Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Hà Nội. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Theo số liệu từ Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19. Hôm qua, cả nước có hơn 1.400 ca mắc Covid-19, một bệnh nhân tử vong, hơn một trăm ca nặng đang điều trị...
Dù đỉnh dịch đã qua hơn 4 tháng nay, nhưng gần đây, số ca mắc lại có xu hướng tăng cao trở lại, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron lây lan nhanh và các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa. Mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm hệ miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Thực tế, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam người nhiễm các biến thể này đã bắt đầu tăng cao, trong khi tỉ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện chỉ đạo tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Trong đó yêu cầu các đơn vị của TP phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19: Tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 năm 2022, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng; đảm bảo không bỏ sót đối tượng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để lập danh sách, tuyên tuyền, tổ chức tiêm chủng, tăng tỉ lệ bao phủ vaccine cho người dân. Chính quyền các cấp quyết liệt triển khai thực hiện với tiêu chí tiêm chủng là nghĩa vụ, là trách nhiệm và quyền lợi của từng người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, số ca mắc Covid-19 đang gia tăng trở lại và có thể sẽ gây quá tải hệ thống y tế. Nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác như cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng... đang trong mùa cao điểm cùng với khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...). Chính vì thế, Bộ Y tế đề xuất vẫn giữ Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống cũng cần áp dụng linh hoạt, phù hợp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B. Trong đó, Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 - 2023 trên cơ sở kế hoạch chiến lược chuẩn bị và đáp ứng với các tình huống cụ thể.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững. WHO vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là tình trạng đại dịch trên toàn cầu. Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dứt khoát không chủ quan, mất cảnh giác trước dịch Covid-19, không "ngủ quên" với những kết quả đã đạt được.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không thể để đến lúc dịch bùng phát trở lại mới lại ráo riết việc tiêm vaccine và các biện pháp phòng dịch khác. Bài học về số ca mắc, số tử vong và những tổn thất vô cùng lớn về những đợt dịch trước vẫn còn đó. Việc chủ quan, lơ là sẽ phải trả giá đắt./.
Theo Kinh tế và Đô thị