Đoàn kết quốc tế là một vấn đề quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng của các đảng mácxít vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, vì hoà bình, tiến bộ xã hội. Từ khi ra đời và lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đoàn kết giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia để tạo nên sức mạnh tổng hợp chống kẻ thù chung. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn kết giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương càng được chú trọng, củng cố, tăng cường. Đặc biệt trong Đại thắng mùa xuân 1975, đoàn kết Việt Nam với Lào và Campuchia tạo nên khối liên minh chiến đấu đặc biệt và là một trong ba tầng mặt trận rộng rãi để đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng
Đoàn kết ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia là truyền thống của ba dân tộc
Việt Nam, Lào và Campuchia là ba nước nằm trên bán đảo Đông Dương, là những quốc gia độc lập có chủ quyền nhưng có quan hệ mật thiết với nhau một cách tự nhiên. Mỗi quốc gia trên bán đảo Đông Dương đều có những điểm khác nhau, song có điểm chung nhất đều là những quốc gia nằm kề bên nhau trong vùng khí hậu nhiệt đới, ở vị trí chiến lược quan trọng của vùng Đông Nam Á, cùng chung dãy Trường Sơn và dòng sông Mê Kông trải dài nối liền ba nước. Do quá trình hình thành lịch sử một cách tự nhiên của bán đảo Đông Dương nên đã tạo cho ba dân tộc có những nét tương đồng về kinh tế, văn hoá, xã hội.
Sau khi thực dân Pháp chiếm toàn cõi Đông Dương, chúng sáp nhập ba nước thành Liên bang Đông Dương và chia Đông Dương thành năm kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ (Việt Nam) và hai xứ Ai Lao và Cao Miên. Âm mưu của thực dân Pháp là “chia để trị” đối với ba nước trên bán đảo Đông Dương và trong sự phân chia ấy đã cho ta thấy Pháp coi Việt Nam là địa bàn trọng yếu.
Cùng một cảnh ngộ, cùng chung một kẻ thù, nên ngay từ cuối thế kỷ XIX, nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã thường liên hệ với nhau trong cuộc đấu tranh chung chống thực dân Pháp. Sự liên hệ đó đã mở đầu cho truyền thống đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trong suốt hơn một thế kỷ qua.
Ngày 30/10/1945, Hiệp định liên minh quân sự giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Ítxala và Hiệp định thành lập liên quân Việt - Lào đã được ký kết. Cuối năm 1945, đại diện Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Cao Miên độc lập ra tuyên bố chung về “đoàn kết Việt - Miên - Lào chống Pháp”. Đây là cơ sở pháp lý đặt nền móng cho đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược.
Ngay sau khi thực dân Pháp thất bại, Mỹ lập tức thay chân Pháp ở Đông Dương để xâm lược ba nước trong một chiến lược chung, nhằm thực hiện kế hoạch toàn cầu phản cách mạng mà Mỹ đã hoạch định. Mỹ xem Việt Nam là một địa bàn trọng điểm cần đánh chiếm, chúng ra sức phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, từng bước xâm lược miền Nam, với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Ở Lào, Mỹ xây dựng, sử dụng lực lượng phản động Lào, đánh phá cách mạng, ngăn cản việc thành lập chính phủ liên hiệp với mưu đồ nắm Chính phủ Vương quốc Lào, ngăn cản phong trào cách mạng Đông Dương. Ở Campuchia, Mỹ lôi kéo Chính phủ Vương quốc, đồng thời ra sức uy hiếp, phá hoại nền trung lập tích cực của chính quyền Xihanúc, hòng lôi kéo Campuchia vào quỹ đạo của chúng, để cô lập cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.
Trước âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, phát huy truyền thống đoàn kết có từ lâu đời trong lịch sử và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia đều có chung nguyện vọng cùng nhau đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung để giữ nền độc lập, hoà bình cho đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhân dân Campucchia viết khẩu hiệu phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khơi dậy, phát huy mạnh mẽ sức mạnh đoàn kết ba nước Đông Dương trong Đại thắng mùa xuân 1975
Trước ý đồ chiến lược và hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ là xâm lược, đặt ách thống trị lên cả ba nước Đông Dương, dùng người lãnh thổ nước này xâm lược nước kia, chia rẽ triệt để từng nước, cô lập nước này với nước kia, phá vỡ khối liên minh về chính trị, quân sự của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Phát huy truyền thống lịch sử tốt đẹp, do quan hệ về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá giữa ba dân tộc tạo nên; đặc biệt là đáp ứng yêu cầu khách quan của việc vận dụng những yếu tố, những quy luật để giành thắng lợi trong cuộc vận động cách mạng và chiến tranh cách mạng, Đảng ta đề ra đường lối lãnh đạo đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần vào Đại thắng mùa xuân 1975, điều đó được thể hiện:
Sau Hiệp định Pari, các nước đế quốc và phản động quốc tế đều muốn tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, muốn kìm chế Việt Nam. Tuy tranh giành nhau, song tất cả đều lo ngại cách mạng Việt Nam mạnh lên và giành toàn thắng, đều coi một nước Việt Nam thống nhất, gắn bó, đoàn kết với hai nước Lào, Campuchia độc lập, thống nhất sẽ là một trở lực lớn đối với mưu đồ của họ. Do vậy, “ở thời điểm này Việt Nam không chỉ là vấn đề đối đầu giữa hai hệ thống thế giới, mà về khách quan, còn là một đối thủ quan trọng phải khuất phục trong sự tính toán chiến lược của các thế lực xâm lược…tranh giành Đông Nam Á”[1]. Tuy “Âm mưu của họ rất nguy hiểm, nhưng lúc này chưa ai sẵn sàng, chưa ai đủ sức làm nổi”[2]. Tình hình mới đặt ra cho cách mạng nước ta nhu cầu cấp bách phải kịp thời phá tan âm mưu của chủ nghĩa đế quốc, tranh thủ thời cơ, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Hội nghị lần thứ 21 (khóa III) của Đảng đã đề ra chủ trương quan trọng, theo đó về vấn đề đoàn kết ba nước Đông Dương, Nghị quyết hội nghị khẳng định: “Đoàn kết ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với ba dân tộc ở Đông Dương”[3]. Và xem lợi ích của mỗi nước gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc đấu tranh chung cho hoà bình và độc lập dân tộc không những trước mắt mà cả lâu dài về sau. Đoàn kết hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ và xây dựng đất nước theo con đường của mỗi nước là nguyên tắc chỉ đạo mối quan hệ giữa nhân dân ta với nhân dân hai nước Lào và Campuchia theo tinh thần quốc tế vô sản chân chính.
Từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/1974, Bộ Chính trị họp để phân tích thời cơ chiến lược mới và hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam. Kết luận đợt một Hội nghị Bộ Chính trị (10/10/1974) khẳng định: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”[4]. Khối đoàn kết toàn dân ở miền Bắc có đủ điều kiện chi viện toàn diện cho cách mạng miền Nam với mức độ cao nhất, lớn nhất. Đế quốc Mỹ chưa bao giờ bị những đòn tấn công dồn dập, quyết liệt từ nhiều phía và bị khủng hoảng sâu sắc như lúc này. Tuy ta có gặp khó khăn do viện trợ giảm và lực lượng Pôn Pốt ngày càng tăng cường chống phá. Nhưng ta đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các nước và các tổ chức quốc tế. Trong khi đó uy tín quốc tế của ta cũng đang lên cao. Xét tất cả các mặt nói trên, Hội nghị Bộ Chính trị đi đến nhận định: “Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn thành giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác”[5].
Tiếp đó Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975 xác định và bổ sung để hoàn chỉnh quyết tâm cuối cùng, theo sự phát triển mới của tình hình. Bộ Chính trị chỉ rõ: “Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”[6]. Đối với Lào và Campuchia, Đảng ta khẳng định: “Trong khi thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta sẽ giúp đỡ hai nước Lào và Campuchia anh em tiến lên”[7]. Với những chủ trương đúng đắn, kịp thời trên, Đảng đã lãnh đạo huy động sức mạnh đoàn kết của ba nước Đông Dương trong đại thắng mùa Xuân 1975 nói riêng.
Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 – Nam Lào trong cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1971 (Ảnh tư liệu)
Quân, dân ba nước Đông Dương kề vai sát cánh, đoàn kết phối hợp chiến đấu giành thắng lợi trên chiến trường
Quán triệt đường lối lãnh đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 12/1974) nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Ở miền Bắc, khắp các địa phương, từ vùng đồng bằng đến rừng núi đã dấy lên một phong trào tòng quân rầm rộ chưa từng thấy…Toàn dân nhất trí rất cao với quyết tâm chiến lược của Đảng. Tấm lòng người dân từng làng bản, phố phường ở hậu phương lớn vẫn ngày đêm hướng ra tiền tuyến lớn, một lòng một dạ, sắt son, quyết cùng đồng bào miền Nam ruột thịt đi tới đích trong chặng đường cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ở miền Nam Việt Nam, chỉ hơn một tháng (từ ngày 04/3 đến ngày 08/4/1975), quân và dân ta đã mở ra hàng loạt chiến dịch tấn công địch dồn dập, quyết liệt giải phóng một vùng rộng lớn từ Tây Nguyên đến Bình Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và đồng bằng Trung Bộ, bao gồm 16 tỉnh, cả thành phố, thị xã, thị trấn, tiêu diệt và làm tan rã 2 quân đoàn và 2 quân khu quan trọng của địch. Trên đà thắng lợi, với khí thế tổng công kích, tổng khởi nghĩa, “một ngày bằng hai mươi năm”, quân và dân ta liên tục tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Sài Gòn. Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Hòa cùng khí thế và sức mạnh chiến thắng của quân và dân Việt Nam, quân và dân hai nước bạn Lào và Campuchia cũng nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm để đánh bại kẻ thù giành độc lập dân tộc.
Ở Campuchia, quân và dân Campuchia kết hợp với lực lượng vũ trang ta liên tiếp tấn công địch quyết liệt, dồn quân địch vào thế bị động phó. Cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975 của ta với những thắng lợi to lớn của chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng đã thôi thúc mạnh mẽ đến cục diện chiến trường ở cả miền Nam Việt Nam và Campuchia cũng như ở Lào làm lung lay tận gốc chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và chính quyền Lonnon. Trên đà thắng lợi lịch sử đó, ngày 10/4/1975, quân và dân Campuchia mở đầu cuộc tấn công vào Phnôm Pênh. Ngày 12/4/1975, Mỹ buộc phải tổ chức cuộc hành quân “Diều hâu” rút khỏi Phnôm Pênh. Sự kiện những tên Mỹ cuối cùng rút lui không điều kiện khỏi Phnôm Pênh chứng tỏ khả năng Mỹ duy trì chiến tranh xâm lược thực dân mới ở Đông Dương không còn như trước được nữa. Ý đồ xâm lược thực dân kiểu mới ở Campuchia của Mỹ bị phá sản. Ngày 15/4/1975, sân bay Pôchentông bị đánh chiếm. Ngày 17/4/1975, Bộ Quốc phòng nguỵ bị mất, quân nguỵ Campuchia buộc phải đầu hàng. Chế độ Lonnon sụp đổ, cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia kết thúc thắng lợi.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam và Campuchia đã tác động đến Lào. Làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân đã làm cho cách mạng thêm chín muồi, thúc đẩy nhanh chóng quá trình phân hoá, suy sụp và tan rã của chính quyền phái hữu và quân nguỵ Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào và trước sự đấu tranh của nhân dân, tháng 3/1975, Chính phủ liên hiệp phải quyết định đóng cửa sứ quán Việt Nam Cộng hòa ở Viêng Chăn. Đầu tháng 7/1975, Bộ Chính trị Đảng ta và Đảng Lào có cuộc hội đàm tại Sài Gòn. Về phía ta có đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp. Về phía bạn có đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Sau khi đánh giá tình hình mỗi nước, hai bên đã thống nhất quyết định: khẩn trương giải quyết bước chuyển tiếp cuối cùng bằng cuộc vận động dân chủ xoá bỏ Chính phủ liên hiệp, xoá bỏ chế độ quân chủ và nhà vua, thành lập chế độ cộng hoà dân chủ nhân dân Lào càng sớm càng tốt, cố gắng hoàn thành trong năm 1975. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của hai Đảng, dưới sự giúp đỡ của chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam, chỉ trong vòng 4 tháng quân và dân Lào đã đập tan chính quyền, quân đội tay sai Mỹ ở Lào, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến thối nát tồn tại hàng thế kỷ ở Lào. Ngày 01/12/1975, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Lào được triệu tập ở thủ đô Viêng Chăn. Đại hội quyết định xoá bỏ chế độ quân chủ, thành lập Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào.
Như vậy, với thắng lợi trong cùng một thời gian tương đối gần nhau, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương đã kết thúc vẻ vang. Đảng Lao động Việt Nam nhận định: “Thắng lợi của chúng ta cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc”
Năm mươi năm trôi qua, thế giới có biết bao sự đổi thay, nhưng tình đoàn ba nước Đông Dương trong đại thắng mùa xuân 1975 vẫn vẹn nguyên giá trị, rất cần được chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong điều kiện cách mạng hiện nay, nhằm đưa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân mỗi nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
[1] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.361.
[2]Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.361.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.35, tr.242.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.35, tr.177.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.35, tr.179.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.35, tr.192.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.35, tr.192.