Theo bà Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Việt Nam và thế giới đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có như COVID-19; bất ổn địa chính trị; biến đổi khí hậu, suy giảm kinh tế toàn cầu… Cùng với cả nước, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đối phó với tác động tiêu cực của dịch bệnh, phát huy được vai trò huyết mạch của nền kinh tế, qua đó góp phần vào sự phục hồi, ổn định của nền kinh tế.
“Ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với một loạt những hoạt động, kết quả quan trọng. Cụ thể: Phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của NHNN và các bộ, ban ngành liên quan quan dành cho kênh đối thoại chính sách của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong những năm qua, bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định: Với định hướng, lộ trình của NHNN và sự nỗ lực không ngừng của các tổ chức tín dụng, tín dụng xanh đang có những bước phát triển tích cực và ngày càng được quan tâm, với hạn mức đầu tư tăng lên từng ngày.
"Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, trong khi đó việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và các dự án các-bon thấp", bà Michele Wee cho biết.
Để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến: Việt Nam sẽ cần huy động nguồn lực tài chính thêm khoảng 6,8% GDP hằng năm, tương đương với khoảng 368 tỷ USD từ nay đến 2040, trong đó cần huy động từ khu vực tư nhân khoảng 50%. Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.
Với yêu cầu trên, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội cần phải nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, hoạt động đã được xác định trong thời gian tới, trong đó huy động nguồn lực tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.