Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là một sự kiện vĩ đại, để lại những dấu ấn nổi bật trong lịch sử, có tầm ảnh hưởng quyết định đến chiều hướng phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Sự kiện mang tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy là nỗ lực quân sự, chính trị lớn nhất của quân và dân ta.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và chính quyền, quân đội Việt Nam Cộng hoà đang triển khai tổng lực chiến lược Chiến tranh Cục bộ với 485.000 quân chiến đấu Hoa Kỳ, hơn 57.000 quân các nước Đồng minh Hoa Kỳ (Úc, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines…) và hơn 520.000 quân Việt Nam Cộng hoà, đã thực hiện trên quy mô lớn hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 bằng các biện pháp tìm diệt và bình định.
Cố gắng quân sự cao nhất của Hoa Kỳ trên thực tế đã không đạt được các mục tiêu đề ra, khiến cho Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Chỉ huy quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”. Có tiếp tục mở cuộc phản công chiến lược lần thứ 3 nữa hay không? Có tiếp tục tăng quân cho chiến trường miền Nam Việt Nam theo như đề nghị của Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam là Tướng Westmoreland nữa hay không? Có tiếp tục duy trì nhịp độ ném bom, bắn phá ác liệt miền Bắc như thời gian qua hay không?...
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã làm cho Hoa Kỳ phải nhận ra một sự thật là sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ có hạn, Hoa Kỳ không thể giành chiến thắng bằng quân sự trong cuộc chiến tranh này, từ đó phải xuống thang chiến tranh, mở đầu quá trình đi xuống về chiến lược.
Tổng thống Johnson quyết định đề nghị đàm phán một cách thực chất với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để tìm giải pháp kết thúc chiến tranh. Trong những năm 1965, 1966, 1967, Hoa Kỳ đã hơn 40 lần đề xuất, đưa ra các kế hoạch hoà bình, đã thông qua một số nước, một số cá nhân làm trung gian chuyển đề nghị đàm phán cho Việt Nam. Tổng thống Johnson cũng từng gửi thư trực tiếp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này. Tuy nhiên, đó đều là các đề nghị không thực chất, mang tính tuyên truyền vì Hoa Kỳ luôn kèm theo các điều kiện phía Việt Nam sẽ không chấp nhận. Một trong những điều kiện đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngừng đưa lực lượng quân đội từ miền Bắc vào miền Nam, rút hết các lực lượng miền Bắc ra khỏi miền Nam; lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngừng tiến công các căn cứ của Mỹ. Trong khi đó, Hoa Kỳ không đả động gì đên việc rút quân và ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, nhận thấy không có khả năng thắng bằng quân sự, lại bị dư luận chính giới và nhân dân Hoa Kỳ phản đối quyết liệt, nên Tổng thống Johnson mới đưa ra đề nghị đàm phán ngày 31/3/1968. Trong hồi ký của mình, Johnson cho rằng đó là một quyết định đúng đắn, chấm dứt sự chia rẽ nội bộ Hoa Kỳ, mở ra con đường cho Hoa Kỳ rút khỏi vũng lầy Việt Nam.
Quyết định hạn chế ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra miền Bắc của Johnson cũng đáp ứng một phần đề nghị của Việt Nam về điều kiện Việt Nam ngồi đàm phán. Chỉ có chấm dứt các bước leo thang quân sự mới cho thấy Hoa Kỳ thực lòng hơn trong đề xuất các giải pháp hòa bình.
Sài Gòn-Chợ Lớn tan hoang trong chiến sự (Ảnh tư liệu)
Cố gắng quân sự lớn nhất, quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta
Tổng tiến công và nổi dậy là cuộc tiến công có quy mô lớn nhất, với lực lượng tham gia đông nhất, đánh vào nhiều mục tiêu nhất, trên phạm vi rộng lớn nhất.
Cuối năm 1964, đầu năm 1965, Trung ương Đảng chủ trương, đánh đổ chính quyền, quân đội Sài Gòn, giành thắng lợi quyết định. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm đó, Hoa Kỳ ồ ạt đổ quân vào miền Nam trong khi thực lực của các lực lượng vũ trang cách mạng còn chưa đủ mạnh nên chưa thể mở cuộc tổng tiến công.
Đến cuối năm 1967, thế và lực của cách mạng đã lớn mạnh, đã đủ sức đương đầu với các cuộc phản công chiến lược của hàng chục vạn quân Hoa Kỳ và Đồng minh, quân đội Sài Gòn, nên Đảng đã có một quyết định táo bạo là tập trung toàn bộ lực lượng thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào hầu hết các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam.
Bộ Chính trị, Trung ương Đảng hạ quyết tâm giành thắng lợi quyết định với các nội dung chủ yếu: tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội Sài Gòn, đánh đổ chính quyền các cấp của địch, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng đại bộ phận nông thôn…buộc Hoa Kỳ phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam, ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc.
Mục tiêu giành thắng lợi quyết định ở đây cần được hiểu là thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, đều khắp và rộng lớn để buộc Hoa Kỳ thấy rõ không thể dùng sức mạnh quân sự để thắng trong cuộc chiến tranh, tiến tới đánh bại ý chí ý chí xâm lược của Hoa kỳ.
Việc lựa chọn mục tiêu tiến công là các thành phố, thị xã, căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng… cũng thể hiện quyết tâm của Đảng đánh vào nơi mạnh nhất của kẻ thù để tạo nên hiệu ứng cao nhất.
Sự phát triển lên đến đỉnh cao nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh của Đảng
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ nhất xét về quy mô thời gian chuẩn bị và không gian diễn ra chiến sự.
Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà đã hoàn toàn bị bất ngờ cho đến khi tiếng súng Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra. Kẻ địch đã hoàn toàn bị choáng váng về thời điểm quân và dân ta nổ súng. Quy mô tiến công đồng loạt trên toàn miền Nam cũng gây cho địch bất ngờ lớn bởi sự chỉ đạo và chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giữ được hoàn toàn bí mật. Một bộ phận không nhỏ dân chúng đã âm thầm ủng hộ, giúp đỡ, che dấu các hoạt động chuẩn bị cho cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng.
Người dân Hoa Kỳ xuống đường đòi đưa con em họ về nước (Ảnh tư liệu)
Hoạt động nghi binh chiến lược cho Tổng tiến công và nổi dậy đạt được hiệu quả cao. Đây là một thành công lớn, xuất sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng. Một loạt các hoạt động nghi binh được triển khai, trong đó lớn nhất là việc mở Chiến dich Khe Sanh; đề nghị ngừng bắn nhân dịp Tết Nguyên đán của Mặt trận dân tộc giải phóng; Phóng thích tù binh phi công Hoa Kỳ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội đi chữa bệnh, an dưỡng ở nước ngoài trong dịp này…đã cơ bản đánh lạc hướng sự phán đoán, chuẩn bị đối phó của địch.
Chủ trương, kế hoạch đánh vào nơi mạnh nhất, nhưng nhạy cảm nhất của kẻ thù để tạo ra hiệu ứng lớn nhất. Quân và dân miền Nam đã đồng loạt tiến công vào tất cả các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và 37/44 tỉnh lỵ trên toàn miền Nam. Ở Sài Gòn, các mục tiêu như Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, Tổng Nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài Phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Đại sứ quán Hoa Kỳ… đã được xác định là các mục tiêu ưu tiên tiến công. Điều này gây bất ngờ không thể tưởng tượng được cho Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, thực sự tạo ra hiệu ứng rung chuyển Nhà Trắng.
Tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam mạnh mẽ nhất nội bộ Hoa Kỳ và trên thế giới
Cho đến Mậu Thân, phần đông người dân Hoa Kỳ qua bộ máy tuyên truyền đều tin rằng cuộc chiến tranh Việt Nam mà chính quyền Hoa Kỳ đang tiến hành đang tiến triển thuận lợi.
Rồi Mậu Thân đến, hình ảnh, tin tức về thực tế khốc liệt của cuộc chiến đấu ở các đô thị, sự thương vong của lính Mỹ ngày càng tăng, các mục tiêu được coi là bất khả xâm phạm, là an toàn của Hoa Kỳ và chế độ Sài Gòn bị tiến công, thành phố Huế lọt vào tay Quân Giải phóng tới 25 ngày đêm…
Hình ảnh Đại sứ quán Hoa Kỳ được mệnh danh bất khả xâm phạm tan hoang sau cuộc tiến công của biệt động Sài Gòn, hình ảnh hàng dài quan tài phủ quốc kỳ Hoa Kỳ xếp hàng chờ đưa về nước, hình ảnh tướng cảnh sát Sài Gòn Nguyễn Ngọc Loan bắn thẳng vào đầu tù binh Việt Cộng… được đưa tin nhanh chóng, được truyền hình trực tiếp đến từng gia đình người dân Hoa Kỳ đã khiến cho dư luận nổi sóng. Người dân nhận ra rằng đã bị Chính phủ lừa dối bao nhiêu năm qua. Họ không thể không nổi giận.
Sự phản ứng của dư luận Hoa Kỳ thể hiện qua phong trào phản chiến rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân, cho thấy hiệu ứng lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Phong trào phản chiến ngày càng mạnh đã góp phần quan trọng “trói tay” Nhà Trắng, buộc Tổng thống Johnson phải quyết định xuống thang chiến tranh, đề nghị đàm phán, rút dân quân chiến đấu khỏi miền Nam Việt Nam và ký Hiệp định Paris.
Lê Minh