Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một tác phẩm văn học đặc sắc, mà còn là bảo vật quốc gia – biểu trưng sáng ngời của giá trị văn hóa, tư tưởng và khí phách dân tộc Việt Nam. Nhật ký trong tù đã khắc họa nguyên mẫu chân dung của Người trong một hoàn cảnh khắc nghiệt nhất trong nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Trung quốc. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế đã khẳng định, Nhật ký trong tù đã trở thành “tài sản văn hóa nhân loại” khi được dịch ra trên 40 ngôn ngữ trên thế giới.

Tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: namsaigon.edu.vn

Tuy nhiên, những sự thật này lại bị một số thế lực phản động xuyên tạc! Trong thời gian gần đây, nhiều đối tượng phản động đã vô cớ và ngông cuồng khi cho rằng Nhật ký trong tù tác giả không phải là của Hồ Chí Minh! Theo chúng, ở trình độ vượt trội về tiếng Hán gắn với thi pháp và nội dung đó thì không thể có một người Việt Nam nào có thể thực hiện được. Hơn nữa, vì sao sau nhiều năm sống ở các nước khác như Pháp, Nga, Hồng Công thì Nguyễn Ái Quốc lại không sáng tác được bài thơ chữ Hán nào?

Thực tế lịch sử cho thấy, Nguyễn Sinh Cung từ nhỏ đã học giỏi chữ Hán từ các bậc đại Nho như Nguyễn Sinh Sắc, Vương Thúc Quý, Hoàng Phan Quỳnh. Từ kiến thức cơ bản đó, Nguyễn Sinh Cung sớm hiểu biết sâu sắc văn hóa Trung Hoa, tạo nền tảng vững chắc cho bút pháp của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh về sau. Minh chứng là ngay từ  những năm 1922-1923, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày nhiều bài viết về tình hình Trung Quốc được in trên báo La Vie Ouvrière và L’Humanité. Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã viết báo bằng tiếng Trung để kiếm sống trong thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc, xác lập tầm ảnh hưởng với một số nhân vật có uy tín – trong số đó, bà Tống Khánh Linh là một ví dụ.

Trở lại với bối cảnh ra đời của Nhật ký trong tù, ta có thể thấy rõ câu trả lời thuyết phục nhất nằm trong chính hành trình Người đã trải qua…

Tháng 01/1941, sau 30 năm bôn ba khắp thế giới, Nguyễn Ái Quốc mới lại đặt chân lên mảnh đất Tổ quốc. Đầu tháng 5/1941 tại hang Cốc Bó, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh. Tháng 8/1942, khi bộ máy tổ chức nội bộ đã được định hình chặt chẽ, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí đi Trung Quốc. Mục đích của chuyến đi được xác định là nhằm tạo lập mối liên kết với những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc chống Nhật. Hồ Chí Minh trong trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số đã được một đồng chí người Trung Quốc dẫn đường qua biên giới. Nhưng người dẫn đường và Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt ở tỉnh Quảng Tây vào ngày 29 tháng 8 năm 1942. Cả hai bị đưa vào cùng một nhà giam. Sau này không có ghi chép chi tiết về cuộc sống ở tù trong 13 tháng này của Người mà chỉ còn cuốn Nhật ký trong tù nổi tiếng và hai bức thư.

Sau khi bị bắt, trong 13 tháng, Hồ Chí Minh bị đưa đi khắp 30 nhà tù của 13 huyện, thân thể bị trói buộc, lại phải ở chung với tù thường phạm, thậm chí có lúc ngay bên cạnh mình là một tù nhân đã chết. Thời gian này, các đồng chí ở Việt Nam nhận được thông tin Người đã mất và đau đớn vô hạn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp(1) đã hồi tưởng lại sự kiện này một cách vô cùng cảm động: Một hôm, tôi về cơ quan báo cáo tình hình, thấy anh Đồng, anh Vũ Anh và anh Lã đang xúm xít quanh một tờ báo trên đó có mấy dòng chữ rất vắn tắt: “Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên”. Kèm theo một bài thơ: Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/Lòng sông gương sáng, bụi không mờ/Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh/ Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa(2). Mọi người vui mừng khôn xiết khi Bác vẫn còn sống.

Trong tù, Hồ Chí Minh luôn bị đói khát, suy kiệt, cũng không thể ngủ được trong hoàn cảnh tồi tệ. Sức chịu đựng kiên cường được rèn luyện bằng lao động vất vả từ lúc trẻ đã giúp Người chịu đựng được nỗi thống khổ suốt 13 tháng ròng rã.

Trong tù, Hồ Chí Minh vẫn thể hiện phong thái ung dung, tự tại, ứng xử thân thiện với tất cả mọi người xung quanh và thỉnh thoảng chơi cờ với ngay cả cai ngục. Tù nhân không thể dùng giấy và bút viết. Nhờ thân với cai ngục mà có thể kiếm được giấy làm thơ. Dùng cơm nghiền ra làm chất dính can thành tờ giấy dài. Mực làm bằng bột cơm cháy cho vào chảo khuấy đều. Lấy đũa làm bút. Viết trong tư thế chân bị cùm nên rất đau đớn. Những bài thơ viết trong hoàn cảnh khắc nghiệt, trải qua nhiều tháng ấy chính là tập thơ Nhật ký trong tù, được làm theo phong cách Đường thi. Hơn 130 bài thơ chữ Hán là cảm tưởng hơn là nhật ký, viết nên những mong mỏi tha thiết của con người. Lý do Người không dùng chữ quốc ngữ mà dùng chữ Hán làm thơ là một nội dung đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, trao đổi. Có thể hiểu rằng, việc viết bằng chữ Hán là để các cai ngục người Trung Quốc đọc và cảm nhận được.

Thông qua thơ ca, Hồ Chí Minh nói rõ lý do viết Nhật ký trong tù:

                        Ngâm thơ ta vốn không ham,

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây;

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do

Thời điểm tác phẩm Nhật ký trong tù lần đầu được công bố công khai là năm 1955. Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1960, được đưa vào chương trình giảng dạy văn học và giáo dục công dân. Khác với sự khiêm tốn của Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù là một tác phẩm lớn có giá trị về nhiều mặt trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Những câu thơ ngắn gọn lại tràn đầy vẻ đẹp khiêm nhường, những giáo lý sâu sắc lại đầy sức cảm hóa. Từ Nhật ký trong tù, người đọc dễ nhận ra diện mạo con người vĩ đại Hồ Chí Minh. Dù trong tình huống nào cũng không bối rối hay lùi bước, luôn nhất quán một ý chí bất khuất, không nản lòng. Tinh thần của người với đức tin vững chắc về độc lập dân tộc, vun đắp dũng khí cho nhân dân, tình yêu con người trong vòng xoáy sinh hoạt nhà tù thối nát, dù trong lúc tỉnh hay mơ vẫn đau đáu về “thảm cảnh” của đồng bào bị áp bức. Sự hóa thân của lòng yêu nước cháy bỏng một cách tự nhiên, khoan thai. Mở đầu cuốn  Nhật ký trong tù, Người viết:

Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao;

Muốn nên sự nghiệp lớn,

Tinh thần phải càng cao.

Những người yêu nước Việt Nam chịu cảnh tù đày khắc nghiệt, phải đeo gông cùm những đã viết bài thơ này trên tường để nuôi dưỡng niềm hy vọng lớn lao.

Cuộc sống trong tù thật gian khổ, nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí nhà cách mạng Hồ Chí Minh:

Bốn tháng ăn không no

Bốn tháng đêm không ngủ

Bốn tháng áo không thay

Bốn tháng không giặt giũ.

May mà:

Kiên trì và nhẫn nại,

Không chịu lùi một phân;

Vật chất tuy đau khổ,

Không nao núng tinh thần.

Quả thật, Nhật ký trong tù thực sự đã tỏa ra nguồn ánh sáng giống như mong đợi của Người về “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” khi "hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường - ấy là đồng chí Hồ Chí Minh"(3). Đó chính là nguồn ánh sáng từ ngục tối đã chiếu sáng tầm vóc vĩ đại của Hồ Chí Minh ngày nay. Trong sự chuyển mình trọng đại của dân tộc, mỗi người trong chúng ta tự vượt lên chính mình, khắc phục khó khăn phía trước theo phương châm "Sống ở trên đời, người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công"(4).

……………………………………..

1.Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên; Nxb Trẻ, 2019, tr. 197.

2.Hồ Chí Minh: Nhật ký trong tù, “Mới ra tù tập leo núi”

3.Quách Mạt Nhược, Cảm tưởng sau khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù, Báo Nhân Dân, ra ngày 13-11-1960.

4.Hồ Chí Minh: Nhật ký trong tù, “Nghe tiếng giã gạo.