Nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần và có sự hiểu biết đầy đủ, hệ thống, sâu sắc hơn bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin; củng cố thế giới quan khoa học, phương pháp luận cách mạng sáng tạo cho cán bộ, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin khoa học giúp họ hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó

Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng diễn ra một cách hết sức gay gắt, các thế lực thù địch, phản động với nhiều chiêu thức, thủ đoạn mới tìm mọi cách chống phá Đảng và Nhà nước; chống phá sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo thì việc nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác cho cán bộ, đảng viên để họ có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, đủ bản lĩnh chính trị trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chủ nghĩa Mác - Lênin cung cấp cho cán bộ, đảng viên thế giới quan khoa học; phương pháp luận khoa học trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thế giới quan khoa học được hình thành trên nền tảng tri thức khoa học nhất định, trong đó triết học - hạt nhân của thế giới quan đóng vai trò quan trọng. Do đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là hiệu quả nghiên cứu, học tập triết học, sẽ cung cấp cho cán bộ, đảng viên có được quan điểm, quan niệm đúng đắn về thế giới, giúp cán bộ, đảng viên có đủ năng lực phản bác các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Các thế lực thù địch thường xuyên rêu rao rằng ở Việt Nam chỉ có một đảng chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ. Muốn có dân chủ thì phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, để các đảng đấu tranh với nhau, tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở. Việt Nam tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến là bỏ qua hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, là đi trái với quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người, là trái với quan điểm của Mác khi Mác cho rằng: sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên; rằng đã là kinh tế thị trường thì nhất thiết phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập...

Lễ bế giảng một  khóa học cao cấp lý luận chính trị của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Để phản bác các quan điểm sai trái nêu trên, cán bộ, đảng viên phải nắm vững lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, nhất là quan điểm của V.I.Lênin cho rằng: “Với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô - viết và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”[1]; nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác về sở hữu và tư hữu, các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ; tính độc lập tương đối của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội...

Đã có người từng so sánh sự phát triển của Hàn Quốc và một số nước khác với Việt Nam từ đó họ phê phán, lên án Đảng và Nhà nước ta không có khả năng lãnh đạo phát triển kinh tế. Họ nói rằng, năm 1955, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ đạt 65 USD, bị xếp vào hàng các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Nhưng hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã vượt 30.000 USD, bước vào hàng ngũ các nước phát triển; Nhật Bản từng bị Chiến tranh thế giới thứ hai tàn phá nặng nề nhưng chỉ mấy chục năm sau họ đã gia nhập nhóm các nước phát triển. GDP bình quân đầu người năm 2023 của Nhật Bản đạt khoảng 37.079 USD/người v.v..[2] Trong lúc đó Việt Nam đã giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thế nhưng sau 50 năm thống nhất đất nước thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng mới chỉ hơn 4.000 USD (năm 2024)[3] mà thôi. Vậy thì quan điểm cho rằng “Việt Nam thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” là không đúng, là chủ quan, duy ý chí.

Để bác bỏ quan điểm sai trái này đòi hỏi phải vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, chống lại những luận điệu sai trái đó. Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, lại phải trải qua hàng chục năm chiến tranh chống các thế lực thù địch ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc, trong hoàn cảnh bị các nước tư bản phát triển tìm cách bao vây, cấm vận... do đó quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn. Thực tế chỉ từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1989 và Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận năm 1995 thì Việt Nam mối thực sự có cơ hội hòa bình và phát triển. Trong hơn 30 năm đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm chính trị cao độ của Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức để giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử hôm nay.

Sở dĩ niềm tin mà chủ nghĩa Mác - Lênin đưa lại cho chúng ta là niềm tin khoa học chứ không phải một niềm tin mù quáng bởi chủ nghĩa Mác mang trong mình bản chất cách mạng và khoa học, nó được hình thành trên cơ sở thực tiễn cùng với sự kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại được xây dựng bởi các bộ óc thiên tài của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin.

Thực tế cho thấy, bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao... thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái phẩm chất đạo đức lối sống, phai nhạt lý tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ trở thành cái cớ để các thế lực thù địch, phản động công kích sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, gieo rắc sự hoài nghi về bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang lãnh đạo nhân dân xây dựng.

Một lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên ở Tuyên Quang

Trước thực tế đó, việc nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin một cách căn bản, có hệ thống phù hợp với từng đối tượng để nâng cao trình độ nhận thức, trình độ lý luận chính trị, củng cố niềm tin khoa học cho cán bộ, đảng viên cần nâng cao hiệu quả một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đổi mới nội dung, thiết kế lại chương trình giáo dục khoa học lý luận Mác - Lênin. Trong giáo dục, nội dung chương trình đóng vai trò quan trọng. Cơ sở giáo dục nào thiết kế được nội dung chương trình phù hợp với đối tượng sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao và ngược lại. Nhất là đối với khoa học lý luận chính trị thì nội dung chương trình “phù hợp với từng đối tượng” lại càng quan trọng hơn lĩnh vực nào hết. Bởi lẽ như Ph. Ăngghen khẳng định: “... tư duy của con người vừa là tối cao vừa là không tối cao, và khả năng nhận thức của con người vừa là vô hạn lại vừa là có hạn”[4], do đó nhận thức ở từng đối tượng (độ tuổi, học vấn v.v.) khác nhau cũng sẽ khác nhau. Hơn nữa đặc thù của nhận thức khoa học lý luận chính trị đòi hỏi đối tượng nhận thức phải có những trải nghiệm nhất định thì sự thống nhất lý luận với thực tiễn dễ được gắn kết hơn, sự thống nhất ấy sẽ chặt chẽ hơn.

Thứ hai, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin cho cán bộ, đảng viên nước ta hiện nay. Một cơ sở giáo dục muốn có chất lượng tốt nhất định phải bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ giáo dục và cùng với đó là một môi trường tự nhiên và môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh có ảnh hưởng tích cực đến công tác giáo dục - nhất là vấn đề dân chủ hóa trong học tập, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị. Vì vậy tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác -Lênin cho cán bộ, đảng viên nước ta hiện nay là một trong những giải pháp không thể thiếu được trong điều kiện hiện nay.

Thứ ba, dân chủ hóa môi trường giáo dục. Dân chủ là một giá trị - giá trị này được hình thành từ rất sớm. Ngược dòng lịch sử Việt Nam cho thấy việc các thị tộc, bộ lạc bầu ra các tù trưởng, tộc trưởng, chỉ huy quân sự cho thấy giá trị dân chủ đã manh nha, hình thành. Bước sang thời kỳ cổ đại, với sự xuất hiện của nhà nước chủ A-Ten cho thấy dân chủ thực sự trở thành khát vọng của đông đảo người dân. Vào thời kỳ Phục Hưng, khai sáng, nền dân chủ tư sản ở mức độ nào đó cũng góp phần thúc đẩy xã hội văn minh hơn, phát triển hơn, cho dù đó là nền dân chủ “giả hiệu, cắt xén” dân chủ cho thiểu số. Chỉ có dưới chủ nghĩa xã hội, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mới là nền dân chủ thực sự, dân chủ cho số đông, dân chủ cho quần chúng nhân dân lao động. Dân chủ thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, là động lực thúc đẩy xã hội nói chung, giáo dục nói riêng phát triển.

Trong giáo dục, nhất là giáo dục lý luận chính trị, nếu xây dựng được môi trường học tập dân chủ sẽ phát huy được năng lực tư duy phản biện của người học. Người dạy và người học giám phát biểu quan điểm, chính kiến của mình một cách có tổ chức, có trách nhiệm. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, một trong những giải pháp hết sức quan trọng là nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, làm cho Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Muốn vậy, chúng ta phải đổi mới nội dung, thiết kế lại chương trình, nâng cao cơ sở vật chất, tạo môi trường dân chủ trong nghiên cứu, học tập; tin tưởng một cách khoa học, với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, “nhiệm vụ quan trọng hàng đầu” này chắc chắn sẽ được thực hiện với kết quả cao như hằng mong đợi.

 

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 41, tr. 295.

[2] https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/han-quoc-va-cau-chuyen-ky-tich-song-han-732056

[3] https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/tai-chinh/78773/gdp-viet-nam-nam-2024-dat-476-3-ty-usd-dung-thu-33-the-gioi

[4] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 20, tr. 127.