Kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Trong bối cảnh đó, tản cư cũng là góp phần thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa bao lâu, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trở lại Việt Nam. Với khát vọng độc lập, tự do, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đàm phán ngoại giao với Chính phủ Pháp nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho dân tộc nhưng đã bị phía Pháp khước từ. Trong hoàn cảnh không còn sự lựa chọn nào khác, 20 giờ 30 phút ngày 19/12/1946, Trung ương Đảng quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.
Trong hai tháng mở đầu toàn quốc kháng chiến (12/1946 - 2/1947), nhằm bảo đảm tính mạng cho nhân dân, Trung ương Đảng đã lãnh đạo thực hiện cuộc di chuyển nhân dân ra khỏi vùng có chiến sự - đặc biệt là tại các thành phố, thị xã, đến các vùng hậu phương, căn cứ địa kháng chiến. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn và cần tính tổ chức cao.
Bước chuẩn bị
Với tầm nhìn chiến lược, ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Trung ương Đảng ở lại Việt Bắc chỉ đạo việc xây dựng căn cứ hậu phương phục vụ kháng chiến. Cuối tháng 10/1946, sau khi vừa ở Pháp về, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng các đội công tác lên Việt Bắc để chuẩn bị cho việc xây dựng an toàn khu (ATK). Từ tháng 5/1946, Chính phủ lập Nha tiếp tế (trực thuộc Bộ Kinh tế) có nhiệm vụ thu mua và dự trữ thóc gạo. Ngoài ra, Chính phủ quyết định thành lập cơ quan phân tán muối (trực thuộc Bộ Tài chính) và các bộ phận phân tán lương thực.
Một đơn vị nhỏ của Trung đoàn Thủ đô cùng nhân dân Liên khu phố I sơ tán khỏi Hà Nội ngày 18/2/1947 lên chiến khu kháng chiến trường kỳ (Ảnh tư liệu TTXVN)
Căn cứ vào đường lối kháng chiến của Đảng, với tinh thần chủ động, tích cực, ngay từ đầu tháng 9/1945 khi quân Pháp kéo vào miền Nam, phần lớn các đơn vị bộ đội tập trung đã được lệnh rút ra ngoại ô. Một số máy móc như máy in, máy điện bắt đầu được di chuyển ra khỏi thành phố. Ngày 23/9/1945, khi quân Pháp gây chiến, lực lượng cách mạng đã tổ chức cho nhân dân tản cư khỏi thành phố Sài Gòn, trong thành phố chỉ có lực lượng tự vệ, chủ yếu là lực lượng tự vệ công đoàn. Đầu tháng 10/1946, tranh thủ thời gian ngừng bắn, các địa phương tiếp tục chuyển nhân dân, cơ quan, kho tàng, máy móc ra vùng tự do.
Ở miền Bắc, trên thực tế, quá trình di chuyển cũng đã được bắt đầu thực hiện từ cuối năm 1945. Đến cuối tháng 11/1946, khi tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, khi thực dân Pháp đã gây xung đột một số nơi, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đã chủ động từng bước đưa nhân dân đi sơ tán. Ở các thành phố, thị xã lớn đông dân như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, tuy gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, phương tiện, song các cấp chính quyền đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện việc di tản đồng bào ra khỏi vùng chiến sự và có nguy cơ thực dân Pháp đánh chiếm.
Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, nhận thức rõ tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh, để bảo đảm tính mạng và tài sản cho nhân dân ở các vùng có chiến sự - đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã; Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương di tản nhân dân về các vùng hậu phương và các căn cứ địa.
Để khẳng định đây là một chủ trương lớn trong cuộc kháng chiến, ngày 31/12/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 5/SL thành lập Ủy ban tản cư, di cư Trung ương, với sự tham gia của đại diện các bộ: Nội vụ, Canh nông, Kinh tế, Y tế. Sắc lệnh số 5/SL cũng chỉ thị cho Ủy ban tản cư, di cư các địa phương có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch tản cư, di cư tại địa phương mình.
Ngày 12/01/1947, Chính phủ thành lập Ủy ban tản cư, di cư Bắc Bộ và được cấp kinh phí hoạt động là 30 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 22/01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 8/SL, cử các thành viên của Ủy ban tản cư, di cư Bắc Bộ do ông Bùi Bằng Đoàn làm Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tố làm Phó Chủ tịch, ông Phan Anh làm thư ký và 8 ủy viên của các bộ liên quan.
Tản cư cũng là kháng chiến
Thực hiện chủ trương của Đảng, nhân dân ở các thành phố, thị xã, đều sẵn sàng hy sinh tài sản, cửa nhà, không chịu hợp tác với giặc, đi tản cư. Tại Hà Nội, ngay trong đêm ngày 19/12/1946, các đội trật tự đã hướng dẫn hàng vạn đồng bào còn lại ở các khu phố chưa kịp tản cư gồm chủ yếu là người già, trẻ em, phụ nữ, thoát ra khỏi vùng chiến sự đến những vùng an toàn như: thị xã Hà Đông, Hà Nam, Sơn Tây, Phúc Yên… Nhận thức rõ chủ trương của Đảng và Chính phủ, nhân dân đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống thành thị, rời bỏ khu phố thân yêu để đi tản cư. Tính chung trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Ủy ban tản cư, di cư Hà Nội đã tổ chức cho 6.000 đồng bào tản cư.
Ngày 15/01/1947, khi chiến sự ngày càng ác liệt, để tránh thương vong cho đồng bào, bằng con đường ngoại giao khéo léo, Ủy ban tản cư, di cư Hà Nội đã đưa nhiều đồng bào và hàng nghìn ngoại kiều (chủ yếu là người Hoa) tản cư công khai ra khỏi thành phố an toàn[1]. Hàng triệu đồng bào, trong đó có cả các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng đã nghe theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Chính phủ, tản cư ra vùng tự do, lên căn cứ địa để tham gia kháng chiến. Song song với chỉ đạo tản cư, Chính phủ Trung ương và chính quyền ở các địa phương đã tổ chức thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhằm ngăn chặn bước tiến và không để cho quân Pháp lợi dụng cơ sở vật chất của ta.
Một bộ phận cán bộ, công chức Bộ Nội vụ trên chiến khu, năm 1947 (Ảnh tư liệu)
Tại các thành phố, thị xã ở các địa phương khác như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, từ cuối tháng 12/1946, Ủy ban tản cư, di cư phối hợp với chính quyền và các đoàn thể ở các địa phương đã tổ chức, hướng dẫn di chuyển hàng chục vạn đồng bào cùng tài sản gia đình ra khỏi các vùng chiến sự về các vùng nông thôn an toàn.
Tại các vùng tương đối an toàn như Ninh Bình, Hòa Bình, Ủy ban tản cư, di cư chủ yếu làm nhiệm vụ tổ chức đón tiếp đồng bào tản cư đến. Tại các vùng có đồng bào tản cư đến, nhân dân địa phương đều sẵn sàng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho đồng bào tản cư nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Cùng với việc tổ chức cho đồng bào tản cư, nhiệm vụ quan trọng và cũng là khó khăn lớn đặt ra là phải chăm lo chỗ ăn, ở và tổ chức lao động, sản xuất cho nhân dân để duy trì, đảm bảo cuộc sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác tản cư và chăm lo cho đồng bào tản cư. Trước khi lên Việt Bắc, ngày 10/02/1947, Người đến huyện Nho Quan dự Hội nghị bàn việc tổ chức giúp đỡ đồng bào tản cư do Bộ Canh nông và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Ninh Bình tổ chức. Ngày 17/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào tản cư, kêu gọi tản cư cũng là kháng chiến, tản cư cũng phải tăng gia sản xuất. Người nhắc nhở đồng bào nhanh chóng ổn định đời sống, ai nấy đều có việc làm, vừa sản xuất tự túc, vừa đóng góp cho kháng chiến. Người căn dặn đồng bào tản cư phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn, gian khổ, siêng năng và tiết kiệm.
Từ ngày 18 đến 21/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới làm việc và thăm cán bộ, bộ đội, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, động viên cán bộ và nhân dân xây dựng hậu phương vững chắc phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài.
Ủy ban tản cư, di cư và chính quyền các địa phương vùng tự do đã nhanh chóng sắp xếp và tổ chức hoạt động sản xuất cho nhân dân tản cư để ổn định đời sống. Riêng tỉnh Thái Nguyên, tính đến tháng 2/1947, đã tiếp nhận 12.000 đồng bào các tỉnh tản cư đến. Tỉnh Ninh Bình, tại Hội nghị giúp đỡ đồng bào tản cư tổ chức ngày 10/02/1947, đã có 27 đại biểu nhận giúp đỡ 885 đồng bào và góp 48 tấn thóc, 110 mẫu ruộng để giúp đồng bào sản xuất. Các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên, đã đón tiếp 20 cơ quan đoàn thể và trên 6 vạn đồng bào từ Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La tản cư đến… Tính chung cả miền Bắc và miền Trung, các địa phương đã tổ chức hơn 500 trại sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hơn 70.000 đồng bào tản cư[2].
Nhân dân các vùng tự do, với tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách” đã thành lập các ban đón tiếp đồng bào tản cư, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào tản cư có nơi ăn, chốn ở, việc làm. Đồng bào tản cư về các địa phương, được nhân dân giúp đỡ, sống chan hòa trong tình yêu thương, đùm bọc, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng chung sức đánh giặc. Đây là bức tranh sinh động về tình đoàn kết toàn dân kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Như vậy, tổ chức tản cư, đảm bảo an toàn về tính mạng, ổn định đời sống cho nhân dân trong giai đoạn đầu toàn quốc kháng chiến là một chủ trương đúng đắn của Đảng. Thành công của công tác tản cư, di cư chính là biểu hiện cho truyền thống đoàn kết và tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam; là bước ổn định, chuẩn bị quan trọng về thực lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam.
Nhẫn Trần
[1] Ngô Hoàng Nam: “Vài nét về cuộc tản cư, di cư nhân dân ở Bắc Bộ trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1947)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1, 2013, tr.34-35
[2] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, tập 2: Toàn quốc kháng chiến, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.88.