1. Sự cần thiết phải tăng cường giáo dục ý nghĩa, giá trị lịch sử của Chiến thắng 30/4/1975
Tròn nửa thế kỷ qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, giá trị lịch sử Chiến thắng 30/4/1975 luôn được các cấp đặc biệt chú trọng, qua đó giúp thế hệ hiện tại và tương lai nhận thức sâu sắc về sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, đồng thời tôn vinh những giá trị nhân văn cao cả. Tuy nhiên, các thế lực phản động, thù địch với cách mạng Việt Nam thường xuyên tung ra những luận điệu, thông tin sai lệch, bóp méo về cuộc chiến, phủ nhận, xuyên tạc lịch sử, hạ thấp ý nghĩa của Chiến thắng 30/4/1975. Điều này đã gây sự hiểu nhầm về sự thật lịch sử trong nhân dân và bạn bè quốc tế, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gieo lòng hận thù trong một bộ phận người Việt Nam ở trong và ngoài nước trong đó có giới trẻ…
2. Nhận diện những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận Chiến thắng 30/4/1975
Một là, phủ nhận Chiến thắng 30/4/1975 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, mà thay vào đó cố gắng đưa ra luận điệu rằng chiến thắng này chỉ là kết quả của “chiến thắng quân sự đơn thuần”, hoặc thậm chí cho rằng đây là một “thảm họa” đối với một phần dân tộc Việt Nam.
Hai là, lợi dụng các vấn đề về hậu quả chiến tranh, khó khăn trong công cuộc xây dựng đất nước sau ngày 30/4/1975 để xuyên tạc rằng chiến thắng này là "vô nghĩa" hay "đánh đổi nhiều cái giá đắt".
Ba là, thường xuyên lợi dụng tâm lý của một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những người di cư sau năm 1975, để lan truyền những luận điệu sai trái về cuộc chiến tranh và chiến thắng 30/4/1975. Họ tìm cách kích động sự chia rẽ trong cộng đồng, biến sự kiện này thành một điểm phân chia chính trị giữa những người "thắng" và "bại".
Bốn là, thường xuyên phản ánh một quan điểm trái ngược về chính quyền sau 30/4/1975, cho rằng chính quyền Việt Nam sau thống nhất đã không thực hiện được những cam kết về tự do, dân chủ, hoặc không xây dựng được nền kinh tế thịnh vượng. Họ xuyên tạc rằng những cải cách chính trị và xã hội sau này chỉ là sự đàn áp, áp đặt ý thức hệ.
Năm là, tạo ra những sự kiện, thông tin sai lệch để làm mất niềm tự hào dân tộc về Chiến thắng 30/4/1975. Điều này bao gồm việc khắc họa cuộc chiến tranh giải phóng như một cuộc chiến vô ích, với những tổn thất không đáng có, nhằm làm suy yếu lòng tin vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước…
3. Giải pháp tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ trước các luận điệu xuyên tạc Chiến thắng 30/4/1975 hiện nay
Thứ nhất, tăng cường, đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục
Một trong những giải pháp then chốt là đổi mới cách tiếp cận, truyền tải thông tin về Chiến thắng 30/4 cho phù hợp với đặc điểm tâm lý, nhu cầu tiếp nhận của các đối tượng khác nhau, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cụ thể:
Mời các nhân chứng lịch sử giao lưu, nói chuyện truyền cảm hứng trong trường học, đơn vị, khu dân cư… Qua những câu chuyện thật, cảm xúc thật, lịch sử trở nên sống động, gần gũi hơn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục cần tận dụng những lợi thế mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube để lan tỏa nội dung lịch sử qua video ngắn, infographics, podcast, reels, memes mang tính giáo dục nhưng hấp dẫn, dễ tiếp cận. Sử dụng các nền tảng mạng xã hội, website, podcast, video clip, phim tài liệu số, triển lãm ảo… để tuyên truyền dưới hình thức mới, hấp dẫn, dễ lan tỏa.
Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong công tác tuyên truyền, lan tỏa các giá trị của Chiến thắng 30/4 qua những chuyên trang, chuyên mục, phóng sự chuyên đề với hình thức thể hiện hiện đại, sinh động, dễ tiếp cận. Nội dung cần vừa đảm bảo chính xác về mặt lịch sử, vừa hấp dẫn về hình thức, có chiều sâu phân tích và kết nối với hiện tại.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Thứ hai, phát huy vai trò của nhà trường, thiết chế văn hóa trong tuyên truyền, giáo dục
Các môn học như Lịch sử, Giáo dục công dân cần có những nội dung cụ thể về Chiến thắng 30/4 với cách tiếp cận gần gũi. Giáo dục truyền thống cách mạng cần được lồng ghép hiệu quả trong chương trình học tập của học sinh, sinh viên; kết hợp với các hoạt động ngoại khóa như hành trình về nguồn, hội thi tìm hiểu lịch sử, tọa đàm,… giúp học sinh, sinh viên chủ động khám phá lịch sử dân tộc.
Bức tranh khí thế hào hùng 30/4 của Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh - Trường PT Hermann Gmeiner Vinh, Nghệ An thể hiện bằng chất liệu phấn màu. Nguồn: Báo Nghệ An
Các bảo tàng, di tích lịch sử cách mạng, địa điểm ghi dấu những chiến công vang dội của dân tộc cần được đầu tư tu bổ, khai thác hiệu quả hơn nữa trong công tác giáo dục truyền thống. Các hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn tương tác, công nghệ trình chiếu 3D, thực tế ảo sẽ góp phần giúp người dân, giới trẻ tiếp cận lịch sử một cách sinh động, hiện đại hơn.
Thứ ba, chú trọng bồi đắp lý tưởng cách mạng và khát vọng phát triển đất nước
Chiến thắng 30/4 là kết tinh của ý chí độc lập dân tộc, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, của lòng yêu nước nồng nàn và sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giá trị đó cần được khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội hôm nay, gắn với công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, đoàn thể cần đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên. Qua đó nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, cổ vũ thế hệ trẻ sống có lý tưởng, khát vọng cống hiến, sẵn sàng vượt khó, chủ động hội nhập và góp phần xây dựng nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, hùng cường.
Nguồn: Tỉnh đoàn Nghệ An
Thứ tư, chú trọng gìn giữ giá trị lịch sử - truyền lửa cho tương lai
Chiến thắng 30/4 là biểu tượng của sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - sức mạnh của chính nghĩa, của lòng dân, của khát vọng hòa bình và độc lập. Việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa và giá trị to lớn của chiến thắng này không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là trách nhiệm thiêng liêng với tiền nhân và với tương lai của dân tộc.
Các cấp, các ngành, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tích cực phát động các phong trào thi đua học tập và rèn luyện, lấy cảm hứng từ tinh thần chiến thắng 30/4/1975 để khơi dậy tinh thần, ý chí, nghị lực dám nghĩ, dám làm, vượt khó, quyết tâm giành thắng lợi trong học tập, lao động, khởi nghiệp.
Trong hành trình đi tới tương lai, những giá trị trường tồn của ngày 30/4/1975 sẽ tiếp tục là ngọn lửa soi đường, hun đúc niềm tin và khơi dậy khát vọng phát triển, để dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập và phát triển bền vững.
Vì vậy, tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa và giá trị của Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là trách nhiệm đạo lý của mỗi người Việt Nam hôm nay. Đây là cách để gìn giữ, tiếp nối mạch nguồn lịch sử hào hùng, đồng thời hun đúc khát vọng vươn lên, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc./.