Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng trí thức. Người luôn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, xem họ là vốn liếng quý báu của dân tộc. Tuy nhiên, theo Bác, sự đóng góp to lớn đó chỉ gắn với “trí thức chính tâm và thân dân”, “trí thức của nhân dân, vì nhân dân” chứ không phải là “trí thức một nửa”, “trí thức học sách”
Trí thức là ai?
Hồ Chí Minh đã phân loại những người có học thức. Loại “trí thức một nửa”, “trí thức học sách”, chỉ biết làm việc trên bàn giấy, nặng về lí thuyết, xa rời thực tế chưa phải là trí thức hoàn toàn, trí thức chân chính. Trí thức hoàn toàn, trí thức chân chính phải là “trí thức gắn liền lý luận với thực hành, những trí thức thật lòng thật dạ phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến…, trí thức đoàn kết thành một khối với nhân dân, những trí thức của nhân dân”[i].
Theo Bác, sự xuất hiện của trí thức như một đòi hỏi tất yếu của xã hội và sự tiến bộ, văn minh của loài người. Ngoài việc có học thức, những người thiên về lao động trí óc còn phải có năng lực thực hành và ứng dụng, vận dụng hiểu biết của mình để phục vụ trực tiếp cho xã hội, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giai cấp, nhân loại và cho lẽ phải.
Cách mạng không thể thiếu trí thức
Từ khi có Đảng ra đời và lãnh đạo, cách mạng được xác định là sự nghiệp của quần chúng nhân dân với lực lượng gồm nhiều giai tầng khác nhau, trong đó có trí thức. Sát cánh cùng với công nhân và nông nhân, đội ngũ trí thức Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp cách mạng dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vai trò thiết yếu của họ được Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức”[ii]. Người nhấn mạnh: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng càng khó khăn hơn nhiều”[iii]. Vì sao cách mạng, Đảng và Chính phủ lại cần trí thức? Người giải thích rất cụ thể và sinh động: “Vì muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kĩ sư, v.v…”[iv].
Thực tế cách mạng cho thấy, trí thức là một lực lượng cách mạng xung kích trên mọi lĩnh vực, trong kháng chiến kiến quốc, thực hành xã hội chủ nghĩa. Trong kháng chiến, “trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã khích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ”[v].
Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18/12/1930, Nguyễn Ái Quốc đã dẫn chứng sinh động: những tổ chức yêu nước như đảng Tân Việt, An Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Quốc dân đảng… đều được thành lập nên bởi tầng lớp trí thức. Vì sao trí thức ta có tinh thần dân tộc, yêu nước, dễ đi theo cách mạng đến vậy? Theo Người, bởi trí thức nước ta bị phong kiến lẫn đế quốc áp bức nên có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng, dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng. Thực tế, họ đã đóng góp rất nhiều cho kháng chiến. Họ là những chiến sĩ anh dũng trên nhiều mặt trận cam go, quyết liệt còn hơn cả ngoài trận tuyến bằng súng, gươm. Vũ khí chính của họ là ngòi bút. Bác nói: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”[vi]. Tẩy trừ văn hóa trụy lạc của đế quốc, giáo dục con em thành những công dân tốt, xây dựng lại nền văn hóa dân tộc là mặt trận trọng yếu hàng đầu của trí thức.
Bác Hồ với kỹ sư Trần Đại Nghĩa (Ảnh tư liệu)
Hồ Chí Minh thường xuyên lên tiếng đả kích, vạch trần thủ đoạn thâm độc của đế quốc thông qua việc mua chuộc, dụ dỗ, đầu độc trí thức Việt Nam du học tại Pháp thành nô lệ, tôi tớ phục vụ cho chúng, phản lại nhân dân ta, phản lại cách mạng, hoặc cô lập, chia rẽ, tách trí thức với kháng chiến. Người nói: “Chúng áp bức bóc lột trí thức tàn tệ về mặt tinh thần. Chúng đã làm cho trí thức xa rời thực tế, xa rời nhân dân. Chúng đã làm cho một số trí thức mơ màng đến nỗi quên nước mình bị nô lệ, không phân biệt ai là bạn, ai là thù, không phân biệt thế nào là sai, là đúng. Đó là một thủ đoạn vô cùng thâm độc của thực dân và phong kiến”[vii]. Người vạch trần chế độ thực dân và phong kiến đã tiêm nhiễm vào trí thức một ý niệm huyễn hoặc “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao - Mọi nghề đều thấp kém, chỉ có đọc sách là thanh cao” nhằm tách rời họ ra ngoài khối công nông[viii], ngoài quần chúng và cách mạng. Đối phó thủ đoạn thâm độc đó của thực dân, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên khi Đảng mới thành lập, Nguyến Ái Quốc đã chủ trương lôi kéo trí thức đứng về phía cách mạng. Sách lược vắn tắt của Đảng do Người khởi thảo có đoạn: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh Niên, Tân Việt, v.v… để kéo họ đi về phe vô sản giai cấp”[ix].
Lôi kéo trí thức về phía giai cấp vô sản, về phía cách mạng bằng phương thức nào? Theo Hồ Chí Minh, những giải pháp hữu hiệu nhất là “phải trọng nhân tài” và cảm hóa trí thức cũ, thức tỉnh tinh thần dân tộc và vận động họ tham gia chính quyền cách mạng, phụng sự Tổ quốc. Trong báo cáo về việc thành lập chính phủ kháng chiến trước kì họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã kêu gọi và tiến cử nhiều nhà trí thức ra gánh vác công việc của Chính phủ. Nghe theo lời kêu gọi của Người, nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học và cả các quan lại cũ của triều đình nhà Nguyễn trước kia đã tìm về với cách mạng, tích cực ủng hộ và tham gia các hoạt động của chính quyền cách mạng. Theo đó, Chính phủ lâm thời được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám có nhiều vị bộ trưởng, thứ trưởng là trí thức như Nguyễn Văn Tố (Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội), Trần Huy Liệu (Bộ trưởng Bộ Thông tin, Tuyên truyền), Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), Vũ Trọng Khánh (Bộ trưởng Bộ Tư pháp), cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ giai đoạn 1946-1947 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm quyền Chủ tịch nước (từ 31/5 đến 21/10/1946) khi Người sang Pháp để tham dự Hội nghị Fontainebleau.
Hồ Chí Minh còn vận động và kêu gọi được nhiều trí thức và các nhà khoa học nổi tiếng đang sống ở nước ngoài, như kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), bác sĩ Trần Hữu Tước, giáo sư nông học Lương Định Của, kỹ sư Võ Quý Huân… tình nguyện trở về Tổ quốc “đồng cam cộng khổ” tham gia kháng chiến và xây dựng nền khoa học nước nhà.
“Giúp đỡ các bạn trí thức chính tâm và thân dân”
Sự phát triển luôn luôn mang tính gắn kết mật thiết giữa cải tạo cũ với xây dựng mới. Cùng với việc cải tạo trí thức cũ tiến bộ thì đào tạo trí thức mới là nhiệm vụ cấp thiết mà Hồ Chí Minh rất quan tâm đến. Chính sách phát triển trí thức của Đảng cộng sản Việt Nam được Người khẳng định: “Đảng và Chính phủ rất chú ý đến việc giúp đỡ anh em trí thức cũ tiến bộ, cải tạo tư tưởng, đồng thời đào tạo ra trí thức mới từ lớp công nhân, nông dân”[x].
Thực hiện đoàn kết công nông và trí thức, Hồ Chí Minh gợi ý Đảng có hai chính sách: “công nông trí thức hóa và trí thức công nông hóa”[xi]. Người dẫn chứng cách thức này ở Liên Xô trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Ở Liên Xô… có nhiều giáo sư đi học các chiến sĩ công nghiệp, nông nghiệp, có chiến sĩ công nghiệp, nông nghiệp đi vào học tại các trường đại học”[xii]. “Công nông trí thức hóa” - sự nâng cao về trình độ khoa học, văn hóa lý luận, gia tăng về hàm lượng lao động trí óc của công nông nhằm cải thiện hiệu suất công việc của họ trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển như hiện nay là một xu thế tất yếu. “Trí thức công nông hóa” - theo Bác sẽ giúp “anh em trí thức cũng biết trọng lao động, cũng biết làm lao động”, giúp cho trí thức bám gắn với thực tiễn, không còn là “trí thức học sách”. Do vậy, chủ trương này thống nhất với lý tưởng và mục đích mà Người mong muốn là “làm cho những người trí thức chúng ta trở thành những người trí thức của giai cấp công nhân, hết lòng hết sức phục vụ công nông, góp phần xứng đáng và vẻ vang vào công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[xiii].
Bác Hồ với các đại biểu tại Hội nghị chính trị đặc biệt, tháng 3/1964 (Ảnh tư liệu)
Cách mạng luôn cần nhiều “trí thức tốt”, “trí thức hoàn toàn”, theo Bác, đó phải là trí thức “chính tâm và thân dân”. “Chính tâm và thân dân” - tiêu chuẩn cơ bản về tư tưởng, phẩm hạnh mà người trí thức cách mạng phải có, được Người mượn câu cách ngôn của đạo Khổng và tóm tắt trong 11 chữ: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân” – tạm dịch: đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân. Người còn giải thích: “minh minh đức tức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”[xiv].
Trí thức chính tâm và thân dân, theo Bác là trí thức mới xã hội chủ nghĩa, “trí thức của nhân dân, vì nhân dân”[xv], trí thức một lòng một dạ ngay thẳng, trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và mục đích phụng sự Nhân dân, dân tộc Việt Nam độc lập, thống nhất và cường thịnh. Vì thế, trên cương vị Chủ tịch nước, Người đề ra chủ trương “Đảng và Chính phủ phải giúp bằng cách giáo dục, để trí thức có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt, tác phong dân chủ. Nói tóm lại: giúp đỡ các bạn trí thức chính tâm và thân dân”[xvi].
Thay lời kết
Thời nào cũng vậy, sự hưng thịnh của một quốc gia dân tộc tùy thuộc vào việc có coi trọng và sử dụng đúng vị trí, vai trò của trí thức hay không. Quan điểm Hồ Chí Minh về trí thức là những tư tưởng rất tiến bộ, không những phù hợp với xu thế phát triển của thời đại kinh tế tri thức mà còn tạo điều kiện củng cố, nâng cao chất lượng của liên minh chiến lược giữa công nhân với nông dân và trí thức ở nước ta hiện nay.
[i]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.297.
[ii]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.53.
[iii]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.275.
[iv]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.53.
[v]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.221.
[vi]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.157.
[vii]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.298.
[viii]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.377.
[ix]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.3.
[x]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.4.
[xi]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.8, tr.57.
[xii]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.57.
[xiii]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.243.
[xiv]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.377.
[xv]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378.
[xvi]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378.