Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam
Thực tiễn của các quốc gia Châu Á đã chứng minh, thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” đã giúp họ đóng góp khoảng 1/3 vào tỉ lệ tăng trưởng kinh tế trong quá trình phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thậm chí cơ hội cơ cấu “dân số vàng” ở Trung Quốc, đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.
Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, Việt Nam hiện có quy mô 101.112.656 người, với tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 67,4%[1] nên vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Đây là cơ sở và điều kiện vô cùng quý giá để Việt Nam bứt phá, vươn mình trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. Bởi dân số là lực lượng quyết định trong quá trình sản xuất và họ cũng là lực lượng tiêu dùng trong xã hội.
Đặc biệt, kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 cũng cho thấy, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% (giảm 1,0 điểm phần trăm so với năm 2019) và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3% (tăng 1,6 điểm phần trăm so với năm 2019)[2] và khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi. Điều này thuận lợi cho việc tiếp thu thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, với tư duy nhạy bén trong đổi mới sáng tạo và linh hoạt từ yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của kỷ nguyên mới.
Tuy nhiên, để phát huy được lợi thế “cơ cấu dân số vàng” đó thì nguồn lao động này của Việt Nam phải “vàng” thực sự về tri thức, sức khỏe, kỹ năng, tay nghề và phải có khát vọng vươn mình thì mới biến giấc mơ “hóa rồng” thành hiện thực nhưng ở Việt Nam hiện nay, về tri thức, trình độ của nguồn nhân lực dân số còn khá thấp. Cụ thể:
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53,0 triệu người. Tỷ lệ tham gia lao động năm 2024 là 68,9% nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính chỉ đạt 28,3%[3, thấp hơn một số nước trong khu vực và tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 64,6%. Lao động phi chính thức thường làm các công việc giảm đơn, ít đòi hỏi trình độ, kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Cũng theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,02%; khu vực nông thôn là 7,40%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 1,3 triệu. Trong đó, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực thành thị là 7,4%; khu vực nông thôn là 11,6%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 11,4%; nam là 8,6%[4]. Những con số này cho thấy, việc phát huy lợi thế “cơ cấu dân số vàng” của Việt Nam chưa cao. Về số lượng dân số trong độ tuổi lao động là “vàng” nhưng chất lượng chưa thật sự “vàng”. Nói cách khác, cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam mới chỉ mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải đã đem lại ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, sức khỏe người lao động của Việt Nam kém so với các nước trong khu vực và thế giới. Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, trong tổng số hơn 2 triệu người lao động được khám sức khỏe định kỳ, số người lao động đạt sức khỏe loại I và II chiếm 70%, tỷ lệ sức khoẻ loại III đạt gần 22%, còn là sức khỏe loại yếu[5]. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng “mềm” của lao động Việt Nam cũng còn thấp. Tỷ lệ lao động Việt Nam đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động. Tỷ lệ này là khá thấp so với các quốc gia không nói tiếng Anh trong khu vực như Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%)[6]. Hiện nay Việt Nam có tới 33,2% việc làm kỹ năng thấp, chỉ có 11,2% việc làm kỹ năng cao (trung bình các nước phát triển trên thế giới là 20%)[7]. Thị trường lao động đang thiếu hụt lao động kỹ thuật trình độ cao, nhất là tại một số ngành dịch vụ như: Ngân hàng, tài chính, thông tin, viễn thông, du lịch và những ngành công nghiệp mới.
Phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”
Để hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 trong kỷ nguyên phát triển mới, tất yếu phải phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc kiến tạo chính sách và xây dựng thể chế. Theo đó, Việt Nam cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, có chính sách ưu tiên đào tạo nghề mới cho nhóm lao động trẻ, lao động yếu thế, lao động nữ, lao động trong khu vực nông nghiệp, công nghiệp, lao động tự do để họ thích ứng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và tiếp nhận thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như Đại hội XIII đã khẳng định: “Xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi ngành nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[8]. Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hoá học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực. Đồng thời khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, sở hữu trí tuệ để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, phát triển nguồn lao động chất lượng cao. Tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động trong kỷ nguyên mới.
Hai là, xây dựng chính sách lao động việc làm theo hướng nâng cao sức khỏe, kỹ năng và kỷ luật lao động, nâng cao chất lượng ngoại ngữ, tin học và kỹ năng giao tiếp, kiến thức xã hội, làm việc nhóm cho người lao động, đặc biệt là cho thanh, thiếu niên. Xây dựng chuẩn năng lực, kỹ năng người lao động đáp ứng yêu cầu của đổi mới sáng tạo, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số cho từng ngành, nghề và trình độ đào tạo. Phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy các lĩnh vực trọng yếu. Có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ba là, xây dựng và thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu của người lao động về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm… Đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng cường hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho lao động khu vực phi chính thức và tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức. Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động bị thất nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo kỹ năng, duy trì việc làm cho người lao động để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp.
Cơ cấu “dân số vàng” là một trong những lợi thế quan trọng để Việt Nam phát huy được tốt nguồn lực con người trong giai đoạn hiện nay. Những giải pháp đưa ra là một trong những gợi mở để Việt Nam tiếp tục phát huy được lợi thế “dân số vàng” nhằm từng bước hiện thực hóa những mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên mới.
[1] Thông cáo báo chí Kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 – General Statistics Office of Vietnam
[2] Thông cáo báo chí Kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 – General Statistics Office of Vietnam
[4] Thông cáo báo chí về tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2024 – General Statistics Office of Vietnam
[5] Bộ Y tế (2023), Vẫn thiếu cơ sở khám bệnh nghề nghiệp trên toàn quốc (2019),truy cập từ https://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/-/assetpublisher/xjpQsFUZRw4q/content/van-thieu-co-so-kham-benh-nghe-nghiep-tren-toan-quoc
[6] Chất lượng lao động ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp - Đảng Bộ Tỉnh Quảng Trị
[8] Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,2021, t.I, tr.137.