Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không thể tách rời sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nếu như cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa có vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến giao thông vào miền Nam, là tiêu điểm đánh phá của không quân Mỹ thì cầu Cấm ở Nghệ An cũng có ý nghĩa tương tự
Vùng đất Nghệ An là nơi khởi đầu của đường Hồ Chí Minh lịch sử; là mạch máu nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam; nơi tập kết toàn bộ lực lượng vật chất, kỹ thuật chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, cách mạng hai nước Lào và Campuchia. Trong đó, cầu Cấm giữ có vị trí chiến lược quan trọng, là một trong những trọng điểm giao thông huyết mạch, nơi thắt nút ba tuyến đường quan trọng (đường bộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và đường thủy (kênh nhà Lê) để chi viện sức người, sức của vào chiến trường miền Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Cấm là nơi diễn ra cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân địa phương để bảo vệ tuyến đường huyết mạch này.
Nữ thanh niên xung phong thuộc Đội TNXP số 69 tại cầu Cấm, năm 1966 (Ảng tư liệu)
Cầu Cấm được xây dựng từ năm 1959, nay thuộc địa phận huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cầu có vị trí chiến lược quan trọng, nằm trên tuyến Quốc lộ 1 A và là cửa ngõ phía Nam của hậu phương miền Bắc nên phần lớn lương thực, vũ khí, đạn dược từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện miền Nam đều phải đi qua trọng điểm này. Địa hình khu vực cầu Cấm như hình một chiếc chảo lớn mà cầu Cấm nằm ở trung tâm lòng chảo, xung quanh là các dãy núi cao bao bọc. Các tuyến đường sắt, đường thủy, đường bộ đều giao nhau ở đây, vì vậy để đi qua khu vực lòng chảo này chỉ có con đường duy nhất là qua cầu Cấm, nên nơi đây còn được ví như “cuống họng” của tuyến giao thông chiến lược chi viện chiến trường miền Nam và nước bạn Lào. Vì vậy, trong cuộc kháng chiến Mỹ, cứu nước, khu vực này bị đánh phá rất ác liệt.
Mỹ không khó khăn phát hiện ra vị trí chiến lược của cầu Cấm -“cuống họng” vận tải của tuyến giao thông chiến lược nên tập trung đánh phá dữ dội, biến nơi đây thành “vòng cung lửa”, một trong những “túi bom” lớn trên đất Nghệ An. Suốt từ năm 1964 đến năm 1972, Mỹ đã sử dụng không quân và hải quân từ Hạm đội 7 trút xuống khu vực cầu Cấm hàng vạn tấn bom đạn với đủ loại bom từ trường, bom nổ chậm. Theo kết quả thống kê sơ bộ, trong năm 1967, Mỹ đã ném xuống khu vực Cầu Cấm hơn 27.000 quả bom các loại, tàu chiến từ Hạm đội 7 bắn vào 5.000 quả đạn pháo, mỗi ngày đêm có tới 300 lượt ném bom, bắn rốc-két và trọng liên 20,7 mm.
Đầu năm 1965, Mỹ chuyển sang tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng bằng không quân và hải quân. Ngày 09/4/1965, máy bay Mỹ tập trung ném bom bắn phá quyết liệt vào hệ thống giao thông vận tải Nghệ An như cầu Hoàng Mai, cầu Cấm bị đánh phá liên tục, nhiều đoạn đường bị băm nát và hư hỏng nghiêm trọng.
Trước tình hình các tuyến đường chi viện bị địch đánh phá ác liệt, Đảng bộ tỉnh Nghệ An và Bộ tư lệnh Quân khu IV đã quyết định xây dựng trận địa cầu Cấm nhằm tăng cường lực lượng bảo vệ trọng điểm này. Đại tá Đồng Sỹ Nguyên – Chính ủy Quân khu IV quyết định cơ động một lực lượng pháo cao xạ từ Vinh ra cầu Cấm. Nhận được lệnh, Đại đội 1 pháo cao xạ do đồng chí Nguyễn Thanh Hải chỉ huy lập tức lên đường, trong lúc đang hành quân trên quốc lộ 1A thì máy bay địch đến. Lấy mặt đường làm trận địa, đại đội nhanh chóng triển khai đánh địch. Cuộc chiến mỗi lúc một ác liệt. Dân quân và nhân dân các xã Nghi Long, Nghi Quang, Nghi Yên, Nghi Diên phối hợp chiến đấu cùng bộ đội. Trận chiến diễn ra trong thế trận hiệp đồng ba thứ quân đã giành thắng lợi giòn giã, 3 máy bay Mỹ bị bắn rơi, cầu Cấm được bảo vệ, tiếp tục đưa các đoàn xe, đoàn tàu qua sông ra trận.
Ngày 01/07/1965, Mỹ tăng cường đánh sập các cầu cống lớn trên các trục giao thông trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Máy bay Mỹ đánh vào trạm gác của dân quân phía Bắc cầu Cấm làm 5 dân quân hy sinh.
Tháng 10/1965, không quân Mỹ đã ném 1.626 tấn bom đạn vào 17 trọng điểm trên địa bàn huyện Nghi Lộc, trong đó nhiều lần đánh vào cầu Cấm. Đặc biệt trong các ngày từ 14 đến 18/6/1966, trên các điểm vượt sông như Hoàng Mai, cầu Cấm… không quân Mỹ đã tổ chức đánh phá 15 – 20 trận/ngày. Ngày 25/6/1966, đoàn xe vận tải quân sự 32 chiếc chở pháo 37 ly vào phía Nam cầu Cấm, bị máy bay Mỹ phát hiện. Máy bay Mỹ quần lượn và trút bom dữ dội xuống cầu Cấm và các đoàn xe vận tải. Cầu Cấm bị đánh hư hỏng nặng, 3 xe quân sự bốc cháy, 5 đồng chí hy sinh, lực lượng bộ đội Thanh niên xung phong cùng các đội trực chiến dân quân tự vệ thương vong khá lớn, có 97 người hy sinh. Trước tình hình đó toàn bộ lực lượng dân quân cùng bộ đội, Thanh niên xung phong ra sức cấp cứu người bị thương, tải đạn, tiếp tục chiến đấu, cuối cùng đã kéo được 29 chiếc xe pháo qua sông an toàn, lực lượng phòng không chiến đấu bắn rơi một máy bay Mỹ.
Cầu Cấm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Ảnh tư liệu Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An)
Không dừng lại ở đó, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng cường đánh phá khu vực cầu Cấm. Ngày 26/12/1966, máy bay Mỹ đã đánh vào cầu Cấm 8 trận, ném 110 quả bom các loại. Ngày 5/01/1967, Mỹ huy động 108 lượt máy bay ném 200 quả bom phá sập cầu, băm nát đường ở hai đầu cầu, các phương tiện vận tải bị ách tắc nghiêm trọng.
Trước tình hình đó Bộ Giao thông vận tải lập “đội vượt sông”, Ban bảo đảm giao thông tỉnh đã chỉ đạo làm thêm 3 bến phà ở khu vực cầu Cấm. Cầu Phao ở phía Nam cầu Cấm nối đường Riềng (xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) với quốc lộ 1A, góp phần giải quyết việc ách tắc giao thông trên cầu Cấm.
Ngày 04- 05/02/1967, nhiều tốp máy bay A3J và F4H của Mỹ thay nhau quần lượn trên bầu trời cầu Cấm, liên tục trút bom xuống cầu. Quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ cầu. Trong trận chiến này có 35 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Thế nhưng lực lượng bảo vệ tuyến giao thông tại cầu Cấm vẫn bảo đảm thông tàu, thông xe, trung chuyển được hơn 9.775 tấn hàng hóa, hơn 25.537 lượt xe vận tải vào tiền tuyến.
Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, máy bay, tàu chiến Mỹ đánh vào cầu Cấm 1.221 trận. Với sự đánh phá ác liệt, liên tục không kể ngày đêm, tính từ tháng 03/1968 đến tháng 10/1968, các chuyến hàng vận chuyển qua cầu Cấm vào tiền tuyến bị ách tắc 65 lần.
Đến năm 1972, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, tăng cường quy mô, tốc độ, cường độ đánh phá và các phương tiện chiến tranh hòng bóp ngẹt trạm trung chuyển cho chiến trường miền Nam.
Tháng 5/1972, cầu Cấm bị máy bay Mỹ đánh sập, tuyến đường sắt Thanh Hóa – Vinh ngừng hoạt động, các tuyến đường bộ bị băm nát, đào sâu không còn nhận ra mặt đường. Trước tình hình đó, Ban bảo đảm giao thông vận tải của tỉnh và Quân khu IV đưa 2 đội “công binh thép” ra làm thêm 3 cầu phao ở cầu Cấm. Năm 1972, máy bay Mỹ tấn công Nghệ An 492 trận thì có tới 137 trận đánh vào Nghi Lộc, trong đó 80 trận đánh vào cầu Cấm. Với tinh thần và ý chí chiến đấu “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” của quân và dân ta tại trận địa lửa cầu Cấm đã góp phần đảm bảo hoạt động vận chuyển vào chiến trường miền Nam được thông suốt, góp phần giành thắng lợi tại chiến trường miền Nam buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/01/1973.
Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, trên mặt trận giao thông vận tải, quân dân Nghệ An đã góp phần cùng quân dân cả nước và trong tỉnh, đập tan âm mưu biến cầu Cấm thành “điểm chết”, cắt đứt mạch máu giao thông Bắc – Nam, chặn đứng sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam của đế quốc Mỹ. Cầu Cấm trở thành một trong những biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đó là biểu tượng của một thế hệ thanh niên Việt Nam sống có lý tưởng, có trách nhiệm, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; một hậu phương miền Bắc hừng hực khí thế, sẵn sàng hy sinh, dồn sức chi viện miền Nam ruột thịt; một Nghệ An kiên cường cùng quân dân cả nước chiến đấu chống lại một tên đế quốc xâm lược hùng mạnh nhất thế giới.
Đặc biệt, những đóng góp, sự hy sinh của 35 chiến sỹ bộ đội và thanh niên xung phong tại trận địa C2 ở cầu Cấm (ngày 05/02/1967) là biểu tượng cao đẹp cho thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Thời gian trôi đi nhưng lịch sử hào hùng vẫn còn đó, dấu ấn đậm nét của trận địa cầu Cấm oanh liệt và sự hy sinh to lớn của quân và dân Nghệ An đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất, luôn nắm vững đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết toàn dân, kết chặt chẽ lực lượng quân – dân trong chiến tranh cách mạng. Chăm lo xây dựng căn cứ hậu phương kháng chiến vững chắc, trong xây dựng các căn cứ hậu phương đặc biệt chú trọng xây dựng các căn cứ địa vững chắc là căn cứ kháng chiến của tỉnh cũng như của toàn quân khu.
Thứ hai, thường xuyên nắm vững, quán triệt sâu sắc, chấp hành triệt để đường lối cách mạng, quan điểm quân sự và nhiệm vụ quốc phòng của Đảng. Từ đó, đặt lên hàng đầu công tác xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; chăm lo giáo dục rèn luyện đảng viên gắn liền với xây dựng đội ngũ cán bộ tiền phong gương mẫu, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên và trong lực lượng quần chúng cách mạng nhằm xây dựng đội quân chính trị vững mạnh, toàn diện. Xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân vững mạnh, kết hợp hiệu quả sản xuất và chiến đấu. Giữ vững thế tiến công cách mạng trong mọi tình huống. Quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Thứ tư, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân trên từng địa bàn, giải quyết tốt mối quan hệ hậu phương với tiền tuyến, dân tộc với quốc tế của Đảng.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng tinh thần quả cảm, sự anh dũng, kiên cường của quân và dân ta, nhất là lực lượng thanh niên xung phong còn vang vọng mãi trong lòng mọi người dân Việt Nam. Đó là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam học tập và làm động lực để phấn đấu, cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình vào công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Trong mưa bom, bão đạn, cầu Cấm như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện ý chí quật cường và quyết tâm của quân và dân địa phương trong bảo vệ tuyến đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến và cùng với quân dân miền Bắc góp phần làm thất bại âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tìm hiểu về cầu Cấm không chỉ giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về trang sử hào hùng của dân tộc mà còn nhận thức sâu sắc hơn về những bài học kinh nghiệm được đúc kết 66 năm qua, đặc biệt bài học về vai trò lãnh đạo của Đảng, để vận dụng vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.