Trong vòng 48 giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách áp thuế đối ứng mới khiến thị trường toàn cầu chao đảo, Trung Quốc ngày 4/4 nhanh chóng đáp trả bằng loạt biện pháp áp thuế trả đũa nhắm vào hàng hóa và doanh nghiệp Mỹ.
Khi ông Trump ngày 7/4 tiếp tục tuyên bố sẽ nâng mức thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tổng cộng hơn 100%, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn không nhượng bộ.
Trong họp báo ngày 7/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho rằng việc Mỹ áp thuế với mọi đối tác thương mại, trong đó có Trung Quốc, đã "xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước, vi phạm quy định Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phá hoại hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và làm mất cân bằng trật tự kinh tế toàn cầu".
Ông Lâm khẳng định Trung Quốc "kiên quyết phản đối" động thái mang tính "đơn phương, bảo hộ và bắt nạt về kinh tế" của Mỹ, thêm rằng đòn thuế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang triển khai sẽ gây tổn thương cho Mỹ lẫn các nước khác.
"Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các bên để bảo vệ chủ nghĩa đa phương đích thực, cùng bảo vệ hệ thống thương mại đa phương với WTO làm hạt nhân, và bảo vệ công bằng, công lý quốc tế", ông Lâm nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định "nếu Mỹ kiên quyết làm theo ý mình, Trung Quốc cũng quyết đấu đến cùng".
Những thông điệp này được truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đăng tải, hướng đến cả dư luận trong và ngoài nước, cho thấy Bắc Kinh muốn xác định vị thế đối trọng với "kiểu hành xử đơn phương" mà Washington đang theo đuổi, theo giới quan sát.
Xưởng làm việc tại một công ty bảo trì tàu ở Chu Sơn, Trung Quốc, ngày 4/2. Ảnh: AFP
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần qua nhấn mạnh nước này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tiềm lực quốc gia để bước vào cuộc chiến thương mại lần hai với Tổng thống Trump, nhưng lần này sẽ vượt qua thử thách với vị thế mạnh mẽ hơn.
Global Times và People's Daily dẫn lại các bình luận từ truyền thông phương Tây, trong đó có Bloomberg, mô tả nền kinh tế Trung Quốc "đã được gia cố chống thương chiến". Các bài viết cũng nhấn mạnh Trung Quốc sau cuộc thương chiến đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Trump đã có nhiều bước tiến về tự chủ công nghệ và công nghiệp, điều chỉnh thị trường nội địa và hệ thống tài chính.
"Thuế quan của Mỹ sẽ gây tác động lớn, nhưng không phải thảm họa trời sập. Từ sau cuộc thương chiến lần thứ nhất vào năm 2017, dù Mỹ gây sức ép thế nào, Trung Quốc vẫn phát triển và tiến bộ, thể hiện sự kiên cường. Càng bị ép, chúng ta càng mạnh hơn", People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận hôm 6/4.
Bài viết được đăng lại trên trang nhất báo giấy của People's Daily vào ngày 7/4, khi ông Trump tuyên bố tăng thuế đối ứng với riêng Trung Quốc và sẽ ngừng mọi kênh đàm phán giữa hai nước.
Global Times, ấn phẩm tiếng Anh của People's Daily, ngày 8/4 cũng đăng bài xã luận chỉ trích Mỹ dùng thuế quan như công cụ gây sức ép chính trị. Bài viết nhấn mạnh các biện pháp đáp trả của Bắc Kinh nhằm thể hiện "quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền, an ninh, phát triển và gìn giữ công bằng, công lý quốc tế".
"Hành vi gây sức ép bằng thuế sẽ không thể hù dọa Trung Quốc, không thể làm công lý lung lay. Trung Quốc không tìm kiếm rắc rối, nhưng rắc rối cũng không thể làm Trung Quốc nản chí. Các biện pháp đáp trả không nhằm đối đầu, mà để bảo vệ công bằng", bài viết nhấn mạnh.
Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 2/4, công bố chính sách áp thuế đối ứng với hầu hết đối tác kinh tế Mỹ. Ảnh: Reuters
Truyền thông nhà nước Trung Quốc còn đăng thông điệp lập luận việc ông Trump áp thuế lên khoảng 180 đối tác thương mại toàn cầu không đơn thuần là chiến thuật đàm phán, mà nhằm định hình lại trật tự thương mại thế giới, đồng thời cảnh báo những đứt gãy trong chuỗi liên kết thương mại có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho chính nước Mỹ.
Global Times bày tỏ lo ngại về tác động từ cuộc đấu thuế toàn cầu lên những quy tắc cốt lõi của WTO, hệ thống thương mại thế giới, chuỗi cung ứng quốc tế và kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
"Các thông điệp này cho thấy Trung Quốc muốn chỉ ra rằng Mỹ đang phạm sai lầm, tự làm suy yếu vị thế toàn cầu của mình. Các lãnh đạo Trung Quốc không muốn tỏ ra bị động trước Mỹ", Ryan Hass, nhà nghiên cứu thuộc Viện Brookings ở Washington, bình luận.
Theo Hass, các cuộc thảo luận chính sách tại Trung Quốc hiện nay tập trung vào hai kịch bản, là thế giới đang bước vào giai đoạn phân tách thành các khối đối đầu nhau, hoặc chuyển tiếp sang kỷ nguyên toàn cầu hóa mà không có Mỹ tham gia.
Trung Quốc đang đẩy mạnh đối thoại kinh tế với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia đồng minh truyền thống của Mỹ vừa bị áp thuế đối ứng lần lượt là 24% và 25%. Bắc Kinh cũng tăng cường đối thoại kinh tế với Liên minh châu Âu (EU), sau khi khối này bị áp thuế 20% cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Điều này cho thấy Trung Quốc đang hướng nhiều hơn tới kịch bản thứ hai, theo Hass. Các chuyên gia Trung Quốc cũng ủng hộ quan điểm khủng hoảng thương mại toàn cầu là cơ hội để Trung Quốc khẳng định vị thế của mình.
"Trung Quốc đang phát đi thông điệp quan trọng đến thế giới: Chúng ta không thể nhân nhượng, vì càng nhượng bộ càng bị ép thêm", giáo sư Liu Zhiqin, Viện Nghiên cứu Tài chính thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định trên đài truyền hình nhà nước CCTV.
"Trung Quốc và Mỹ giờ đây là đối thủ trực tiếp trong định hình trật tự thương mại quốc tế. Trung Quốc sẵn sàng nhận lời thách đấu", giáo sư Ju Jiandong thuộc Đại học Thanh Hoa khẳng định.
Thứ trưởng Thương mại Ling Ji hôm 6/4 tiếp các đại diện của giới doanh nghiệp Mỹ, trong đó có những tập đoàn hàng đầu như Tesla và GE HealthCare, kêu gọi họ "đóng vai trò tiếng nói lý trí" và "hành động thiết thực để ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu".
"Dù môi trường quốc tế thay đổi, Trung Quốc, với vị thế nền kinh tế và thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới, sẽ tiếp tục mở rộng cánh cửa hội nhập", Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.