Việt Nam với nguồn lực còn hạn chế đang có những bước đi thực sự trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Hiện nguồn điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam chiếm đến 52,2% công suất lắp đặt trên toàn quốc.
Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu về năng lượng và điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng trưởng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ đến năm 2050.
Vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng bền vững, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội là điều kiện quan trọng nhất hiện nay. Trong đó, 2 mục tiêu quan trọng nhất hiện là đảm bảo an ninh năng lượng trong trung và dài hạn để đáp ứng mục tiêu phát triển; đồng thời, đảm bảo tiếp cận năng lượng cho người dân và nền kinh tế với chi phí hợp lý, phù hợp điều kiện phát triển và khả năng thực tế của Việt Nam.
“Chuyển dịch năng lượng, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính là quá trình căn bản hướng tới tăng trưởng xanh. Chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 cần tập trung giải quyết 5 vấn đề cốt lõi mang tính bao trùm. Theo đó, cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong quá trình chuyển dịch năng lượng cần giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt lưu ý đến tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và việc chuyển đổi, mất việc làm của người lao động trong các ngành, lĩnh vực chẳng hạn từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân; cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển. Trong quá trình triển khai chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững cần thực thi có hiệu quả công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát và các chế tài liên quan để hạn chế, cắt giảm đầu tư và có lộ trình thay thế, đóng cửa các cơ sở sản xuất ô nhiễm, hạ tầng phát thải nhiều carbon.