Giá trị của Khu Di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khu Di tích Phủ Chủ tịch nằm trên địa phận phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội với diện tích hơn 10 ha, bao gồm nhà cửa, vườn cây xanh, thảm cỏ, ao cá và sân, đường đi lối lại; có khoảng 1456 hiện vật, trong đó đang trưng bày 759 hiện vật. Các di tích, hiện vật, tài liệu được lưu giữ tại nơi đây đều đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc.
Giá trị của Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch thể hiện trên những phương diện lớn sau:
Một là, đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc từ năm 1954 đến năm 1969 nên nó in dấu sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trong giai đoạn này. Trong 15 năm đó Người đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân vượt qua những thử thách cam go ác liệt để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập, dân tộc dân chủ, vì hoà bình và tiến bộ xã hội của thế giới.
Hai là, đây cũng là thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc mở rộng mối quan hệ quốc tế và là người đặt nền móng cho ngành ngoại giao Việt Nam hiện đại. Trong thời kỳ này, Người gặp gỡ, tiếp đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế quan trọng, thể hiện rõ sự thân thiện, hữu nghị của một vị Chủ tịch nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gặp nhiều đoàn khách là đại biểu của các chính đảng, đoàn thể, tôn giáo; đại biểu của công nhân, nông dân, trí thức, quân đội; đại biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số; đại biểu của người dân miền Nam Việt Nam và quân nhân thuộc Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Cũng tại nơi đây, Người còn tiếp những người là đại biểu những người Việt sống ở nước ngoài về thăm Việt Nam; đại biểu của các đội thiếu niên, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... Trong thời kỳ sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Người cũng đã dẫn đầu nhiều đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước ta đi thăm chính thức nhiều nước nhằm mở rộng quan hệ quốc tế như: Mông Cổ, Trung Quốc, Liên Xô (1955), Công hòa dân chủ Đức, Hungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, Anbani, Bungari, Triều Tiên, Rumani (1957), Miến Điện, Ấn Độ (1958)… Với tất cả những ý nghĩa đó, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa (ngày 2/9/1969), nơi Người ở và làm việc cùng với các di tích, kỷ vật ở đây đã trở thành những vật chứng quý giá, biểu tượng thiêng liêng về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh củng cố, phát triển mối quan hệ ngoại giao với các nước và sự quan tâm, chăm lo của Người với các tầng lớp nhân dân.
Ba là, các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn có ý nghĩa đặc biệt bởi giá trị văn hoá của các di tích rất cao. Trong Khu di tích, tất cả những di tích từ nơi ở, nơi làm việc, phòng tiếp khách, bếp ăn đến vật dụng hàng ngày rất bình thường, đến từng gốc cây, nhành hoa, đường đi lối lại, ao cá đến cả không khí và sắc trời đã gắn với con người vĩ đại Hồ Chí Minh. Và những di tích ấy không còn bình thường nữa, bởi vì bất kỳ một đồ vật đơn sơ nào cũng đều chứa đựng những tinh thần lớn, những giá trị thánh thiện, những triết lý nhân văn, những bài học rất thiết thực để hướng tới Chân - Thiện - Mỹ.
Giải pháp phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Có thể khẳng định, Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch có giá trị rất lớn bởi nơi đây lưu giữ những dấu ấn về cuộc đời hoạt động cách mạng cùng những đóng góp to lớn của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nơi đây cũng tỏa sáng tư tưởng, lối sống, phong cách của vị lãnh tụ vĩ đại mà gần gũi của cả dân tộc Việt Nam. Do đó, cần tích cực phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong Khu di tịch về Người tại Phủ Chủ tịch trên những phương diện cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quảng bá, lan tỏa nội dung, giá trị, ý nghĩa di sản Hồ Chí Minh tại nơi đây với đông đảo đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Thông qua việc tuyên truyền, giới thiệu qua các đợt tham quan, tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học, giới thiệu qua sách báo, truyền thông, mạng xã hội, gặp gỡ, trao đổi với các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học để lan tỏa những nội dung, giá trị, ý nghĩa di sản Hồ Chí Minh, làm cho di sản đặc biệt này ngày càng gần gũi, dễ hiểu nhưng vẫn toát lên sự cao quý và tầm vóc lớn lao. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tại Khu di tích để giới thiệu, quảng bá về cuộc đời, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hiện vật, các sản phẩm nghệ thuật.
Hai là, tiếp tục thực hiện tốt quy định, chỉ thị của Trung ương về “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn nhiệm vụ này với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân Việt Nam, khiến giá trị di sản Hồ Chí Minh nói chung và giá trị trong thời kỳ Người sống và làm việc tại Khu di tích ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng và trở thành di sản tinh thần vô giá của cả dân tộc.
Ba là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận di sản Hồ Chí Minh tại Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch trên các phương diện như bôi nhọ cuộc đời, hoạt động cách mạng của Người, xuyên tạc phong cách sống giản dị, thanh cao cũng như tư tưởng của Người. Đó là cách làm cho giá trị di sản Hồ Chí Minh ngày càng thực chất và trở thành nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng mà không thế lưc thù địch nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.
Bốn là, tăng cường phối hợp giữa Ban Quản lý Khu di tích với các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường và các khu di tích khác về Người trên cả nước để quảng bá, lan tỏa rộng rãi hơn nữa giá trị của di sản Hồ Chí Minh tại Khu di tích đến đông đảo quần chúng nhân dân. Thông qua đó, gắn việc nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi về di sản Hồ Chí Minh tại Khu di tích với các hoạt động chuyên môn, đặc thù của các cơ quan, đơn vị, địa phương để di sản Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần, tư tưởng, có ảnh hưởng sâu sắc đến đạo đức, phong cách, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Như vậy, Khu di tích Phủ Chủ tịch là một quần thể di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh với những bằng chứng chân thực, sinh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, vị lãnh tụ đã cống hiến cả cuộc đời mình vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam; vì hòa bình, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Do đó, giữ gìn, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong Khu Di tích về Người ở Phủ Chủ tịch là cách làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần, tư tưởng của toàn dân tộc Việt Nam.
Chiên Lê