Nếu Hoa Kỳ không mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc thì có lẽ địa danh Hàm Rồng, cũng như bao địa danh khác ở miền Bắc, không trở nên nổi tiếng trong lịch sử. Cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta tại trọng điểm Hàm Rồng trở thành biểu tượng của ý chí không có gì quý hơn độc lập tự do, tất cả vì miền Nam ruột thịt. 60 năm đã qua, Hàm Rồng chiến thắng vẫn là niềm tự hào của quân và dân miền Bắc nói chung, quân và dân Thanh Hóa nói riêng
Cầu Hàm Rồng trong tính toán chiến lược từ hai phía
Nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) bắc qua sông Mã trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc được coi là một trọng điểm giao thông đặc biệt quan trọng cần phải bảo vệ để bảo đảm cho tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam luôn được thông suốt. Nhận rõ vị trí trọng yếu của cây cầu này, trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968), Hoa Kỳ luôn coi Hàm Rồng là mục tiêu “ưu tiên” của không lực Mỹ, nhằm cắt đứt con đường huyết mạch vận chuyển sức người và sức của của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Để bảo vệ cầu Hàm Rồng, ban đầu, quân và dân ta đã bố trí tại đây hai đại đội pháo phòng không 57mm thuộc Trung đoàn 234, hai đại đội pháo 37mm của Quân khu 3, một đại đội súng máy cao xạ 14,5mm thuộc Sư đoàn Bộ binh 304 và lực lượng trên các tàu hải quân đậu trên sông Mã. Lực lượng phòng không chủ lực kết hợp với lực lượng phòng không tầm thấp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp sẵn sàng đón máy bay địch.
Do tầm vị trí đặc biệt quan trọng của cầu Hàm Rồng, khi rà soát lại phương án đánh địch, đêm 01/4/1965, Quân chủng Phòng không-Không quân quyết định sử dụng lực lượng không quân tiêm kích phối hợp với lực lượng phòng không mặt đất, quyết tâm bảo vệ bằng được cầu Hàm Rồng.
Hàm Rồng kiên cường làm nên chiến thắng ngày 3-4/4/1965
Sáng 03/4/1965, nhiều tốp máy bay Mỹ lao vào đánh phá cầu Đò Lèn (Thanh Hóa). Ngay từ phút đầu, lực lượng pháo phòng không của Trung đoàn 234 và của dân quân tự vệ địa phương Thanh Hóa đã bắn rơi 1 chiếc F4 của địch. Cùng thời điểm, Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân điều động hai biên đội MIG17 do các phi công Phạm Ngọc Lan và Trần Hanh chỉ huy cất cánh phối hợp với các lực lượng khác đánh máy bay địch. Sau 20 phút xuất kích, không quân ta đã bắn rơi 2 chiếc F8 của địch và trở về căn cứ an toàn. Ra quân trận đầu đã bắn rơi máy bay địch nên ngày 03/4/1965 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Không quân Việt Nam.
Nhận định địch sẽ đưa lực lượng lớn vào đánh phá cầu Hàm Rồng, ta tiếp tục điều 3 đại đội pháo phòng không thuộc Trung đoàn 234 từ Nghệ An ra Thanh Hóa, tăng cường bảo vệ cầu Hàm Rồng. Trong đêm 03/4, bộ đội ta khẩn trương di chuyển, đến phà Ghép thì trời vừa sáng. Đại đội 4 đã qua được phà, tiến thẳng về Hàm Rồng, hai đại đội gồm 11 khẩu đội còn lại đang lần lượt qua phà thì gặp máy bay địch lao đến ném bom. Đang hành quân, pháo không kịp tháo khỏi xe, bộ đội ta cứ thế đánh trả máy bay địch. Dân quân các xã Hải Châu, Hải Ninh, An Hải phối hợp chặt chẽ cùng bộ đội đánh địch. Sau 30 phút chiến đấu ác liệt, bộ đội và lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắt sống 1 giặc lái.
Một máy bay F 105 của không lực Hoa kỳ bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi tại Hàm Rồng ngày 04/4/1965 (Ảnh tư liệu)
Sau thất bại ngay trong trận đầu tiên đối đầu với quân và dân ta trên địa bàn Hàm Rồng, ngày 04/4, Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường đánh phá mục tiêu. Tại khu vực Hàm Rồng-Nam Ngạn, không lực Mỹ liên tục tổ chức các đợt đánh phá dữ dội. Trọng điểm đánh phá là cầu Hàm Rồng. 8 giờ 30 phút ngày 04/4, nhiều tốp máy bay lao vào đánh phá, lập tức gặp lưới lửa phòng không dày đặc của ta. 1 chiếc F105 của địch đã bị bắn rơi tại chỗ. Lúc 9 giờ 30 phút, địch lại đánh cầu Hàm Rồng lần thứ hai. Bom đạn địch rơi xuống khắp nơi. Các khu vực như núi Ngọc, chợ Chớp, Nam Ngạn v.v.. đều bị bom đạn địch tàn phá. Lúc 10 giờ 5 phút, địch tiếp tục đánh phá Hàm Rồng lần thứ ba với hàng chục chiếc máy bay chia làm nhiều tốp. Bom đạn gần như trùm kín khu vực. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Thanh Hóa vẫn kiên cường đánh trả máy bay địch. Các trận địa hỏa lực ở hai đầu cầu cùng các trận địa của dân quân Nam Ngạn, Yên Vực, Hoằng Long, Hoằng Lý, Đông Tác v.v.. tạo thành lưới lửa nhiều tầng phá vỡ đội hình bay của không quân Mỹ. Trong lúc hoảng loạn, chúng ném bom bừa bãi xuống hai đầu cầu. Lúc này biên đội không quân tiêm kích của Trần Hanh cũng cất cánh, sau 4 phút không chiến, máy bay ta bắn rơi 2 chiếc F105 của địch.
Trong hai ngày 3 và 4/4/1965, không quân Mỹ đã xuất kích 454 lượt/chiếc máy bay, ném hàng trăm tấn bom đạn xuống khu vực Nam Ngạn-Hàm Rồng. Cũng trong 2 ngày chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái. Quân và dân Hàm Rồng đã lập nên kỷ lục đầu tiên về thành tích bắn rơi máy bay Mỹ trên miền Bắc[1].
Chiến thắng Hàm Rồng đã trở thành động lực để quân, dân Thanh Hóa và miền Bắc tiếp tục tiến lên đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Chiến công này đã khiến dư luận quốc tế xôn xao, khẳng định sức mạnh và lòng quả cảm của quân và dân ta trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
Cầu Hàm Rồng – biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước của dân tộc
Trong cuộc quyết chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng, tiểu khu Nam Ngạn (nay là phường Nam Ngạn) đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng vang dội ấy.
Ông Hoàng Xuân Cành, người trực tiếp huấn luyện cho anh em về cách bắn máy bay tầm thấp nhớ lại: Ngày ấy, tiểu khu Nam Ngạn có 2 trung đội, 1 trung đội nam và 1 trung đội nữ, tuổi đời từ 18 đến 35. Nhiệm vụ của 2 trung đội là tham gia sản xuất, luyện tập bắn súng và trực tiếp chiến đấu với máy bay tầm thấp của địch. Chiều ngày 02/4/1965, lực lượng thanh niên tiểu khu Nam Ngạn đang làm đồng thì thấy 2 máy bay trinh sát của Mỹ bay rất thấp qua khu vực cầu Hàm Rồng. Ngay lập tức, 2 trung đội được chi bộ tiểu khu Nam Ngạn gọi về triển khai nghị quyết từ thời bình sang thời chiến. Đêm 02/4, Ban Chỉ huy phòng không thị xã Thanh Hóa ra lệnh cho tất cả các đơn vị dân quân tự vệ triển khai trận địa sẵn sàng chiến đấu. Chi bộ tiểu khu Nam Ngạn đã lãnh đạo Nhân dân, đồng thời huy động hàng nghìn nam, nữ thanh niên, dân quân tự vệ phối hợp cùng với bộ đội đào đắp công sự, san lấp đất đá làm đường giao thông. Nam Ngạn là địa phương có tổ chức chặt chẽ, từ đại đội trực chiến, tiếp lương, tải đạn, sản xuất... với tư thế sẵn sàng đối đầu với kẻ thù, mặc dù chỉ được trang bị vũ khí thô sơ. Trận địa trực chiến dân quân Nam Ngạn được bố trí ở mặt đê đầu làng để nắm bắt mục tiêu kịp thời từ các trận địa cao xạ Trại lợn, Lều vịt, núi Rồng vọng về. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, nhiều tấm gương chiến đấu quả cảm đã đi vào lịch sử như Trung đội trưởng Nguyễn Thị Hằng rất gan dạ, thông minh, quyết đoán. Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển, một cô gái bé nhỏ chỉ nặng 42kg đã vác một lúc hai hòm đạn nặng tới 98kg. Hành động phi thường đó trở thành biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân ở Việt Nam[2]…
Tổ súng máy của Trung đội tự vệ phòng không Nhà máy điện Hàm Rồng trực chiến đấu bảo vệ nhà máy (ảnh tư liệu).
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân Thanh Hóa, cầu Hàm Rồng không chỉ đứng vững trong hai ngày đêm 3 và 4/4/1965, mà còn sừng sững kiêu hãnh dưới “mưa bom, bão đạn” trong hơn 7 năm sau đó, cho đến khi bị không lực Mỹ đánh sập tháng 10/1972. Từ năm 1965 đến năm 1973, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái, góp phần cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn[3].
Với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, quân và dân Thanh Hóa đã biến nơi đây thành “pháo đài thép” bất khả xâm phạm. Lực lượng phòng không, bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ và nhân dân địa phương đã phối hợp chặt chẽ, tạo nên thế trận phòng thủ vững chắc, biến Hàm Rồng thành 'chảo lửa' tiêu diệt quân thù.
Trong hơn 100 máy bay Mỹ bị bắn rơi, có cả những chiếc F-105 bị bắn hạ bởi súng bộ binh, một kỳ tích trong lịch sử. Các phi công Mỹ sau này đã thừa nhận, Hàm Rồng là một trong những trận địa phòng không ác liệt nhất[4].
Bạn bè yêu chuộng hòa bình thế giới đã từng ca ngợi: "Hàm Rồng là chiếc cầu đẹp nhất mà trước đây chúng ta chưa từng thấy. Không phải vì nó rộng, dài, nguy nga hơn các cây cầu khác, mà chính truyền thống anh hùng của chiến sĩ và nhân dân Việt Nam đã mang lại cho cầu vẻ đẹp diệu kỳ".
Chiến thắng Hàm Rồng không chỉ là chiến công vang dội của quân và dân Thanh Hóa mà còn là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết, lòng dũng cảm và trí thông minh của dân tộc Việt Nam.
Sau chiến thắng Hàm Rồng và câu chuyện vác 2 hòm đạn nặng hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể của nữ dân quân Ngô Thị Tuyển trở thành mối hoài nghi của không ít bạn bè quốc tế. Một số phóng viên nước ngoài đề nghị bà diễn lại cảnh này trước mắt họ. “Đứng trước yêu cầu đó, tôi chỉ nghĩ, nếu mình không làm được thì danh dự của bản thân, của đơn vị và cả quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Bằng tất cả sức mạnh và lòng tự trọng, tôi đã vác trên vai 1 bì gạo và 1 bì khoai tây nặng 105kg. Lúc đó, không chỉ tôi mà mọi người đều vui, còn các phóng viên nước ngoài đã thốt lên: Giờ thì chúng tôi và cả thế giới đã tin. Thật tuyệt vời. Nhân dân Việt Nam thật tuyệt vời”[5].
Chiến thắng Hàm Rồng đã đi vào lịch sử như một mốc son sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Chiến tranh đã lùi xa. Song tinh thần và hào khí Hàm Rồng vẫn luôn bất diệt. Sau 60 năm, Hàm Rồng ngày nay vươn mình trở thành khu vực phát triển năng động của Thanh Hóa. Mặt trận khốc liệt năm xưa khoác lên diện mạo mới, chuyển mình thành trung tâm đô thị sầm uất, điểm đến văn hóa, lịch sử và du lịch hấp dẫn. Bên cạnh cầu Hàm Rồng xưa là cầu Hoàng Long bề thế, vững chãi. Hàm Rồng ngày nay đã trở thành điểm nhấn về du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Bên dòng sông Mã, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị sầm uất đang mọc lên, cùng với đó là các con đường mới mở nối Hàm Rồng với thành phố Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn, các khu du lịch sinh thái cũng đã hình thành. Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng, Tượng đài thanh niên xung phong... cũng đã được xây dựng, tạo cho Hàm Rồng một dáng dấp mới, dáng dấp của sự phát triển hiện đại trên nền truyền thống lịch sử anh hùng.
[1] https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/40-nam-chien-thang-vi-dai-30-4/moc-son-chien-thang-ham-rong-259855
[2] https://baothanhhoa.vn/huong-toi-ky-niem-60-nam-ham-rong-chien-thang-nam-ngan-anh-hung-243499.htm
[3] https://truyenhinhthanhhoa.vn/ham-rong-chien-thang-ban-hung-ca-bat-tu-180230403195645076.htm
[4] https://vtv.vn/xa-hoi/ham-rong-60-nam-hao-khi-lich-su-khat-vong-vuon-cao-20250312083518475.htm
[5] https://baothanhhoa.vn/huong-toi-ky-niem-60-nam-ham-rong-chien-thang-nu-anh-hung-tai-dan-ngo-thi-tuyen-243289.htm