Bảo hộ mậu dịch được C.Mác và Ph.Ăngghen gọi là “chính sách bảo hộ mậu dịch”, “bảo hộ thương mại” hay “thuế quan bảo hộ” (ngày nay còn được gọi là chủ nghĩa bảo hộ). Đến thế kỷ XIX (thời kỳ chủ nghĩa Mác ra đời, phát triển), công cụ thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch chỉ có thuế quan mà chưa có các hàng rào phi thuế quan khác như hạn ngạnh, tiêu chuẩn hàng hóa hay trợ cấp của chính phủ. Vì vậy, lý luận của chủ nghĩa Mác chỉ đề cập đến vấn đề thuế quan bảo hộ. Ngày nay, thuế quan vẫn là công cụ quan trọng nhất để thực hiện bảo hộ mậu dịch.
Nguồn gốc và bản chất
Khi bàn về nguồn gốc bảo hộ mậu dịch, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng chính sách bảo hộ mậu dịch xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVII trong bối cảnh nền hải thương quốc tế phát triển nhanh hơn cả công trường sản xuất thủ công. Do đó, “chính thương nhân, và đặc biệt những chủ tàu biển, là những người tha thiết đòi hỏi, hơn ai hết, sự bảo hộ của nhà nước và những độc quyền; đành rằng những chủ công trường thủ công cũng đòi và đã đạt được sự bảo hộ đó, nhưng về mặt ý nghĩa chính trị thì bao giờ họ cũng đứng sau thương nhân”[1].
Bảo hộ mậu dịch nảy sinh từ cạnh tranh tự do và là một công cụ kinh tế quan trọng của nhà nước để loại bỏ cạnh tranh quốc tế. “Cạnh tranh buộc những nước muốn giữ vai trò lịch sử của mình phải dùng đến những biện pháp thuế quan mới để bảo vệ công trường thủ công của mình (vì những thuế quan cũ không còn đủ để chống lại công nghiệp lớn nữa) và sau đó buộc phải thực hiện công nghiệp lớn dưới sự bảo hộ của thuế quan bảo hộ[2].
Bảo hộ mậu dịch phản ánh sự cạnh tranh giữa các nước, đồng thời mang ý nghĩa chính trị. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (1846), C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Với sự ra đời của công trường thủ công, các dân tộc khác nhau bắt đầu cạnh tranh với nhau, tiến hành cuộc đấu tranh thương nghiệp bằng chiến tranh, chế độ thuế quan bảo hộ và những chế độ cấm đoán, không như trước kia khi quan hệ với nhau họ tiến hành những cuộc trao đổi vô hại với nhau. Từ nay, thương nghiệp đã mang ý nghĩa chính trị”[3].
C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng chính sách bảo hộ mậu dịch mang tính chất “bố thí” hay “phần thưởng” của nhà nước đối với doanh nghiệp trong nước. Do đó, “chính sách bảo hộ mậu dịch là phương tiện giả tạo nhằm tạo ra các chủ xưởng. Đó là chính sách bảo hộ mậu dịch ở giai đoạn phát sinh của nó trong thế kỷ XVII và được giữ nguyên như vậy trong nhiều năm ở thế kỷ XIX[4]. Trong một tác phẩm khác, C.Mác viết “Chính sách thuế quan bảo hộ vũ trang cho tư bản một nước để chiến đấu với tư bản các nước khác, tăng cường sức mạnh cho tư bản đấu tranh với tư bản nước ngoài”[5].
C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng “Thuế quan bảo hộ là thủ đoạn nhất thời, là vũ khí phòng ngự trong phạm vi của tự do mậu dịch”[6]. Luận điểm này cho thấy các ông cho rằng tự do buôn bán là quy luật vận động tự nhiên, bao trùm, xuyên suốt, có sức sống mãnh liệt, khó có thể bị triệt tiêu. Việc các nước áp dụng thuế quan bảo hộ chỉ mang tính nhất thời trong những bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể. Điều này phù hợp với quy luật của sản xuất tư bản chủ nghĩa, có cơ sở từ việc khai thác lợi thế so sánh trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Tác động của bảo hộ mậu dịch
Chính sách thuế quan bảo hộ có tác động hai chiều, vừa tích cực vừa tiêu cực, tuỳ từng trường hợp và từng đối tượng cụ thể.
Ở phương diện tích cực, chính sách thuế quan bảo hộ giúp cho những quốc gia thực thi chính sách này bảo vệ được thị trường nội địa khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài. Trong những trường hợp nhất định, “chế độ thuế quan bảo hộ là một phương tiện để xây dựng nền đại công nghiệp ở một dân tộc này hay dân tộc khác”[7]. Những quốc gia có nền công nghiệp đang phát triển, sức cạnh tranh yếu, giai cấp tư sản chưa lớn mạnh thường có xu hướng bảo hộ mậu dịch. Nhận định này cho thấy, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thấy rõ việc đánh thuế hàng hóa ngoại nhập là cần thiết đối với những nước có nền sản xuất còn non yếu. Nếu không làm vậy, nền sản xuất non trẻ ở nhiều nước có thể bị đè bẹp trước sự cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh tác động tích cực, chính sách thuế quan bảo hộ gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Khi áp dụng chính sách thuế quan bảo hộ thì khó có thể mở rộng thị trường ra bên ngoài. Tình trạng này khiến cho công nghiệp không thể cải tiến được. Bên trong cũng như bên ngoài đều diễn ra cảnh đình đốn, kết quả là dẫn đến khủng hoảng xã hội và cách mạng xã hội[8].
Chính sách thuế quan bảo hộ cũng có nhiều hệ quả tiêu cực khác. “Bảo hộ một ngành của nền công nghiệp, bạn sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp đem lại thiệt hại cho tất cả các ngành còn lại và vì vậy bạn phải bảo hộ cả những ngành đó nữa. Cũng bằng cách đó, bạn lại gây tổn thất cho ngành công nghiệp mà lúc đầu bạn bảo hộ, và bạn buộc phải đền bù thiệt hại của nó, nhưng sự bồi thường này, đến lượt nó, lại ảnh hưởng, như ở trường hợp đầu tiên, đến tất cả những nghành còn lại và cho chúng quyền được bồi thường thiệt hại, và cứ thế đến bất tận”[9].
Ph.Ăngghen lấy một ví dụ về ngành đóng tàu ở Mỹ vào nửa cuối thế kỷ XIX để chứng minh chính sách bảo hộ mậu dịch có thể dẫn đến sự tụt hậu của một ngành công nghiệp quan trọng. Năm 1856, tàu Mỹ vận chuyển 75,2% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của nước mình, còn lại 24,8% do tàu nước ngoài đảm nhận. Khi cuộc nội chiến ở Mỹ xảy ra (1861-1865), chính phủ Mỹ thực hiện chính sách bảo hộ trong ngành đóng tàu. Kết quả đến năm 1887 là chỉ còn 13,8% khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng tàu Mỹ. Vì thế Ph.Ăngghen kết luận: “Bốn mươi năm trước, lá cờ Mỹ là đối thủ nguy hiểm nhất của lá cờ Anh và đe dọa vượt nó trên đường biển; hiện nay nó tụt hậu một cách vô vọng. Hệ thống bảo hộ mậu dịch trong ngành đóng tàu đã giết chết cả ngành vận chuyển bằng tàu bè, và cả ngành đóng tàu”[10].
Ph.Ăngghen nhận định thêm: “Nhưng điều tệ hại nhất trong chính sách bảo hộ mậu dịch là một khi nó đã được áp dụng thì khó mà tự giải thoát được khỏi chính sách đó. Đặt ra một thuế biểu cho đúng là việc khó khăn, nhưng quay trở lại, tự do buôn bán lại còn khó vô chừng”[11].
Chính sách bảo hộ mậu dịch cũng có thể gây thiệt hại cho các cơ sở sản xuất trong nước khi các cơ sở này phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Khi xem xét các cơ sở sản xuất ở Anh thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen viết: “Chính sách bảo hộ ấy cũng đem lại thiệt hại cho các chủ xưởng. Do việc đánh thuế vào nguyên liệu, giá những hàng hóa chế biến từ nguyên liệu đó tăng lên; giá lao động tăng vì thực phẩm bị đánh thuế; trong cả hai trường hợp, chính sách bảo hộ mậu dịch đều đặt chủ xưởng ở Anh vào hoàn cảnh bất lợi với kẻ cạnh tranh nước ngoài của họ”[12]. Mặt khác, theo C.Mác và Ph.Ăngghen, chính sách bảo hộ sẽ chia cắt thị trường thế giới thành từng bộ phận riêng biệt, do đó kìm hãm sự lưu thông tự nhiên [13] .
Nhìn vào thực tiễn hiện nay
Bảo hộ thương mại luôn tồn tại song hành cùng với tự do thương mại, nhưng từ khi ông Donald Trump chính thức cầm quyền Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2017-2021 đến nay, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, từ đầu năm 2025 đến nay, khi ông Donald Trump trở lại Nhà trắng lần thứ 2, Mỹ đã sử dụng thuế quan như một công cụ mạnh mẽ đối với hàng hóa nhiều quốc gia. Đối với Trung Quốc, Mỹ đã hai lần tăng thuế, mỗi lần 10%, nâng tổng mức thuế lên 20%. Đối với Canađa, Mexico, Mỹ đã có kế hoạch áp thuế 25%. Từ ngày 12/3/2025, Mỹ đã áp thuế 25% với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào nước này không có quốc gia nào ngoại lệ. Chính sách thuế quan của Mỹ nhằm nhiều mục đích khác nhau như: giảm thâm hụt thương mại; bảo vệ, thúc đẩy nền sản xuất trong nước, đưa việc làm trở lại Mỹ; là con bài gây sức ép với nhiều quốc gia trong vấn đề nhập cư; kiềm chế đối thủ… Chính sách đó đang gây ra những tác động phức tạp, đa chiều đối với thế giới nói chung, nước Mỹ nói riêng.
Đối với thế giới, quá trình toàn cầu hóa bị ảnh hưởng, những mâu thuẫn, xung đột chính trị - ngoại giao gia tăng. Mâu thuẫn Mỹ - Trung có chiều hướng gay gắt hơn; quan hệ Mỹ với nhiều đồng minh và đối tác như châu Âu, Canađa, Mexico rạn nứt, sứt mẻ, gia tăng căng thẳng; chuỗi cung ứng, sản xuất, dòng chảy thương mại toàn cầu đứng trước nhiều biến động, đảo lộn; nền kinh tế thế giới đứng trước rủi ro trì trệ, suy thoái, bất ổn.
Đối với nước Mỹ, chính sách thuế quan có thể đem lại một số lợi thế và đòn bẩy nhất định, như buộc một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia khu vực Mỹ Latinh (nhất là Mexico) phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn, hạn chế dòng người nhập cư và chất ma túy tổng hợp fentanyl vào Mỹ, đồng thời tạo tiền đề giúp Mỹ đạt được một số thỏa thuận thương mại có lợi hơn. Tuy nhiên, chính sách thuế quan cũng khiến Mỹ đối diện với không ít thách thức mới như: mất dần uy tín, ảnh hưởng quốc tế vì nhiều đồng minh, đối tác giảm niềm tin vào Mỹ. Phần lớn các nước tuyên bố sẵn sàng thực hiện các biện pháp thuế quan đáp trả với các mức độ khác nhau, trong đó Trung Quốc sẵn sàng đáp trả theo cách “ăn miếng, trả miếng”. Nền kinh tế Mỹ hiện nay đứng trước nhiều thách thức như lạm phát, không loại trừ khả có thể dẫn đến suy thoái.
Trong bối cảnh các nền kinh tế phụ thuộc chặt chẽ như hiện nay, những tác động tiêu cực từ chính sách bảo hộ thương mại sẽ lớn hơn mặt tích cực và hệ lụy sẽ là sâu rộng hơn so với quá khứ. Chính sách thuế quan luôn mang tính hai mặt, là công cụ của nước này nhưng cũng là công cụ của nước khác, không đem lại lợi thế tuyệt đối cho bất cứ quốc gia nào. Những tác động tiêu cực không lường trước có thể sẽ buộc Mỹ phải cân nhắc và điều chỉnh chính sách thuế quan trong thời gian tới. Nếu chiến tranh thương mại leo thang thì tổn thất cho các bên và cho thế giới sẽ càng lớn.
Từ thực tiễn nhìn lại lý luận cho thấy, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra những luận điểm rất quan trọng về bảo hộ mậu dịch, cung cấp một góc nhìn về vấn đề này - một vấn đề có tính xuyên suốt trong quan hệ kinh tế quốc tế và không tách rời với quan hệ chính trị quốc tế. Ngày nay, chủ nghĩa bảo hộ có thêm nhiều biểu hiện và công cụ mới so với thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen ở thế kỷ XIX. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về bảo hộ mậu dịch thì vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
[1] C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.84-85
[2] C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.86.
[3] C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.tr.81.
[4] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 21, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.530.
[5] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 4, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,1995, tr. tr.362.
[6] C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.86.
[7] C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, tập I, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.492.
[8] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 2, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.738-739.
[9] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 4, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.537.
[10] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 21, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.538.
[11] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 4, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.539.
[12] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 21, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.531.
[13] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.85.