Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn mang ý nghĩa quốc tế sâu sắc và tầm vóc thời đại to lớn. Chiến thắng đó là đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là dấu ấn đặc biệt của Hồ Chí Minh trong phong trào giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
Từ tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất đất nước
Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước với mong muốn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1]. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc bắt gặp Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. “Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định: Cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo con đường của V.I. Lênin - con đường Cách mạng Tháng Mười Nga; muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2].
Khi giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú trọng tới nhân tố cốt lõi nhất, quan trọng nhất là vấn đề dân tộc với nội dung cơ bản là chủ nghĩa dân tộc hướng tới chủ nghĩa cộng sản. Người xác định rõ: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”[3]. Người hiểu sâu sắc về tính độc đáo của cách mạng thuộc địa và đặt cuộc cách mạng này trong mối quan hệ với xu hướng của nhân loại là vấn đề độc lập, tự do. Người cũng nhìn nhận, sức mạnh vĩ đại của dân chúng ở thuộc địa chỉ có thể khơi dậy và hiện thực hóa nó bằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bằng chiến tranh nhân dân khi họ được giác ngộ, được tổ chức theo một đường lối đúng đắn và bằng những giải pháp hiệu quả.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, tự do không thể tách rời với sự thống nhất đất nước, với non sông liền một dải. Người đã nhiều lần nhấn mạnh: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”[4], “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam./Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”[5]. Tư tưởng độc lập, tự do và ý chí thống nhất Tổ quốc chính là nhân tố nền tảng tạo ra và nhân lên sức mạnh to lớn đánh bại ý chí của kẻ thù xâm lược.
Chủ tịch Hồ chí Minh chăm sóc cây vú sữa của vợ chồng bà Lê Thị Sảnh, ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình (Cà Mau) gửi tặng Người năm 1954 (Ảnh tư liệu)
Đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”[6]. Đồng ý chí, cả dân tộc ta đã không hề nao núng trước khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh, kiên định mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất nước nhà. “Vì Tổ quốc thân yêu, vì miền Nam ruột thịt, vì chủ nghĩa xã hội”[7] mà “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”[8].
Đau đáu về miền Nam, về sự nghiệp thống nhất nước nhà, một ngày đất nước chưa thống nhất, một ngày miền Nam chưa được giải phóng là một ngày Người ăn chưa ngon, ngủ chưa yên. Người chưa thể vui khi một nửa cơ thể Việt Nam bị cắt chia, khi một nửa máu của máu Việt Nam chưa hòa về một mối.
Với tình cảm sâu nặng, thiết tha “miền Nam trong trái tim tôi”, ngay từ những ngày đầu tiên về lại Thủ đô, Người lập tức chỉ đạo tập trung củng cố miền Bắc về mọi mặt cho cuộc đấu tranh lâu dài, thống nhất đất nước. “Khi cách mạng nước ta phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, chúng ta phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với thực hiện đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trên cả nước. Theo đó, xây dựng miền Bắc chính là xây dựng hậu phương vững chắc để giải phóng miền Nam nhưng mọi chủ trương, chính sách thực hiện ở miền Bắc phải chiếu cố miền Nam”[9].
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam trong vườn xoài ở Phủ Chủ tịch, ngày 15/11/1965 (Ảnh tư liệu)
Hồ Chí Minh luôn khẳng định nhiệm vụ trung tâm, trọng yếu của cách mạng Việt Nam: “nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc./ Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi./ Đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh hùng, dưới ngọn cờ vẻ vang của Mặt trận Dân tộc giải phóng, liên tục tiến công, liên tục nổi dậy, kiên quyết tiến lên, giành lấy thắng lợi hoàn toàn”[10]. Người nhấn mạnh: “Phải hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng miền Nam, phải tuyên truyền cho đồng bào miền Bắc hiểu rõ nhiệm vụ của ta phải tham gia sự nghiệp giải phóng miền Nam, vì miền Nam là của nước ta”[11].
Với một niềm tin tất thắng, Người đã khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn./ Đó là một điều chắc chắn”[12].
Niềm tin ấy, khát vọng ấy thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt - “thành đồng Tổ quốc” và trở thành sự thôi thúc trong tâm khảm mỗi người dân hai miền đất nước cùng phấn đấu cho ngày mai thống nhất nước nhà. Đó cũng là động lực mạnh mẽ cho toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khó khăn, lâu dài, gian khổ, song nhất định thắng lợi.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ có ý nghĩa giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một dải mà còn đưa lịch sử dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hòa bình, hòa hợp dân tộc; kỷ nguyên của độc lập, tự do; kỷ nguyên của đổi mới, hội nhập và phát triển; kỷ nguyên của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những giá trị, ý nghĩa và tầm vóc của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên, đó sẽ tiếp tục là động lực tinh thần to lớn, là bệ đỡ tư tưởng quan trọng, là sức sống vô biên cổ vũ, khích lệ và đồng hành cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết, vững tin hướng về phía trước, thực hiện thắng mọi mục tiêu, nhiệm vụ của dân tộc và thời đại, nhằm xây dựng đất nước Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.187.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.603.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.l, tr.511.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.627.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.280.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.360
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.104
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.131.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.XI.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.512.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.16.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.618.