Ngày 30/4/1975 đã khắc sâu vào tâm khảm triệu triệu người con đất Việt như một mốc son huy hoàng, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất non sông, đưa đất nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng 30/4 không chỉ là thành quả của tinh thần chiến đấu kiên cường, ý chí quật cường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước bất diệt, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Trong niềm vui chiến thắng, mỗi chúng ta luôn tự hào và tri ân các thế hệ anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh cho độc lập, tự do của đất nước hôm nay
1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công lao to lớn và dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Cách mạng Tháng Tám thành công, dù bộn bề với bao công việc của người đứng đầu đất nước, nhất là trong cảnh thù trong, giặc ngoài “nghìn cân treo sợi tóc”, nhưng Hồ Chí Minh đã luôn nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sĩ. Trong Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi, đăng trên báo “Cứu quốc” ngày 7/11/1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”[1].
Đặc biệt, ngày 16/2/1947, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 20/SL về chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước ta về chế độ chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Đến tháng 6/1947, Người đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm Ngày Thương binh toàn quốc để đồng bào có dịp tỏ lòng kính trọng, yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị đã họp ở Thái Nguyên và nhất trí lấy ngày 27/7 hằng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc (năm 1955 được đổi tên thành Ngày Thương binh, liệt sĩ) và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.
Bác Hồ, Bác Tôn và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội viếng các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Ghi nhận và đánh giá cao sự hy sinh và cống hiến to lớn của các thương binh, liệt sĩ, Người khẳng định: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta”[2].
Trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người nhấn mạnh: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”[3].
Theo Người, công tác thương binh, liệt sỹ là một hình thức xây dựng tượng đài kỷ niệm trong lòng dân chúng. Các thế hệ phải ghi nhớ công ơn, những chiến công hiển hách của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ngày 17/7/1947, Người viết thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc, nhấn mạnh ý nghĩa cao quý của sự hy sinh ấy: “khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”[4].
2. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, gần 80 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn phát huy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tiến hành các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, tri ân những thế hệ cha, anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập của dân tộc.
Theo thống kê sơ bộ, cả nước có tổng cộng 1.146.250 liệt sĩ, trong đó 191.605 người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, và 105.627 người nằm xuống trong các chiến dịch khác bảo vệ Tổ quốc (như chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo…). Ngoài ra, tính đến hiện nay còn hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia...
Công tác tìm kiếm, quy tập liệt sỹ vấn đang được các đơn vị, địa phương tích cực thực hiện
Cả nước có gần 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách thương binh. Hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, tên tuổi, quê quán, đơn vị. Hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và có con đẻ bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách thương binh trên cả nước. Quảng Nam là tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất với 65.000 người hy sinh trong các cuộc chiến tranh. Ngoài ra tỉnh Quảng Nam còn có hơn 30.000 thương binh. Đến tháng 7/2022, cả nước hiện có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Khắp 63 tỉnh, thành phố, địa phương nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Các nghĩa trang liệt sĩ cấp Quốc gia nổi tiếng: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang); Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ (Điện Biên); Nghĩa trang Mai Dịch (Thủ đô Hà Nội); Nghĩa trang Quốc tế Việt – Lào (Anh Sơn, Nghệ An); Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị); Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Đông Hà, Quảng Trị); Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh; Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu). Có 9.000.000 người có công trên cả nước; trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Gần 13.000 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; 111.000 người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn trong các nhà tù nổi tiếng như Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo, Côn Đảo, Phú Quốc[5]…
Các anh hùng liệt sỹ đã viết nên bản “Thiên hùng ca bất tử”, máu xương của các anh hùng liệt sỹ đã nở hoa độc lập, kết trái tự do. Trong hân hoan chiến thắng ngày hôm nay, khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta, luôn đời đời ghi nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ, tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr486.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr 579.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr 401.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr 204.
[5]https://vietnamnet.vn/tuong-nho-nhung-nguoi-con-uu-tu-tran-quy-gia-tri-hoa-binh-2169897.html, truy cập ngày 25/3/2025.