Ngày 19/8/2022, trong khuôn khổ hợp tác với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam”.
Các rào cản, khó khăn đối với phát triển kinh doanh tuần hoàn theo các doanh nghiệp đánh giá. Nguồn: CIEM
Sau một quá trình nghiên cứu, tham vấn công phu, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định số 687/QĐ-TTg đã khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian và thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả tri thức nhân loại, các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM chỉ rõ, thời gian qua, việc phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đổi mới sáng tạo, sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM giải thích lý do vì sao chọn kinh tế tuần hoàn làm đối tượng nghiên cứu.
“Vì đó đang là xu hướng tất yếu ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ… Các nước Bắc Âu: Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển”, ông Chiều lý giải.
Tại báo cáo, CIEM đã đưa ra khái niệm mới đó là "kinh doanh tuần hoàn". Kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện sớm, nhưng kinh doanh trong kinh tế tuần hoàn mới xuất hiện từ 2015 trở lại đây, khi công nghệ đã cho phép xử lý các vấn đề trước đây chưa thể, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã đề ra định hướng “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” và “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ “xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Cụ thể hoá các chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn trên cơ sở các quy định và chính sách về phát triển bền vững như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp…
Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm xã hội và xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mình, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế như: Vinamilk, Nestle, Coca Cola, Lagom Việt Nam, Hoá chất Đức Giang…
"Đặc biệt, trong lĩnh vực tái chế, nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn đã được vận hành và đem lại những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn chưa có tính hệ thống", ông Chiều nói.
Kết quả khảo sát 508 doanh nghiệp cả nước của nhóm nghiên cứu cho biết, gần 80% nhận thức theo nhận thức chung; 60-70% doanh nghiệp cho rằng, kinh tế, kinh doanh tuần hoàn có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, hiểu biết của doanh nghiệp về kinh doanh tuần hoàn lại hạn chế, với chỉ có 20-30% rõ, 3-6% rất rõ.
Các doanh nghiệp cũng đánh giá, khung pháp luật, chính sách của Việt Nam về kinh doanh tuần hoàn còn chưa rõ ràng và thiếu. Cụ thể, có tới 63-71% doanh nghiệp cho rằng, chính sách chưa rõ ràng và 55- 65% doanh nghiệp nhận định, khung chính sách rất thiếu.
Mức độ áp dụng kinh doanh tuần hoàn còn thấp, với 51%- 66% chưa áp dụng, trong khi chỉ có 3- 5,5% áp dụng tốt.
Tỷ lệ các doanh nghiệp đã áp dụng được nhận hỗ trợ là rất thấp. Cụ thể, mức độ đào tạo cao nhất là 15%; còn mặt bằng thấp nhất là nhỏ hơn 3%.
Các rào cản, khó khăn đối với phát triển kinh doanh tuần hoàn theo các doanh nghiệp đánh giá là: Khung pháp luật, chính sách kinh tế, xã hội; Nguồn lực; Công nghệ và môi trường; Chuỗi giá trị; Cơ sở hạ tầng; Chiến lược, cấu trúc doanh nghiệp và văn hóa xã hội.
Những khó khăn lớn đối với phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn vẫn xuất hiện ở hầu hết các khía cạnh của hoạt động kinh doanh: nguồn lực, công nghệ, thị trường… Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam chưa thống nhất; khung pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ; năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; văn hoá kinh doanh, thói quen tiêu dùng và nội dung chính sách pháp luật vẫn chủ yếu dựa trên triết lý kinh doanh tuyến tính truyền thống.
Bối cảnh quốc tế và trong nước đưa đến những cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh doanh trong kinh tế tuần hoàn, nhất là trong thời gian gần đây đã có chủ trương, chính sách mới về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn để đạt mục tiêu phát triển bền vững, cam kết của VN COP26.
Toàn cảnh Hội nghị: Ảnh: Kinh tế và Dự báo
“Vấn đề là làm sao để các mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể được áp dụng tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta có các cam kết chiến lược về tăng trưởng xanh?”, Phó viện trưởng Nguyễn Hoa Cương đặt vấn đề.
Đồng tình với cách đặt vấn đề của ông Nguyễn Hoa Cương, ngài Carsten Baltzer Rode, Đại biện lâm thời Đan Mạch tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta phải tư duy lại cách tiêu dùng, sản xuất, làm sao để các nguyên liệu tiếp tục được tái chế, tuần hoàn. Sử dụng nhiều lần, càng nhiều, càng tốt, sử dụng ít tài nguyên hơn”.
Cho biết, tại Đan Mạch, các doanh nghiệp ngày càng nhận rõ hơn các cơ hội về kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm nguyên liệu thô, chuyển mô hình tiêu dùng sử dụng nguồn tài nguyên bền vững, các nguyên liệu được tái chế nhiều lần, ông Carsten Baltzer Rode cho rằng, kinh nghiệm của Đan Mạch sẽ giúp đưa ra các khuyến nghị là những giải pháp quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.
“Đây là động lực cho Việt Nam để phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế phát thải xanh và phát thải thấp”, ông Carsten Baltzer Rode nói.
Từ kinh nghiệm Châu Âu, Đan Mạch và nhiều quốc gia khác cho thấy, kinh doanh theo hướng tuần hoàn đang trở thành một xu hướng trên phạm vi toàn cầu và được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành các mô hình kinh doanh tuần hoàn, vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng, trước hết trong xây dựng khung pháp luật, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua những thách thức, khó khăn khi chuyển đổi mô hình kinh doanh từ tuyến tính sang tuần hoàn.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, ông Chiều cho biết, các kiến nghị được các doanh nghiệp đề xuất, đó là: Tăng cường nhận thức về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn; hoàn thiện khung thể chế, pháp luật có liên quan; thực hiện lồng ghép các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ban hành chính sách cụ thể về hỗ trợ nguồn lực đối với các doanh nghiệp; xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, đặc biệt là bộ tiêu chí đo lường mức độ kinh doanh tuần hoàn của các doanh nghiệp; có hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực…
Lý giải vì sao kinh tế tuần hoàn lại đang thành xu hướng, TS. Võ Trí Thành chỉ rõ, thứ nhất là xu hướng gắn với các ý tưởng phát triển xanh, nhân văn, bền vững, bao trùm và mới đây là tự cường.
Thứ hai là xu hướng về lối sống, cam kết chính trị toàn cầu. So với tất cả các cam kết về xanh, cái có thể tin nhất là cam kết ở COP 26.
Thứ ba là Chiến lược xanh của Việt Nam. Chiến lược tăng trưởng xanh Việt Nam cái nền là chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, đây là 2 nền tảng quan trọng nhất để phát triển.
“Cái quan trọng nhất là chuyển biến này có tính thị trường rất cao, chất thị trường đến từ người tiêu dùng, lối sống. Rất may chúng ta có gen Z là thế hệ xanh nhất Việt Nam”, ông Thành nói và khẳng định, những doanh nghiệp nào chất xanh cao, về trung và dài hạn lợi nhuận cao, tất nhiên chi phí chuyển đổi cao, chi phí áp dụng cao.
Để tận dụng được những cơ hội cũng như hạn chế những khó khăn, thách thức khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn./.
Theo Kinh tế và Dự báo