Kết quả thực hành dân chủ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở tỉnh Quảng Trị hiện nay
Tỉnh Quảng Trị luôn xác định xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, song hành với đó là tăng cường việc thực hành dân chủ để bảo đảm hiệu quả thực chất. Quán triệt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đặc biệt là những quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, các ban, sở, ngành bám sát để xây dựng chương trình, triển khai thực hiện nhanh chóng có hiệu quả. Ngoài ra, điểm nổi bật đó là hoạt động đỡ đầu cho các xã khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao đến từ Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; Sở Công thương; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Chính sách và Xã hội tỉnh, Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh...
Những con đường hoa ở Cam Hiếu (Cam Lộ - Quảng Trị)
(Nguồn: camlo.quangtri.gov.vn)
Đặc biệt, các cấp ủy đảng và chính quyền luôn chú trọng vấn đề lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nếu như thiếu sự hài lòng từ phía người dân thì dù cho các khâu trong quá trình xét công nhận đạt được thì cũng phải thực hiện lại. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm, chú trọng tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo thực hành dân chủ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Vậy nên đã tạo được sự đồng lòng, nhất trí cao từ nhân dân trong suốt quá trình thực hiện; nhân dân phấn khởi, vui mừng, cùng chung sức thực hiện và cùng bảo vệ thành quả chung. Đồng thời, thực hành dân chủ góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất giữa “ý Đảng và lòng dân”, mà biểu hiện cụ thể nhất chính là sự phối hợp, chung tay của cả Nhà nước và Nhân dân trong việc thực hiện tất cả các tiêu chí để đảm bảo sự thống nhất trong cả nhận thức và hành động.
Khi người dân đã biết, được bàn, được làm, từ đó chủ động, hăng hái, tích cực đóng góp sức người, sức của, sẵn sàng góp vốn đối ứng với Nhà nước, đồng thuận hiến đất để mở rộng đường; ngoài ra người dân còn chung sức xây dựng hệ thống thủy lợi, đê điều để bảo đảm nhu cầu tưới tiêu, phục vụ việc sản xuất. Kết quả cụ thể đã bảo đảm tưới chủ động cho 85% diện tích lúa 2 vụ, tiêu úng cho 7.500ha, cấp nước cho 1.975ha nuôi trồng thủy sản; ngăn mặn, ngăn lũ cho 13.000ha. Trong 3 năm (2021-2023), đã huy động được khoảng 13.150.000 triệu đồng, riêng trong năm 2023 đã vận động người dân tự nguyện hiến 56.235 m2 đất, đặc biệt chỉ riêng xã Cam Hiếu (Cam Lộ) đã vận động nhân dân hiến 8.132 m2 đất, huy động hơn 3000 ngày công tham gia chỉnh trang nông thôn... Đó thực sự là những động lực rất lớn để tỉnh Quảng Trị hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí khó thực hiện như về hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đến tháng 11/2024, toàn tỉnh đã có 75/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 74,2%), trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 16,1 tiêu chí/xã; 3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu; 138 sản phẩm OCOP... Trên các lĩnh vực khác, nhờ được thông tin, tập huấn, thay đổi tư duy, nếp nghĩ nên người dân đã biết nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác vươn lên, phát triển các mô hình sản xuất với các sản phẩm chủ lực; có ý thức xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp, an toàn ở nông thôn.
Xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa là xã miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới ở Quảng Trị
(Nguồn: nld.com.vn)
Một số kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả thực hành dân chủ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở tỉnh Quảng Trị hiện nay
Có thể nói công tác thực hành dân chủ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Quảng Trị trong nhiều năm qua đã để lại nhiều kinh nghiệm hữu ích, có giá trị tham khảo.
Trước hết, đó là việc cần nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền về thực hành dân chủ, nhất là triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong quá trình trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Phát huy vai trò của đảng viên ở cơ sở trong việc nắm bắt tình hình, nguyện vọng, mong muốn của người dân để tìm ra cách giải quyết cho “thấu tình, đạt lý” đồng thời kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch để mưu cầu lợi ích cá nhân. Điều này đảm bảo trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chương trình, đề án, công văn... ở các cấp, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh hay các ban, sở, ngành... phải luôn quán triệt tinh thần phát huy vị trí trung tâm của nhân dân, “dân là gốc”, phát huy dân chủ thực sự.
Thứ hai, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân để có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức tuyên truyền, thành lập lực lượng nòng cốt tham gia hoạt động ở các địa bàn khu dân cư, kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân và dư luận xã hội, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh nhằm lôi cuốn nhân dân chủ động, tích cực tham gia.
Thứ ba, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trên tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là xác định: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và cơ chế thực hành dân chủ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng nâng cao chất lượng của dân chủ đại diện, mở rộng phương thức dân chủ trực tiếp; nâng cao số lượng và chất lượng các buổi đối thoại với người dân để tháo gỡ “nút thắt”, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Mặc dù trong thực tiễn thực hành dân chủ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế đến từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Nhưng thực tế cho thấy, việc thực hành dân chủ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Quảng Trị đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, giữ vững sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như góp phần thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh./.
Phạm Thị Như Quỳnh, Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị