Ngược lại, kinh tế khủng hoảng là dấu hiệu cho thấy sự bất cập của chính trị và đòi hỏi chính trị phải có sự điều chỉnh. Chúng ta đang sống trong khoảnh khắc này - mọi thứ đảo lộn, biến chuyển rất nhanh chóng và khó lường.
Lát cắt đầu tiên: Sau thế chiến II, bầu không khí hòa bình là chủ đạo, ngoại giao pháo hạm lùi vào hậu trường, thay thế bằng ngoại giao bóng bàn. Điển hình là cái bắt tay giữa ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình tại Bắc Kinh năm 1972.
“Chiến tranh lạnh” vẫn diễn ra nhưng xu thế hợp tác, hội nhập rất mạnh mẽ nhằm giải quyết nhu cầu tái lập thị trường, khai thác tài nguyên phục vụ kinh tế tư bản. Đổi lại, các quốc gia Á, Phi, Mỹ Latin mới giành độc lập có vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý để tái thiết quốc gia.
Đặc biệt, từ thập niên 90, chứng kiến phong trào đầu tư, cho vay, viện trợ hoàn lại và không hoàn lại từ phương Tây chảy sang phương Đông với mức độ lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Bản thân Trung Quốc đã phất lên nhờ dòng vốn FDI. Chuỗi cung ứng rộng hiện nay, bao gồm hàng nghìn công ty đa quốc gia đến làm ăn tại các nước đang phát triển bắt đầu như thế.
Nói cách khác, chuỗi cung ứng là kết quả của xu thế đa phương hóa, đa dạng hóa, tái cấu trúc quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao Đông - Tây trên nguyên tắc mới, thường được gọi là “đôi bên cùng có lợi”. Thu hút FDI trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng ở nhiều quốc gia, mang lại nguồn lực khổng lồ giúp nhiều nước trở nên hùng cường như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nam Phi, Argentina,…
Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ khi tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Lịch sử sẽ đánh giá rõ ràng hơn vai trò của ông Trump. Liệu có phải, ông là người đảo chiều guồng quay duy ý chí nhân danh cường quốc số một thế giới; hay là định mệnh trao cho ông nhiệm vụ phết dấu mốc lên tiến trình lịch sử?
Mọi chuyện bắt đầu từ “nước Mỹ trên hết”, rút khỏi Trung Đông chuyển về châu Á - Thái Bình Dương, phát động chiến tranh thương mại, xét lại vai trò của các tổ chức quốc tế, tiếp tục duy trì và phát triển quan điểm xem Nga là hậu duệ của Liên Xô cần ngăn chặn. Bước ngoặt xảy đến khi COVID-19 xuất hiện và chiến sự Nga - Ukraine đào thêm hố sâu ngăn cách.
Loạt thay đổi từ nước Mỹ phủ lên ngoại giao toàn cầu bầu không khí nghi kỵ, xu hướng đa phương chững lại, để đối phó “công xưởng thế giới” Trung Quốc thay đổi chính sách hướng về “tự lực cánh sinh”; chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga đậm đặc tính dân tộc chủ nghĩa.
Rõ ràng, một thế giới từng đạt được trạng thái thống nhất tương đối khi các siêu cường quản lý tốt căng thẳng, nên chuỗi hợp tác kinh tế là thống nhất trôi chảy, các chính phủ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp của nhau tiếp cận khai thác lợi thế.
Nhưng trạng thái chia tách, đa cực lập tức xuất hiện khi các bên công khai chỉ trích nhau, đẩy kinh tế vào tình thế mắc kẹt, ví như Apple, Toyota mặc dù bị đình trệ hoạt động tại Trung Quốc nhưng không thể rời đi. Mặc dù Tổng thống Mỹ kêu gọi doanh nghiệp hồi hương theo ý chí chính trị nhưng vấn đề với nhà đầu tư là kinh tế. Không phải khi nào kinh tế và chính trị cũng hòa thuận.
Dù Toyota bị đình trệ hoạt động tại Trung Quốc nhưng không thể rời đi. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Vấn đề hóc búa tiếp theo: COVID-19 là “thế lực” tung cú đánh trực diện và khủng khiếp nhất vào xu thế toàn cầu hóa. Về mặt cơ học, chủng virus này không khuyến khích mở cửa bang giao hợp tác, chúng ngăn chặn quan hệ vật lý người với người; cản trở phương thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng vốn thông dụng.
Một ổ dịch vài chục ca bệnh ở Thượng Hải đã hủy hoại tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới từ Trung Quốc đi châu Âu. Và ở Bắc Mỹ, khi dịch bệnh cao trào có hàng vạn điểm nghẽn tương tự. Bài toán tưởng chừng đơn giản, song chưa thể giải quyết.
Vấn đề lúc này là không thể khai thác tài nguyên thô ở Đông Nam Á, Nam Mỹ, Bắc Phi mang về Trung Quốc tinh chế, gửi sang châu Âu kiểm định rồi quay lại sản xuất linh kiện, thiết bị, lắp ráp thành phẩm ở châu Á và tái xuất sang thị trường Âu - Mỹ. Đây là chuỗi cung ứng rất dài và đầy rủi ro.
Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu yêu cầu rút gọn tối đa quãng đường hoàn thiện sản phẩm; xích lại gần hơn giữa trung tâm sản xuất và thị trường tiêu thụ. Với chủ thể sản xuất là doanh nghiệp - họ buộc tìm kiếm đối tác trong nước, trong khu vực. Thị trường vốn, tín dụng co hẹp lại, khả năng đầu tư liên lục địa không dồi dào như trước.
Công nghệ dù tân tiến đến đâu cũng không thể làm thay con người công việc phân phối vật lý trong chu trình trình kinh tế. Dễ hiểu hơn, chẳng có công nghệ nào có thể tự động hóa vận tải liên lục địa; cũng không thể có phát minh nào có thể giúp các chính trị gia duy trì quan hệ tốt đẹp mãi mãi.
Khi con người không còn mặn mà với nhau thì ắt hẳn đường ai nấy đi, nhà ai nấy ở. Suy cho cùng, quan hệ quốc gia, châu lục cũng vận động theo logic tâm lý như vậy mà thôi!