“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là một trong những tuyến đường chi viện cách mạng miền Nam, là một biểu tượng sáng ngời về tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975
Thành lập
Sau khi mở tuyến đường bộ, cũng trong năm 1959, một đơn vị đặc biệt được giao nhiệm vụ mở một con đường trên biển để chi viện cách mạng miền Nam.
Đơn vị được giao nhiệm vụ này thuộc Tổng cục Hậu cần, thành lập vào tháng 07/1959, do đó, đơn vị này có biệt danh là Đoàn 759.
Ban đầu, đơn vị chỉ là một đơn vị nhỏ cỡ tiểu đoàn do Thượng úy Lưu Đức chỉ huy. Tiểu đoàn này mang tên Tiểu đoàn 603, đặt tại cửa sông Gianh, tỉnh Quảng Bình, được tổ chức dưới hình thức "Tập đoàn đánh cá sông Gianh".
Tập đoàn đánh cá sông Gianh bí mật ra Nghệ An đặt làm những loại thuyền gỗ hai đáy, theo mẫu mã do một cán bộ của Ban Thống nhất Trung ương đưa, khác hẳn các thuyền đánh cá ngoài Bắc.
Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ do Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký, về việc thành lập Đoàn 759 trực thuộc Bộ Quốc phòng, cử Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng, Võ Huy Phúc làm Chính ủy. Thượng tá Võ Bẩm được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Đoàn 759, vì chính ông cũng là người đã từng đi biển vận chuyển vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, và ông cũng là người đưa ra kiến nghị với Bộ Quốc phòng tổ chức lại tuyến đường này. Lúc mới thành lập, Đoàn 759 chỉ có 38 cán bộ, trong đó có 20 người vừa từ chiến trường Nam Bộ ra.
Bản đồ các tuyến đi của những con tàu Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông (Ảnh: Internet)
Tháng 08/1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 cho Quân chủng Hải quân và đến ngày 29 /1 /1964 thì đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Lữ đoàn 125 Hải quân, do Tư lệnh và Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân trực tiếp chỉ đạo.
Sau đó ít lâu Lữ đoàn 125 Hải quân chuyển trụ sở từ số 83 Lý Nam Đế Hà Nội xuống số 106 đường Hồng Bàng, Hải Phòng.
Về phương tiện vận chuyển, phải thiết kế những tàu chuyên dụng cho loại vận tải này, trang bị máy và các thiết bị đảm bảo tối ưu, lại phải tạo dáng giống như loại thuyền đánh cá của ngư phủ phía Nam, nhưng hai đáy, trên là ngư cụ, dưới là kho bí mật. Mỗi vùng có một loại thuyền đánh cá khác nhau, thuyền chở vũ khí đến vùng nào phải có dáng giống thuyền đánh cá của vùng đó..
Về thủy thủ đoàn, nhất là các thuyền trưởng đã được tuyển chọn rất kỹ từ các đơn vị miền Nam tập kết đang công tác trong các đơn vị quân đội nông trường, ngư trường... Đó phải là những người sinh ra và lớn lên ở địa phương, hầu hết đã có kinh nghiệm trong nghề đi biển tại các tỉnh miền Nam. Họ phải thuộc từng con nước, từng luồng lạch, từng rặng núi để ngay cả trong đêm dù nhìn từ xa bờ vẫn có thể đoán biết được bến bãi tập kết vũ khí.
Phương thức hoạt động của tàu là hợp pháp và bất hợp pháp, lấy hợp pháp làm chính, doo đó, công tác ngụy trang khéo và giữ bí mật là tối hệ trọng, cần tuân thủ tuyệt đối nghiêm ngặt những quy định đặt ra.
Để tiến hành vận chuyển vũ khí vào Nam, không chỉ có tàu, có vũ khí, có những con người, mà còn cần đến hai bộ phận dịch vụ "tối quan trọng” mà những người đi không được tiếp cận. Thứ nhất là bộ phận làm giấy tờ giả, để hợp pháp hóa cho tất cả những người trên tàu cũng như giấy tờ con tàu. Thứ hai là bộ phận mật mã để thông tin liên lạc, điều khiển tất cả các bộ phận có liên quan: Bến xuất phát, Bộ Tổng chỉ huy, Trung tâm Lữ đoàn 125, Trung tâm bến bãi 962, từng bến bãi cụ thể và bản thân mỗi con tàu.
Bến bãi (mật danh là B) cũng là cả một công việc vô cùng vất vả, nguy nan, vừa rất mạo hiểm, vừa rất thông minh. Bến bãi đã được tổ chức thành một hệ thống liên hoàn, có chỉ đạo rất chặt chẽ như một đơn vị chiến đấu. Tất cả những bến bãi đều do lãnh đạo cấp ủy địa phương am hiểu địa hình trực tiếp đi tìm, chọn và tổ chức. Yêu cầu của mọi bến bãi là: Cửa vào thuận lợi, đủ độ sâu (2-3 m), có chỗ ẩn náu kín đáo, phải bảo đảm có cơ sở nắm bắt tin tức và mật mã để kịp thời tổ chức tiếp nhận. Sau khi “hàng" được bốc dỡ lên tại các bến, được khẩn trương đưa vào các kho. Phương thức xây dựng các kho thiên biến vạn hóa, tùy theo địa hình và điều kiện của từng nơi. Những vùng thường xuyên ngập nước thì phải có hình thức kho chống ngấm nước. Những vùng không có rừng che phủ thì phải có hình thức kho mà máy bay không phát hiện được. Những vùng gần các đồn bốt của đối phương thì phải ngụy trang kín đáo.
Đối phương
Nếu nói tới sức mạnh quân sự trên biển, thì lực lượng của đối phương mạnh gấp không phải hàng chục lần mà hàng trăm lần lực lượng Đoàn 759. Hải quân Hoa Kỳ thời đó là một lực lượng hải quân hùng mạnh bậc nhất trên thế giới. Hoạt động ở Thái Bình Dương và biển Đông chủ yếu đều thuộc Hạm đội 7 (Seventh Fleet). 40% lực lượng Hạm đội 7 được huy động vào việc ngăn chặn này.
Đoàn 125 phải đối mặt với lực lượng hải quân hùng hậu của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa gồm:
- Lực lượng đặc nhiệm 115, được thành lập vào tháng 03/1965, tức là ba tuần sau khi xảy ra vụ Vũng Rô vào ngày 16/02/1965. Lực lượng đặc nhiệm này trực tiếp phụ trách toàn bộ duyên hải Bắc Bộ và miền Trung, theo chương trình tuần duyên, mang mật danh Market Time.
- Lực lượng đặc nhiệm 116, trực tiếp phụ trách duyên hải Nam Bộ và các cửa sông thuộc đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động theo chương trình tuần giang, mang mật danh Game Warden.
- Lực lượng đặc nhiệm 117 là những giang đoàn (Commander, Naval Forces, Vietnam) phối hợp với lục quân thuộc sư đoàn 9 Bộ binh Mỹ để đánh phá các khu căn cứ, các kho tàng nhận vũ khí và lương thực từ miền Bắc đưa vào. Riêng Đội đặc nhiệm này có hai căn cứ đóng ở hai địa đầu của Nam Bộ: căn cứ Đồng Tâm thuộc Mỹ Tho và căn cứ Năm Căn thuộc Cà Mau. Lực lượng đặc nhiệm này hoạt động theo chương trình có mật danh Giant Slingshot.
Những lực lượng đặc nhiệm nàygồm hàng trăm tàu chiến, máy bay yểm trợ và thám sát suốt ngày đêm trên dọc bờ biển.
Phía Mỹ đã vạch ra cả một hàng rào ngăn chặn ở ven biển, cũng giống như hàng rào Mc Namara trên đường bộ. Họ tính toán rằng với lực lượng phòng duyên cùng tuần tra dày đặc và hiện đại như vậy, gần như không thể có một chuyến tàu nào từ miền Bắc lọt được vào miền Nam.
Sáng tạo trong quá trình vận chuyển
Đoàn 125 đã sáng tạo rất nhiều phương thức vận tải khác nhau, chưa có tiền lệ trong lịch sử vận tải đường biển của loài người :
Có những phương tiện thông thường như tàu biển, vận chuyển đột xuất những khối lượng hàng lớn, đi ra ngoài khơi xa, ban đêm tìm cơ hội thuận lợi, đột nhập vào một bến bãi nào đó đã hẹn trước.
Lại có những chiếc thuyền đánh cá với những chiến sĩ đã trút bỏ áo lính để làm ngư dân, với thuyền hai đáy, sử dụng cho những cự ly gần, xuất phát từ những bến phía bắc vĩ tuyến 17, thuộc Quảng Bình, rồi đi gấp trong đêm vào các tỉnh miền Trung.
Cũng có những chuyến phải đi dài ngày, cứ đến gần sáng những chiếc thuyền "đánh cá" này phải tạm vào bờ lẩn tránh tại những cơ sở cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trời tối lại lên đường.
Về thời gian, nhiều chuyến đi được tổ chức trong dịp Tết, khi hoạt động của hải quân địch có phần lỏng lẻo.
Nhưng Tết chỉ là một thời điểm ngắn ngủi trong năm. Phần lớn thời điểm vận chuyển ngoài Tết lại chính là thời điểm mùa mưa bão, tàu tuần tiễu và máy bay tring sát của đối phương ít hoạt động.
Không gian, thời gian hoạt động kể trên đều có chung một tính chất là táo bạo, bất ngờ. Nhưng muốn như thế thì vấn đề con người có ý nghĩa quyết định. Những người tham gia, nhất là người chỉ huy phải là những con người không những trung thành, gan dạ, mà phải luôn bình tĩnh, sáng tạo xử lý tình huống nảy sinh trong hải trình.
Các giai đoạn
Trong ba năm đầu, do còn lợi dụng được yếu tố bất ngờ, mất cảnh giác của đối phương, nên hầu hết các con tàu đi đều trót lọt. Nếu tính từ chuyến đầu tiên của tàu Phương Đông 1, cập bến Vàm Lũng ngày 16/9/1962 đến con tàu số 148 vào bến Vũng Rô ngày 15/02/1965, đã có 87 chuyến tàu ra đi. Trong đó chỉ có một chuyến tàu số 6 đi ngày 10/10/1963 là phải quay về, còn tất cả đều tới đích.
Giai đoạn "lừa miếng” - đi bằng phương pháp hàng hải thiên văn (1965-1968): Cùng với việc thay đổi phương thức đi, phải nghiên cứu lại hình dáng và cấu trúc con tàu. Đi theo phương thức hàng hải thiên văn không thể dùng những con tàu quá lớn. Đoàn 125 thiết kế loại tàu nhỏ có tốc độ cao, trọng tải khoảng 15 tấn, tối đa là 30 tấn. Tuy nhiên, sạu sự kiện Vũng Rô, đối phương đã canh phòng quá chặt, các con tàu của Đoàn dù đã đổi phương thức hoạt động vẫn rất khó "lọt lưới", vì hầu như mọi "thủ thuật" đều bị đối phương tính trước và đề phòng, do đó phải mất rất nhiều thời gian để "lừa miếng" đối phương mới có thể lọt lưới.
Từ sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, trong khi tạm ngừng việc vận chuyển trực tiếp vào các bến ở miền Nam, Đoàn 125 đã chuyển sang một phương thức mới, được gọi là vận chuyển gián tiếp.
Tàu đánh cá của Đoàn 125 vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường
Hồ Chí Minh trên biển (Ảnh: Internet)
Từ giữa năm 1969, sau khi kết thúc kế hoạch vận chuyển gián tiếp vào miền Trung, Đoàn 125 tiếp tục tính đến việc tìm đường vận chuyển trực tiếp. Sau một thời gian tạm ngừng để nghiên cứu và để tạo cho đối phương cái cảm giác "trời yên bể lặng", mất cảnh giác, Đoàn lại đặt kế hoạch đưa vũ khí trực tiếp vào Nam.
Trong suốt quá trình hoạt động, đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện vận chuyển khối lượng hàng hóa như sau:
Thời kỳ 10 năm (196 -1971): Tổng số tàu vào bến là 155 chuyến, chở 6.638 tấn vũ khí trang bị, đi 3.758.000 hải lý, đưa hàng ngàn cán bộ vào Nam - không kể 19 chuyến tàu vào tới bến phải quay ra và 6 chuyến đi trinh sát.
Thời kỳ 4 năm (1971-1975): Đi 411 chuyến, chở 30.137 tấn vũ khí, trang thiết bị, hàng hóa và chở 2.042 lượt người đi B.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường rất gian nan, nhưng xét về hiệu quả thì rất cao. Tỷ lệ tổn thất lại rất thấp, trong 168 chuyến đi, có 30 lần chạm trán phải chiến đấu, không một tàu nào bị bắt sống hay đầu hàng, có 11 lần phải phá hủy tàu, tổn thất về hàng khoảng 7%, có nghĩa là 93% tới đích, trong khi tỷ lệ mà Quân ủy Trung ương cho phép là 50%.
Nếu tính về "chi phí" trên mỗi tấn “hàng hóa", thì đường biển "rẻ" hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ. 100 tấn vũ khí chở bằng đường thủy, trên một con tàu, chỉ cần 10-15 hay tối đa là 20 chiến sĩ. Nếu vận tải bằng đường bộ thì 100 tấn đó cần đến cả một sư đoàn nếu là khuân vác, cả một tiểu đoàn nếu là vận tải cơ giới. Còn chi phí nguyên liệu nếu vận tải bằng cơ giới trên đường bộ thì lượng xăng dầu tốn gấp hàng trăm lần so với vận tải đường thủy.
Sau mươi năm đã qua, con đường vận tải biển chi viện chiến trường miền Nam đã đi vào huyền thoại, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Dương Thành