Thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của ý chí và khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Từ ý chí và khát vọng đó, chúng ta phải phát huy trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, tạo thế và lực vững vàng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc

Từ những giá trị khát vọng dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

Khát vọng dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là khát vọng của hòa bình, độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội

Trong 21 năm tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã phải đương đầu với dân tộc có truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, quyết tâm giành độc lập và thống nhất Tổ quốc. Tinh thần quyết tâm này được thể hiện cao độ qua lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”[1].

Mặc dù chưa từng có trong tiền lệ, nhưng trước nhiệm vụ lịch sử dân tộc đặt ra, Đảng quyết định lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ khác nhau ở hai miền Nam – Bắc để hướng đến mục tiêu cuối cùng và cao nhất là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Miền Bắc thực hiện nhiệm vụ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hai nhiệm vụ này gắn chặt, hoà quyện vào nhau nhằm một mục đích chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất quốc gia, mở đường đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hai nhiệm vụ chiến lược này phù hợp với xu thế thời đại và nguyện vọng của dân tộc là quyết tâm giành cho được tự do, độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Khát vọng dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ là sự tiếp nối ý chí, khát vọng độc lập, tự chủ trong truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam

Trong dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, có thể nhận thấy mạch nguồn xuyên suốt chính là khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sống. Tinh thần này thấm đẫm trong mỗi người dân Việt Nam và được nuôi dưỡng, trao truyền qua nhiều thế hệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2].

Thành phố Hồ Chí Minh mảnh đất gắn với quá khứ hào hùng của dân tộc

Chính tinh thần đoàn kết dân tộc ấy đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/9/1945). Với khát vọng đó, toàn thể dân tộc đoàn kết chặt chẽ bên nhau, làm nên một Điện Biên lịch sử, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Khơi dậy và phát huy chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cuộc chiến tranh nhân dân, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ với Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đã rút ra một trong những nguyên nhân khiến Mỹ thất bại ở Việt Nam là: “Đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và giá trị của nó”[3].

Khát vọng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự khơi dậy, phát huy hiệu quả tinh thần yêu nước nồng nàn, khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi vấn đề đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Đảng đã khơi dậy và phát huy tới mức cao nhất chủ nghĩa yêu nước, tinh thần chiến đấu bất khuất, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh của quân và dân cả nước; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp mọi lực lượng nhân dân vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đảng tin vào dân, dân tin vào Đảng, quân với dân một ý chí, cả nước đồng lòng, toàn dân ra trận, Nam - Bắc một nhà.

Với chủ trương đúng đắn đó, trên cả hai miền Nam - Bắc đã hình thành “cao trào chống Mỹ, cứu nước”, cuộc kháng chiến đã trở thành “ngày hội của quần chúng nhân dân”. Ở miền Bắc, ngày hội của nhân dân đã được thể hiện bằng các phong trào thi đua sôi nổi trong sản xuất và chiến đấu. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của chiến tranh nhân dân Việt Nam đã đánh bại sức mạnh quân sự hùng hậu của Mỹ, nguyện vọng và ý chí thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đã trở thành hiện thực với đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Khát vọng dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thể hiện tư duy, tầm nhìn, bản lĩnh và trí tuệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và niềm tin của nhân dân Việt Nam vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu và con đường độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội

Trước cuộc chiến không cân sức giữa Việt Nam và Mỹ, bạn bè quốc tế tỏ ra lo lắng và “ái ngại”, có ý kiến “khuyên” Việt Nam nên chung sống hoà bình giữa hai chế độ dân chủ cộng hoà ở miền Bắc và chế độ thuộc địa kiểu mới ở miền Nam. Cũng có ý kiến khuyên Việt Nam nên trường kỳ mai phục. Họ không tin Việt Nam có thể đánh thắng đế quốc Mỹ bằng chiến tranh cách mạng. Điều này càng thêm chứng minh bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo cách mạng.

Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khoá II, Đại hội Đảng lần thứ III, Hội nghị Trung ương 9, 11, 12, 21 (khóa III) và nhiều hội nghị quan trọng khác của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương khóa III đã tiếp tục khẳng định sự bền bỉ, quyết tâm, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, trên một nền tảng kinh nghiệm, những tinh hoa trí tuệ của dân tộc và tham khảo kinh nghiệm thế giới trong quá trình hoạch định đường lối để phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong thời gian sớm nhất.

Với tư duy, tầm nhìn và bản lĩnh, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam 21 năm kiên trì niềm tin sắt đá, quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, non sông thu về một mối. Đồng thời, với đường lối đúng đắn đó Đảng đã khơi dậy, cổ vũ, thôi thúc toàn thể dân tộc đi theo con đường và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Bản chất tốt đẹp của mục tiêu, con đường đó có sức hấp dẫn, lôi cuốn và tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp trong xã hội tham gia cách mạng với tinh thần yêu nước nhất, kiên quyết nhất, dũng cảm nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh đang vươn lên từng ngày

… đến phát huy giá trị khát vọng đó đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc

Từ nghiên cứu, nhận diện những giá trị khát vọng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) có thể đưa ra vài gợi ý trong việc tiếp tục phát huy khát vọng dân tộc vào phát triển đất nước để vững vàng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Cụ thể như sau:

Một là, tuyên truyền, giáo dục để phát huy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng xây dựng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân Việt Nam

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để lại những kinh nghiệm quý báu và hệ giá trị về khát vọng dân tộc. Tiếp nối dòng chảy của lịch sử, chuyển hóa sức mạnh nội sinh của dân tộc vào thực hiện thành công nhiệm vụ của thời đại hiện nay là nhiệm vụ quan trọng của thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam ngày hôm nay. Vấn đề xây dựng niềm tin, nâng cao lòng tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước trên cơ sở giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là một nhiệm vụ cơ bản, vừa lâu dài, vừa cấp bách. Nhiệm vụ này phải được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, để chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần và vật chất của dân tộc trong công cuộc chấn hưng đất nước hiện nay.

Hai là, để phát triển đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, cần tiếp tục khơi thông các nguồn lực trong đó nhấn mạnh khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, giàu mạnh

Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay đối diện với nhiều thời cơ, thách thức đan xen. Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại với những diễn biến khó lường, đặc biệt là xung đột vũ trang ngày càng leo thang căng thẳng ở nhiều khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu. Trong nước còn nhiều khó khăn cản trở từng bước đi đối với từng lĩnh vực của xã hội. Muốn hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đã đề ra, không có con đường nào khác là toàn Đảng, toàn dân, triệu người như một, khơi dậy hào khí dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước đi lên. Đó là bài học quý báu mà lịch sử cách mạng Việt Nam mang lại và cũng là đòi hỏi cấp thiết từ công cuộc đổi mới hiện nay.

Ba là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực, có khát vọng cống hiến và tinh thần trách nhiệm đưa đất nước phát triển

Hiện nay, công cuộc đổi mới đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy cao độ khát vọng dân tộc và tinh thần cống hiến. Muốn vững tin bước vào kỷ nguyên mới thì việc nâng cao chất lượng cán bộ lại đặt ra cao hơn bao giờ hết, cán bộ phải có phẩm chất toàn diện, từ lòng yêu nước, trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân đến năng lực tư duy đổi mới, tầm nhìn và khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vừa phải chú trọng phát hiện tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, tài và điều kiện công tác, quan tâm hơn nữa đối với cán bộ có lòng nhiệt huyết cống hiến tài năng cho đất nước, vừa kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi các vị trí công tác những trường hợp không đủ uy tín, phẩm chất, năng lực thực tiễn.

Bốn là, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc

Thực hiện mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, Đảng đưa ra 7 định hướng mang tính chiến lược và được coi như như những động lực quan trọng quyết định sự thành công của công cuộc này. Không phải ngẫu nhiên, Đảng nhấn mạnh và đưa định hướng về tiếp tục cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng là định hướng số 1. Vị trí này tự thân nó đã khẳng định tầm quan trọng của vấn đề. Tiếp tục cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng đồng nghĩa với việc tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm nhìn và bản lĩnh của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Chủ trương, chính sách và các biện pháp được đề ra phải phản ánh được xu thế vận động, phát triển của thời đại và phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của tập thể, toàn thể dân tộc. Từ đó mới có thể truyền cảm hứng, khơi dậy sức mạnh từ người dân, thôi thúc sự quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ đề ra.

Nghiên cứu, luận bàn về giá trị khát vọng dân tộc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt và hào hùng của đất nước là cách để định vị rõ hơn về giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời lan tỏa thông điệp giáo dục cho thế hệ hôm nay kế thừa và phát huy hơn nữa những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.

Từ những nhận thức sâu sắc về giá trị khát vọng dân tộc trong lịch sử - thế hệ hôm nay cần phát huy, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, huy động tối đa mọi nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu của kỷ nguyên mới mà Đảng đã nêu ra, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 612.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 38.

[3] Robert S. Mc Namara: Nhìn lại quá khứ tấn tảm kịch và những bài học về Việt Nam, người dịch Hồ Chính Hạnh, Huy Bình, Thu Thủy, Minh Nga, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.