Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18, sáng 14-4. Ảnh: TTXVN
Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế,” Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Đất nước đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện cho phát triển". Trong đó, cuộc cách mạng sắp xếp các đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị lần này để đảm bảo xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đã đặt ra.
Cuộc cách mạng tổ chức bộ máy ở nước ta đang bước vào giai đoạn rất quan trọng, sự thống nhất cao trong toàn Đảng, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và dư luận quốc tế cho thấy đây là chủ trương rất đúng, rất sát thực tế của Trung ương. Hai mục tiêu chiến lược xuyên suốt của cuộc cách mạng được xác định: một là, tinh gọn tổ chức bộ máy; hai là, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Mục tiêu chiến lược tinh gọn tổ chức bộ máy là vấn đề rất lớn, xuyên suốt và là sự cụ thể hóa các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt thời kỳ đổi mới
Hơn 100 năm trước, V.I. Lênin – lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã yêu cầu một bộ máy nhà nước phải thể hiện sự vượt trội tiến bộ hơn so với các nước tư bản, phản ánh rõ nét của một chế độ xã hội mới “Tóm lại, cái mà chúng ta đòi hỏi phải là một cái gì khác hẳn cái mà Tây Âu tư sản đòi hỏi, tức là một cái gì xứng đáng và thích hợp với một nước đang đặt cho mình nhiệm vụ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa”.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định công tác tổ chức, nhất là tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả là một trong ba nguyên nhân chính dẫn đến mọi sai lầm khuyết điểm của Đảng. Báo cáo chính trị Đại hội VI của Đảng đánh giá “Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.”
Trong suốt gần 40 năm đổi mới, mỗi kỳ đại hội, hội nghị Trung ương, Đảng đều có những quyết sách về công tác tổ chức bộ máy, từng bước sắp xếp lại các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Những thay đổi về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đã diễn ra liên tục nhưng vẫn chưa thực sự tạo sự đột phá lớn, bước ngoặt mang tính chất một cuộc cách mạng.
Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Trung ương quyết định tthực hiện sáp nhập các tỉnh/thành phố, bỏ cấp huyện, gộp các xã, điều chỉnh mô hình hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tinh gọn tổ chức đã đặt cơ sở chính trị cho sự thay đổi lớn, có tính chất một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy.
Mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm biên chế là vấn đề có thể định lượng được, có thể báo cáo và giám sát tốt. Mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm túc và cao hơn những yêu cầu của Trung ương, thể hiện nhận thức rõ sự “khuyến khích” của Trung ương đối với các địa phương trong quá trình thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy. Tuyệt đối tránh lợi ích cục bộ, cách làm đối phó, hình thức trong quá trình thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy. Các cấp ủy phải kiên quyết lãnh đạo thực hiện mục tiêu chung “tinh gọn tổ chức bộ máy” trong cuộc cách mạng.
Mục tiêu chiến lược thứ hai của cuộc cách mạng tổ chức bộ máy là hướng tới hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đây là vấn đề trọng tâm, mang tính nguyên tắc và phản ánh tính chất triệt để của cuộc cách mạng hiện nay
Việt Nam còn 20 năm để thực hiện các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước vươn mình trở thành một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Thời gian 20 năm là không nhiều, chúng ta cần phải đi nhanh, đi vững chắc, vừa phải đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế cao, vừa đảm bảo chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế. Khơi thông và huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu, trong đó phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để mọi thể chế trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia khẳng định rõ những nguồn lực cốt lõi để phát triển, trong đó thể chế là nguồn lực tiên quyết nhất “thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước”.
Tính chất hiệu năng của tổ chức bộ máy được hiểu là hiệu suất dựa trên năng lực. Số lượng người làm việc có thể ít nhưng chất lượng và hiệu quả công việc cao, mọi thủ tục hành chính được giải quyết một cách thuận tiện, nhanh và chính xác. Đội ngũ cán bộ và quá trình chuyển đổi số trong quản lý có tính chất quyết định nhất đến hiệu năng của tổ chức bộ máy, vì vậy mọi khâu trong công tác cán bộ phải được chú trọng. Trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”, V.I. Lênin khẳng định cải tổ bộ máy nhà nước là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải thực hiện bằng những tri thức khoa học và tuyệt nhiên không thể làm công việc này bằng lòng nhiệt huyết, bằng quyết tâm chính trị không có cơ sở. V.I Lê nin viết: “Về mặt này (cải tổ bộ máy nhà nước – tác giả chú thích), không thể giải quyết được bằng một hành động liều lĩnh, hay một cuộc xung phong, bằng sự táo bạo hay bằng nghị lực, hoặc nói chung, bằng bất cứ một trong những đức tính tốt đẹp nhất nào của con người”. Cải tổ bộ máy nhà nước phải cần có những cán bộ giỏi, những cán bộ khoa học, Lênin nhấn mạnh cán bộ là yếu tố quyết định thắng lợi “cử một vài người có năng lực tận tâm sang Đức hay sang Anh để sưu tầm tài liệu và nghiên cứu vấn đề. Tôi nói sang Anh trong trường hợp không thể sang Mỹ hay Ca-na-đa được”. Đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất trở thành khâu quyết định nhất cho hiệu năng của tổ chức bộ máy.
Tính chất hiệu lực của tổ chức bộ máy là mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được đảm bảo thực thi trong đời sống xã hội, không để xảy ra tình trạng nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo. Thực hiện nói sao làm vậy, lời nói thống nhất với việc làm, việc làm cho ra kết quả như lời nói. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, phải kiên định một quan điểm lớn “quản lý để phát triển”. Nghị quyết 66 – NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới nhấn mạnh một quan điểm “công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Tính chất hiệu quả của tổ chức bộ máy là khả năng tạo ra kết quả mong muốn. Tính hiệu quả của tổ chức bộ máy thể hiện bộ máy nhà nước quản lý tốt mọi mặt với một chi phí thấp nhất, hiệu quả nhất. Giảm chi tiêu thường xuyên, dành nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội như miễn học phí, viện phí, chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Những nhân tố quyết định đến hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy có thể nhìn nhận ở nhiều phương diện khác nhau, song ba nhân tố chính là: (1) Tính tinh gọn của tổ chức bộ máy, cơ sở quyết định đến xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách; (2). Thực hiện quá trình chuyển đổi số quốc gia, tạo sự thay đổi căn bản hình thức, phương thức hoạt động cung ứng dịch vụ công; (3) Xây dựng tốt cơ chế kiểm soát quyền lực trong thi hành công vụ, nhiệm vụ.
Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ được đánh dấu bằng cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tương lai đất nước, sự phồn thịnh của dân tộc dựa hoàn toàn vào sự thành công của cuộc cách mạng có tính chất thời đại lần này, Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân đều có trách nhiệm chung, có vai trò nhất định đối với cuộc cách mạng tổ chức bộ máy và cũng là trách nhiệm thiêng liêng trước vận mệnh của dân tộc Việt Nam.