vật dụng thiết yếu.

Các đơn vị phối hợp hỗ trợ ngư dân và vùng ven biển; cùng địa phương thông báo, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; hỗ trợ các gia đình chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản.

Đội hình sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh tập trung vào công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả tối đa. Trong đó, các đội hình tập trung tổ chức các hoạt động, các công việc phù hợp, cụ thể: Dọn dẹp, thu gom rác thải, bùn đất, khơi thông cống rãnh; hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, trường học, công trình công cộng bị hư hại nhẹ; hỗ trợ phân phát lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch; chăm sóc người già, trẻ em; quyên góp đồ dùng học tập; nắm bắt tình hình thiệt hại, hỗ trợ thống kê để có phương án cứu trợ kịp thời.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn lưu ý, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tình nguyện viên, đặc biệt tại các địa bàn ảnh hưởng bão. Các Tỉnh, Thành đoàn có đội hình tình nguyện cần đảm bảo thông tin thông suốt và trang bị phương tiện bảo hộ, kỹ năng ứng phó cơ bản và sơ cấp cứu. Không phân công nhiệm vụ vượt quá khả năng chuyên môn, điều kiện an toàn của tình nguyện viên.

Dừng hoạt động ngoài trời tại vùng có nguy cơ cao

Đối với các Tỉnh, Thành đoàn không chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, cần chủ động theo dõi - tổ chức lực lượng ứng phó tại cơ sở; theo dõi bản tin dự báo thời tiết, kịp thời thông tin đến đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Kích hoạt đội hình xung kích, ứng phó khẩn cấp với bão số 3
Các Tỉnh, Thành đoàn huy động và tổ chức lực lượng sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết

Các đơn vị chỉ đạo cơ sở Đoàn điều chỉnh, tạm dừng hoạt động ngoài trời tại vùng có nguy cơ cao; huy động, dự phòng vật tư thiết yếu: áo mưa, phao cứu sinh, đèn pin, nhu yếu phẩm.

Bên cạnh đó, các Tỉnh, Thành đoàn tăng cường tuyên truyền - cảnh báo - hướng dẫn kỹ năng phòng tránh bão; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, fanpage Đoàn - Hội và hệ thống loa phát thanh cơ sở để cập nhật thông tin và hướng dẫn kỹ năng ứng phó. Cùng đó, các đơn vị phát hành infographic, video hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, danh mục vật dụng cần thiết.

Các Tỉnh, Thành đoàn huy động và tổ chức lực lượng sẵn sàng hỗ trợ thông qua việc, thành lập đội hình thanh niên tình nguyện “4 tại chỗ” tại cơ sở; trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho tình nguyện viên; phối hợp với các đơn vị chức năng chuẩn bị phương tiện, vật tư sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu điều động.

Thanh niên tham gia khắc phục hậu quả sau bão như: Huy động lực lượng tham gia dọn dẹp vệ sinh, khơi thông kênh rạch, sửa chữa công trình; kêu gọi nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập; triển khai mô hình “Thanh niên phục hồi sau thiên tai” tại các địa phương bị thiệt hại nặng.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng yêu cầu Ban Thanh niên Quân đội, Ban Thanh niên Công an căn cứ tình hình thực tiễn, chủ động chỉ đạo các cơ sở Đoàn trong lực lượng vũ trang sẵn sàng phối hợp tại chỗ, hỗ trợ lực lượng thanh niên địa phương trong các nhiệm vụ sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh trật tự.

Các đơn vị phối hợp trong việc rà soát các điểm nguy cơ cao, hỗ trợ gia cố công trình, bảo vệ tài sản, điều tiết giao thông khi có yêu cầu. Tham gia các đội hình phản ứng nhanh cấp xã, tỉnh, phối hợp với chính quyền trong các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị các Tỉnh, Thành đoàn nghiêm túc thực hiện, chủ động cập nhật tình hình và gửi báo cáo nhanh qua Ban Công tác Thanh thiếu nhi để tổng hợp, chỉ đạo kịp thời.