(VNTV). Đối mặt cơ chế thuế hai tầng của Mỹ (4/2025), Ấn Độ ứng phó với mức thuế 26% bằng chiến lược cân bằng giữa đàm phán và tự vệ. Khác Bắc Kinh, New Delhi hạn chế trả đũa, bảo vệ quan hệ công nghệ-quốc phòng, đồng thời đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Thương mại song phương. Chiến lược đa tầng này phản ánh tư duy ngoại giao linh hoạt của cường quốc đang lên, tối ưu lợi ích mà tránh đối đầu trực diện trước chủ nghĩa bảo hộ Mỹ.

Trong bối cảnh chính quyền Trump triển khai triệt để chính sách "America First", ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ đơn phương áp dụng cơ chế thuế quan hai tầng gây chấn động: (1) Mức thuế cơ bản 10% áp dụng từ 5/4 cho hầu hết đối tác, và (2) Mức thuế "đối ứng" (reciprocal tariff) có hiệu lực từ 9/4, nhưng sau đó lại tạm hoãn trong 90 ngày, mức thuế được tính theo công thức "50% thặng dư thương mại của nước đó với Mỹ so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ", bất chấp việc các nước có FTA với Mỹ như Hàn Quốc, Israel cũng không được miễn trừ [1]. Với thâm hụt thương mại Mỹ - Ấn năm 2024 là 52.24%, Ấn Độ chịu thuế 26% – cao thứ 4 trong số 57 quốc gia bị áp,[2]. Sắc lệnh hành pháp của Trump đi kèm cảnh báo: "Bất kỳ biện pháp trả đũa nào sẽ dẫn đến điều chỉnh thuế tiếp theo", phản ánh tư duy "thâm hụt thương mại là mối đe dọa an ninh quốc gia" cùng tham vọng phục hồi tỷ trọng sản xuất Mỹ lên 28.4% như năm 2001[3]. Điều này phá vỡ nguyên tắc Đãi ngộ Tối huệ quốc (MFN) của WTO – vốn cấm phân biệt đối xử giữa các thành viên.

Phản ứng toàn cầu

Cho đến hiện tại chính sách thuế quan "đối ứng" do chính quyền Tổng thống Trump áp đặt đã dẫn đến phản ứng phân hóa và gia tăng từ các đối tác thương mại chủ chốt. Trong khi phần lớn quốc gia (bao gồm Ấn Độ) lựa chọn biện pháp thận trọng như khiếu kiện tại WTO và áp thuế bảo hộ có giới hạn, Trung Quốc đã leo thang căng thẳng bằng cách nâng thuế bổ sung đối với hàng hóa Mỹ qua ba giai đoạn: 34% (10/4), 84% (15/4), và 125% (20/4), kèm theo lệnh kiểm soát xuất khẩu đất hiếm – nhóm hàng Mỹ nhập khẩu 90% từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, động thái này chủ yếu mang tính chính trị do giá trị đất hiếm chỉ chiếm 0,01% tổng kim ngạch thương mại Trung-Mỹ. Cùng thời điểm, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi kiện Mỹ tại WTO và lên kế hoạch áp thuế trả đũa lên mặt hàng rượu vang (15%) và phô mai (20%). Canada và Mexico phản ứng bằng cách tăng thuế nhập khẩu 25% đối với thép, nhôm và nông sản Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về sự xói mòn hệ thống thương mại đa phương, các nước ASEAN, Brazil và Nga áp dụng chiến lược kép: vừa đề xuất cơ chế miễn trừ tự nguyện, vừa thúc đẩy đối thoại song phương để giảm thiểu thiệt hại.

Diễn biến trên làm nổi bật rủi ro khi đối đầu trực tiếp với chính quyền Trump, đặc biệt đối với Ấn Độ – quốc gia đang phụ thuộc sâu vào công nghệ và vũ khí Mỹ. Năm 2021, New Delhi nhập khẩu 857,9 triệu USD thiết bị quân sự-công nghệ cao thuộc diện kiểm soát của ITAR (Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí Hoa Kỳ). Điều này khiến Ấn Độ nhận thức rõ rằng bất kỳ hành động trả đũa nào cũng có thể dẫn đến việc Mỹ siết chặt xuất khẩu công nghệ, đe dọa mục tiêu của Ấn Độ trở thành "trung tâm công nghiệp - quốc phòng" để đối trọng với Trung Quốc.

Chiến lược của Ấn Độ: Từ né đòn thuế đến kiến tạo thế cân bằng

Trong bối cảnh Tổng thống Trump đơn phương áp dụng mức thuế trả đũa 26 % đối với hàng hóa Ấn Độ vào tháng 4/2025, New Delhi đã theo đuổi một chiến lược khác biệt so với phản ứng cứng rắn của Bắc Kinh, thể hiện qua ba nội dung chính sau:

Một là, thận trọng và quan sát chủ động

Trái với Trung Quốc, Ấn Độ không vội vàng phát đi tuyên bố phản đối hay đáp trả ngay lập tức. Ở giai đoạn này, giới phân tích trong nước có ý kiến cho rằng mức thuế Mỹ dành cho Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh khác cao hơn, tạo cơ hội để Ấn Độ gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, quan điểm đó mâu thuẫn với mục tiêu khẳng định vai trò dẫn dắt “phương Nam toàn cầu” của New Delhi, nên chính phủ Ấn Độ vẫn duy trì lập trường trung lập, theo dõi sát diễn biến và đánh giá tác động toàn diện trước khi quyết định bước đi tiếp theo.

Hai là, kiềm chế trả đũa bằng thuế

Việc Ấn Độ lựa chọn không sử dụng biện pháp thuế quan đáp trả vì hai lý do chủ yếu: Thứ nhất, Ấn Độ phụ thuộc vào công nghệ và hợp tác quốc phòng với Mỹ. Từ năm 2019–2021, Ấn Độ nhập khẩu thiết bị và linh kiện kiểm soát theo ITAR trị giá hàng trăm triệu USD[4]. Một phản ứng thuế quan mạnh mẽ có thể kích hoạt các sắc lệnh hành pháp cấm xuất khẩu công nghệ then chốt từ Chính quyền Trump, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu tự chủ quốc phòng của New Delhi. Thứ hai, duy trì quan hệ ổn định với Mỹ nằm trong mục tiêu đa phương hóa quan hệ quốc tế của New Delhi. Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng một trật tự đa cực, trong đó Mỹ vừa là đối tác quan trọng để cân bằng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, vừa là nguồn hỗ trợ công nghệ và đầu tư chiến lược.

Ba là, đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA): kiên nhẫn và minh bạch

Ngày 07/4/2025, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chính thức công bố khởi động đàm phán BTA với Mỹ[5]. Tuy nhiên, New Delhi tiếp cận với tinh thần chắc chắn và thận trọng, thể hiện trên ba khía cạnh:

Thứ nhất, không vội vàng ký kết. Ấn Độ nhận thức rằng, ngay cả khi BTA được thông qua, Trump vẫn có thể viện dẫn thâm hụt thương mại để tiếp tục áp thuế thuế trả đũa.

Thứ hai, đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng về mục tiêu. Bài học từ vòng đàm phán với Nhật Bản – khi Trump bất ngờ tuyên bố thành công trên mạng xã hội[6] – cho thấy sự tham gia trực tiếp và cam kết rõ ràng của tổng thống Mỹ là yếu tố then chốt để thỏa thuận có hiệu lực.

Thứ ba, đảm bảo tính pháp lý và thống nhất trong nội bộ. Mọi thỏa thuận phải được Quốc hội Ấn Độ phê chuẩn, nhằm tránh tình trạng “bất ngờ” với dư luận và bảo đảm sự đồng thuận chính trị về nội dung ký kết.

Mặc dù không chọn đối đầu trực diện, New Delhi vẫn đứng trước hai nguy cơ đáng lưu ý: Một là, Trump có thể nâng mức thuế trả đũa nếu thâm hụt thương mại Mỹ–Ấn không cải thiện, bất chấp tiến trình đàm phán BTA. Hai là, nếu vòng đàm phán thiếu sự tham gia và cam kết trực tiếp từ phía tổng thống Mỹ, thỏa thuận dễ rơi vào tình trạng “chết yểu” do chính sách bất định và biến động trong quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng.

Tóm lại: trước làn sóng bảo hộ từ Washington, Ấn Độ thể hiện tư duy "ngoại giao kinh tế đa tầng" với ba khía cạnh: (1) Duy trì đối thoại để giảm thiểu xung đột trực tiếp; (2) Tận dụng cơ hội từ việc các nước khác bị áp thuế cao hơn để chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu sang Mỹ; (3) Linh hoạt điều chỉnh chính sách thuế, kết hợp bảo hộ có chọn lọc và mở cửa chiến lược. Cách tiếp cận này phản ánh tầm nhìn của một cường quốc đang lên – không sa vào đối đầu trực diện nhưng vẫn giữ vững lợi ích cốt lõi, đồng thời học hỏi từ bài học "đòn bẩy mềm" của ASEAN trong ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ Mỹ.


[1] https://ustr.gov/issue-areas/presidential-tariff-actions

[2] https://economictimes.indiatimes.com/news/economy/foreign-trade/us-suspends-additional-26-tariff-on-india-till-july-9-white-house/articleshow/120170428.cms?from=mdr

[3] https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/04/fact-sheet-president-donald-j-trump-declares-national-emergency-to-increase-our-competitive-edge-protect-our-sovereignty-and-strengthen-our-national-and-economic-security/

[4] https://www.bis.doc.gov/index.php/country-papers/3024-2021-statistical-analysis-of-u-s-trade-with-india/file#:~:text=5-,In%202021%2C%20U.S.%20exports%20to%20India%20shipped%20under%20a%20BIS,at%20$9.5%20million%20(2.9%25)

[5] https://www.thehindu.com/news/national/significant-progress-in-bilateral-trade-agreement-talks-as-modi-welcomes-vance/article69475805.ece

[6] https://www.reuters.com/world/japan-set-kick-off-tariff-talks-washington-2025-04-16/