Tháng 6/2012, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố lấy ngày 20/3 hàng năm là Ngày Quốc tế hạnh phúc. Đó không chỉ là mục tiêu hướng tới của mỗi con người, mỗi gia đình, mà còn là vấn đề mang tính quốc gia, gắn với những mục tiêu chính trị rất rõ ràng.
Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo khiến độ dài ngày và đêm bằng nhau. Nó đại diện cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy ý tưởng từ Vương quốc Bhutan, một quốc gia ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa phía Đông dãy Himalaya. Bắt đầu từ những năm 1970, Quốc vương Bhutan này đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Ví dụ như ở một tỉnh còn nghèo như Yên Bái, lẽ ra phải tập trung phát triển kinh tế, nhưng năm 2020 Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX lại chọn và đưa ra thảo luận một chủ đề: Nâng cao chỉ số hạnh phúc trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh tăng 15% so với năm 2020. Một điều tưởng giản dị, nhưng gần gũi và thiết thực. Bởi có hạnh phúc thì mới thăng hoa để thực hiện được các mục tiêu khác, trong đó có phát triển kinh tế. Vấn đề này đã nhận được sự đồng tình của nhiều người.
Trên con đường “đi tới hạnh phúc” theo quan niệm của mỗi người, bên cạnh những hình ảnh xúc động, việc làm truyền cảm hứng, thì những thông tin tiêu cực vẫn xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn. Sở dĩ như thế, bởi cuộc sống luôn tồn tại một triết lý cực đoan, đó là “chiếc chăn hạnh phúc” rất hẹp, nó không tự đắp lên người mình, mà phải kéo về phía mình. Thay cho sự thiện lương của đôi tay và thánh thiện của tâm hồn trên hành trình đến với hạnh phúc, nhiều người đã dùng tâm hồn dung chứa mầm ác và đôi tay để làm những điều phi pháp hòng giành lấy hạnh phúc cho riêng mình. Xã hội ngày càng trở nên phức tạp hơn vì những điều như thế.
Trở lại với dòng sự kiện tháng 3. Cũng trong tháng được gọi là “Tháng hạnh phúc” này, tháng 3 còn gắn liền với một lực lượng hùng hậu của đất nước - những người trẻ với nhiều việc làm hữu ích, những phong trào chung sức vì cộng đồng, với tên gọi là “Tháng Thanh niên”. Tùy vào chủ đề của Tháng Thanh niên từng năm, cùng với tuổi trẻ cả nước, rất nhiều thanh niên xứ Thanh đã xung phong làm việc khó và sẽ tiếp tục tình nguyện “lao vào” những vùng đặc biệt khó khăn, nhận những việc mà nhiều người từ chối. Biết là khó khăn, nhưng được cống hiến và sáng tạo cũng có thể xem là việc làm hạnh phúc. Hạnh phúc với người này là có địa vị, quyền lực, có cuộc sống vật chất đầy đủ. Nhưng với tuổi trẻ - quảng đời thanh xuân đẹp nhất, hạnh phúc nhiều khi chỉ giản đơn như thế. Họ chọn hạnh phúc cho số đông, chứ đâu có ích kỷ cho riêng mình.
Vậy nên, xin đừng cho rằng hạnh phúc là “tấm chăn hẹp” để cố tranh đoạt, mà hãy chọn việc để làm sao cho tấm chăn ấy ngày càng rộng hơn ra. Con đường đến với hạnh phúc thực ra rất giản đơn nếu ta biết bao dung, trân trọng.