Cùng với việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả nhân viên quân sự Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, đối phương thực hiện việc trao trả tù binh là bộ đội miền Bắc và nhân viên dân sự (tù chính trị) miền Nam
Trao trả tù binh miền Bắc
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội ta đã bị đối phương bắt giam. Một số ít tù binh là quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Khi bị bắt, tù binh bị phân loại đâu là “Cộng sản”, đâu là “Việt công” để thuận lợi cho việt xét hỏi, giam giữ.
Trước năm 1967, tù binh là bộ đội miền Bắc và quân giải phóng miền Nam Việt Nam bị Việt Nam Cộng hòa bắt giữ, giam cầm rải rác tại các địa phương khắp miền Nam.
Từ năm 1967 đến năm 1973, khi Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa xây dựng Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc, hầu hết tù binh bị đưa về giam giữ tại đây cho đến ngày trao trả. Lúc cao nhất, trại giam tù binh Phú Quốc giam cầm khoảng 40.000 tù binh cộng sản.
Tù binh tại trại giam Phú Quốc được trao trả từ ngày 15 đến hết ngày 24/3/1973. Trại C8 là trại cuối cùng, gồm gần 200 đồng chí, được trao trả ngày cuối cùng 24/3/1973.
Trong quá trình bị kẻ thù giam giữ, hàng nghìn tù binh đã hy sinh. Theo số liệu của Ban Liên lạc tù binh toàn quốc, Ban liên lạc đã cùng các đơn vị và chính quyền địa phương đã khai quật được 3.833 hài cốt tù binh tại Phú Quốc.
Trao trả tù binh chủ yếu tại bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị).
Tổng cộng, đã có có 26.492 tù binh là bộ đội miền Bắc đã được trao trả.
Những chiến sĩ chiến thắng trở về bên bờ sông Thạch Hãn (Ảnh tư liệu)
Trao trả tù chính trị (nhân viên dân sự miền Nam)
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng chục nghìn người yêu nước miền Nam đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt, giam cầm tại các nhà tù như Khám Lớn (Sài Gòn), Phú Tài (Bình Định), Phú Lợi (Biên Hòa), Cần Thơ… nhưng lớn nhất là tại Nhà tù Côn Đảo.
Số lượng tù chính trị không được kiểm kê hết, nhưng thường xuyên ở mức vài chục nghìn người, có những thời điểm, theo tố cáo của các dân biểu tiến bộ Sài Gòn đối lập chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, tù chính trị tại miền Nam lên đến hàng trăm nghìn người.
Mặc dù vậy, chính quyền Sài Gòn cho biết đến năm 1973, họ chỉ còn giam giữ 5.081 nhân viên dân sự, tức tù chính trị của phía cách mạng.
Việc trao trả tù chính trị được tiến hành tại nhiều nơi như Lộc Nnh (Bình Phước), Bồng Sơn (Bình Định), Thiện Ngôn (Tây Ninh), Tam Kỳ (Quảng Nam), Đức Nghiệp (Gia Lai)… nhưng chủ yếu là tại Lộc Ninh.
Tù chính trị tại miền Nam Việt Nam bị ngược đãi, tra tấn, đày ải, người ít thì vài tháng, vài năm, người nhiều thì chục năm, trong đó có nhiều người bị giam cầm tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo lên đến gần 20 năm (1957-1975).
Trong chế độ giam giữ tù chính trị tàn bạo tại miền Nam Việt Nam, chuồng cọp là một điển hình của sự tàn bạo đó, được dư luận phát hiện và phanh phui tháng 7/1970, gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.
Để che dấu tội ác trước dư luận, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, Việt Nam Cộng hòa đã âm thầm trả tự do cho 124 tù chính trị bị giam tại Nhà tù Côn Đảo. Những tù nhân này đã bị đối phương hành hạ cho đến tàn phế.
Từ ngày 12/2/1973, cùng ngày với việc trao trả tù binh Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn cũng bắt đầu trao trả tù binh và nhân viên dân sự.
Ngày 15/2/1973, có 904 nữ tù binh từng bị giam giữ nhà nhà lao Phú Tài, Bình Định, chuyển về trại giam Cần Thơ được trao trả tại Lộc Ninh.
Tổng cộng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhận lại 5.075 nhân viên dân sự.
Có một số tù nhân chính trị bị chính quyền Sài Gòn cố tình trì hoãn trảo trả, kéo dài sang năm 1974.
Một số vấn đề nảy sinh trước và trong quá trình trao trả
Trao trả tù binh, tù chính trị thực sự là một cuộc đấu tranh, đấu trí giữa ta và địch.
Đối phương đã gian lận tù chính trị, đánh tráo tù chính trị thành tù thường phạm với tội danh “gian nhân hiệp đảng”, kết án tù chính trị như tù thường phạm. Khi lập danh sách trao trả, địch cố tình gian lận, làm lại hồ sơ tù, nhằm giữ lại những tù nhân đấu tranh trung kiên, thể hiện khí phách người yêu nước.
Tù nhân đấu tranh kiên quyết, bằng nhiều hình thức, thậm chí hy sinh cả tính mạng trong cuộc đấu tranh đòi địch phải trao trả. Nổi bật là cuộc đấu tranh chống lăn tay, thay đổi hồ sơ của tù chính trị tại Côn Đảo, bị cai ngục đàn áp khốc liệt. Chính quyền Sài Gòn đã điều các đại đội, tiểu đoàn cánh sát dã chiến từ đất liền ra để thực hiện mưu đồ này. Có những tù nhân đã đấu tranh bằng hình thức tự mổ bụng để phản đối âm mưu của chính quyền Sài Gòn.
Các nữ tù chính trị chiến thắng trở về tại Lộc Ninh (Ảnh tư liệu)
Tuy nhiên, có những tù nhân chính trị nổi tiếng, kẻ địch không thể gian lận được, buộc phải trao trả dù không muốn, như trường hợp Võ Thị Thắng với câu nói nổi tiếng tại Tòa án của chính quyền Sài Gòn năm 1968 “Liệu chính quyền của các ông còn tồn tại 20 năm nữa để cầm tù tôi không ?”.
Chị Võ Thị Thắng được chính quyền Sài Gòn xếp vào loại tù thường phạm, không thuộc diện trao trả. Tuy nhiên, chúng ta đã đưa ra tất cả các tài liệu liên quan trong quá trình chính quyền Sài Gòn xét xử chị, cùng với quá trình tù đày của chị, nên cuối cùng chính quyền Sài Gòn đã buộc phải đưa Võ Thị Thắng vào danh sách, nhưng trì hoãn đến đầu năm 1974 mới chịu trao trả
Trong quá trình giam giữ tù binh, chính quyền Sài Gòn đã ra sức chiêu hồi, chiêu hàng. Không phải tất cả tù binh đều giữ được tấm lòng trung kiên với cách mạng. Trong cuộc đấu tranh gay go, ác liệt, một mất một còn với kẻ thù trong lao tù, cũng có những tù binh đã chiêu hồi ở mức độ này hay mức độ khác. Tại nhà tù Phú Quốc, có những khu trại dành riêng cho tù binh chịu “hồi chánh chính nghĩa quốc gia”. Những người này có cuộc sống tù đày, sinh hoạt thoải mái hơn. Một số thậm chí còn lao sâu hơn vào con đường phản cách mạng, làm tay sai cho đối phương.
Chính vì vậy, trong số 37.000 tù binh trong danh sách đối phương lập ra chuyển cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có trên 11.000 tù binh đã ở lại miền Nam, không trở về miền Bắc.
Kẻ thù âm mưu sử dụng trao trả tù binh, tù chính trị để cài những phần tử đã đầu hàng phản bội vào số được trao trả, âm mưu hoạt động phá hoại lâu dài. Tại sân bay Lộc Ninh, ta đã bắt và xử lý những phần tử này theo báo cáo của các đồng chí trung kiên.
Trong quá trình trao trả tù binh, đối phương cũng trà trộn nhiều phần tử đã chiêu hồi, chiêu hàng vào danh sách trao trả, khi ra đến địa điểm trao trả, số này tổ chức phá rối, trương nên nhiều băng cờ, khẩu hiệu “phản đối việc trở về miền Bắc cộng sản”, “muốn ở lại miền Nam tự do”…Điều này diễn ra tại bờ sông Thạch Hãn và sân bay Lộc Ninh, nhằm gây chú ý của các nhà báo quốc tế.
Chính quyền Sài Gòn chủ trương giữ lại những tù binh có cấp bậc, chức vụ cao trong quân giải phóng. Tuy nhiên, một điều khá lý thú là địch đã để sổng mất một “con cá to”, đó là đồng chí Trần Văn Trân, tức Ba Trân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 quân giải phóng, bị địch bắt tháng 2/1970. Nhờ sự nhanh trí, khôn khéo của đồng chí, cùng ý chí trung kiên của bạn tù, địch đã không thể lần ra lý lịch và trao trả đồng chí cùng những tù binh thường khác. Đồng chí khai là y tá của một đơn vị quân giải phóng, mang tên Nguyễn Văn Thương. Kẻ thù dù nghi ngờ nhưng không thể tìm ra lý lịch của đồng chí, buộc phải trao trả về miền Bắc ngày 18/3/1973. Chỉ khi thấy đồng chí được xe con đón rước, kẻ thù mới biết thì đã muộn. Mùa Xuân năm 1975, đồng chí Ba Trân tiếp tục chỉ huy Sư đoàn 341 trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn và sau này được phong cấp Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Về phía ta, trong quá trình trao trả tù binh Mỹ, ta cũng lường trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra, ảnh hưởng đến tiến trình trao trả và hính ảnh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sở dĩ có việc này vì hầu hết tù binh, tù chính trị của ta khi trao trả đã cởi bỏ ngay tại chỗ những bộ quần áo tù của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và mặc những bộ quần áo do ta chuẩn bị, hoặc ở trần, có ý phản đối chế độ giam cầm của nhà tù Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, nên ta cũng dự kiến trường hợp tù binh Mỹ làm việc tương tự khi trao trả, trước con mắt của báo chí quốc tế. Chính vì vậy, trước khi ra xe để chuyển đến sân bay Gia Lâm, tất cả tù binh Mỹ đều được quan triệt rất rõ ràng rằng, bất cứ một hành động nào gây mất trật tự cho cuộc trao trả, hoạt động trao trả sẽ ngay lập tức bị đình chỉ.
Có lẽ quán triệt rõ ràng như vậy, cùng với tâm lý muốn nhanh chóng trở về sau nhiều ngày bị bắt giam, nên tù binh Mỹ đã chấp hành rất nghiêm quy định của trại. Các cuộc trao trả tù binh Mỹ diễn ra trong trật tự, không xảy ra tình huống rắc rối nào.
Một số tù binh tại các trại lẻ, thiếu thông tin về Hiệp định Paris và việc trao trả tù binh, chẳng hạn như 900 tù binh trại giam Biên Hòa Đồng Nai không tin có việc trao trả tù binh, không chịu ra khỏi trại giam. Đoàn cán bộ ta tại Trại Đavít ở sân bay Tân Sơn Nhất phải cử cán bộ đến tận nơi, anh em tù binh mới ra xe về nơi trao trả.
Trai qua những ngày tháng bị giam cầm, đày ải, với Hiệp định Paris, những chiến sĩ cách mạng trung kiên đã chiến thắng trở về, nhiều người trong số đó đã tiếp tục sung vào các đơn vị chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bình Nguyễn