Hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong 06 năm qua
Thời gian qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều hình thức sinh động, sáng tạo và mang lại hiệu quả tích cực.
Những hình thức truyền thống như đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật tiếp tục được duy trì với cường độ cao hơn thông qua việc triển khai nhiều đề tài khoa học các cấp, nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học với chủ đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 35 các cấp đặc biệt chú trọng đến các hình thức tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch qua các kênh truyền thông thông qua việc kết hợp giữa truyền thông truyền thống và truyền thông hiện đại, giữa truyền thông chính thống và phi chính thống. Các hoạt động tuyên truyền trên sách, báo, tạp chí tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều tạp chí khoa học xây dựng chuyên mục phù hợp, chuyên sâu để đăng tải những bài viết có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó tiêu biểu là: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Tuyên giáo, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân... Các nhà xuất bản như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân... cũng đẩy mạnh việc xuất bản, phát hành các ấn phẩm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tính trong giai đoạn 2019-2024, cả nước có hơn 350 đầu sách tham khảo, chuyên khảo có nội dung liên quan đến Nghị quyết 35-NQ/TW, trong đó có nhiều cuốn sách có nội dung đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, thù địch. Các Đài Truyền hình quốc gia và địa phương đã xây dựng các chương trình chính luận về có nội dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với chương trình “Đối diện”, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với chương trình “Nhìn thẳng, nói thật”…
Trong số những hình thức, cách thức được tiến hành thời gian qua, đáng chú ý nhất chính là việc chú trọng hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội. “Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả rõ rệt”[1]. Do đó, từ năm 2019 đến nay, nhiều địa phương, bộ, ngành đã thiết lập các kênh truyền thông mới với nhiều hình thức đa dạng như: trang thông tin điện tử, website, fanpage, facebook, youtube, zalo… để đăng tải thông tin tích cực, phản bác những thông tin xấu độc, kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều kênh truyền thông có lượng người theo dõi, tương tác lớn; có tính lan tỏa rộng trong cộng đồng và đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Hương Sen Việt, Việt Nam Thịnh Vượng… Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị cũng có những hình thức, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như biên soạn, xuất bản các cuốn Sổ tay để hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng[2]. Sau khi phát hành, các cuốn sổ tay đã trở thành cẩm nang thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, phương pháp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 35. Một số đơn vị tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Nghị quyết số 35, huy động động đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia xây dựng các tác phẩm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch[3]. Tổ chức đoàn các cấp cũng tích cực tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đoàn viên, thanh niên; điển hình là Cuộc thi “Ánh sáng soi đường” do Trung ương Đoàn tổ chức hàng năm, Các cuộc thi là hình thức sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đôi khi chưa thực sự có những thay đổi kịp thời so với yêu cầu của thực tiễn. Quá trình chuyển đổi số các sản phẩm tuyên truyền trên sách, báo, tạp chí, đề tài, hội thảo, tọa đàm khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn chậm, hình thức thể hiện đôi khi cò nghèo nàn, kém sinh động nên chưa thực sự thu hút được sự chú ý của công chúng, nhất là giới trẻ. Việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội tuy được triển khai theo bề rộng nhưng còn tràn lan, chưa có trọng tâm, trọng điểm hợp lý; còn nhiều kẽ hở về quy định, quy chế thực hiện và nhiều lỗ hổng về an toàn, bảo mật thông tin.
Những hạn chế đó đặt ra cho Ban Chỉ đạo 35 các cấp nhiệm vụ cấp bách là cần phải tiếp tục đổi mới hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để nhiệm vụ này ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả thiết thức hơn nữa trong thời gian tới.
Tiếp tục đổi mới hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Để thực hiện tốt hơn Nghị quyết số 35-NQ/TW trong thời gian tới, cần chuyển đổi mạnh hơn nữa trọng tâm của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận truyền thống là chủ yếu sang đấu tranh trên internet và mạng xã hội. Đây là một sự chuyển hướng cần thiết để đáp ứng những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn. Đó là sự tham gia ngày càng đông đảo của nhân dân trên không gian mạng và sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch trên không gian mạng khiến mạng xã hội trở thành không gian tranh chấp chính trên trận tuyến đặc biệt quan trọng này. Tuy nhiên, cần phải “Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội”[4] để tránh bị các thế lực thù địch thao túng, câu dẫn thông tin theo hướng tiêu cực.
Để huy động ngày càng đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Ban chỉ đạo 35 các cấp cần chủ động, linh hoạt trong cách thực thực hiện; mạnh dạn hơn nữa trong việc đề xuất cách làm mới, sáng tạo, nhân rộng các mô hình có sức lan tỏa tốt, có hiệu quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết. Hoàn thiện cơ chế, tăng cường các điều kiện đảm bảo cả về nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại để nâng cao hơn nữa hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới.
Đúng như Đảng ta khẳng định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt, có ý nghĩa sống còn với nước ta trong giai đoạn hiện nay. Những kết quả đã đạt được chính là điều kiện, tiền đề để chúng ta tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ chính trị quan trọng này trong thời gian tới. Đó là cách giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nâng cao nhận thức, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.171
[2] Năm 2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xuất bản cuốn “Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, năm 2022, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát hành cuốn “Sổ tay hỏi đáp Sinh viên với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”, năm 2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xuất bản cuốn “Sổ tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng”…
[3] Điển hình là Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với một số cơ quan Trung ương tổ chức. Năm 2021 thu được hơn 8.000 tác phẩm, năm 2022 thu được hơn 110 nghìn tác phẩm, năm 2023 thu được hơn 301 nghìn tác phẩm
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.234
Chiên Lê