Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hàm chứa nhiều nội dung, giá trị của dân tộc, thời đại và nhân loại
Tuyên ngôn độc lập là áng văn lập quốc, văn kiện lịch sử quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (sau đây gọi tắt là Tuyên ngôn), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tuyên ngôn mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam và tuyên bố với toàn thế giới quyền độc lập, tự do đương nhiên, bất khả xâm phạm của Việt Nam vì: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập[1].
Tuyên ngôn ghi dấu ấn kết qủa thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Đảng sau 15 năm lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, và khởi điểm của một chế độ, nhà nước Việt Nam mới để đi đến sự hưng vượng hôm nay. Khẳng định đường lối đúng đắn mà Cương lĩnh Chính trị đầu tiên (2/1930) của Đảng đã đề ra, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, tư tưởng và con đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực. Tuyên ngôn cũng chứa đựng chân lý của nhân loại, thời đại; lịch sử của dân tộc Việt Nam hơn 80 năm bị thực dân xâm lược, đô hộ; khẳng định quyền được sống trong độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, vai trò và tính hợp pháp của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sự ưu việt của chế độ nhân dân… và mong muốn các quốc gia công nhận độc lập chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời thể hiện ý chí, trí tuệ của Hồ Chí Minh, truyền thống, khát vọng của dân tộc Việt Nam. Đó là điều làm nên sức sống trường tồn của Tuyên ngôn Độc lập trong hành trình phát triển của đất nước Việt Nam.
Tuyên ngôn do Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo trong một thời gian ngắn nhưng lại có quá trình chuẩn bị lâu dài và không chỉ là thành quả tích lũy lý luận, thực tiễn của Người hơn 30 năm tìm đường cứu nước, cứu dân, mà còn là khát vọng, những hy sinh và sự kiên cường chiến đấu của cả dân tộc Việt Nam
Tối ngày 25/8, lãnh tụ Hồ Chí Minh về đến Hà Nội, tạm thời ở tại số nhà 48 phố Hàng Ngang. Trong bối cảnh bộn bề các việc phải chuẩn bị cho ngày lễ tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Chỉ trong vòng 4 ngày (từ 26/8 – 29/8), Người đã hoàn thành dự thảo và ngày 30/8 đưa ra xin ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương, trao đổi cả với Thiếu tá tình báo Mỹ Patti, sau đó chỉnh sửa, hoàn tất và long trọng đọc trước quốc dân ngày 2/9/1945. Tuyên ngôn độc lập đã trở thành “áng thiên cổ hùng văn”, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng, giữa ý chí và hành động của một trí tuệ siêu phàm, tầm nhìn vượt thời đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh, người trọn đời hy sinh cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, nhân dân. Tuyên ngôn vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính quốc tế, vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Quảng cảnh Lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)
Tuy Tuyên ngôn được hoàn thành trong một thời gian ngắn, nhưng đó là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, tìm tòi, học hỏi suốt mấy chục năm của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Việc Người trích dẫn nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp hay những nhận định, phân tích về các cuộc cách mạng tiêu biểu trên thế giới, rút ra những bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam trong cuốn Đường Cách mệnh (1927), là những ví dụ cho sự chuẩn bị của Hồ Chí Minh. Đồng thời đó cũng là kết quả từ sự kiên trì, anh dũng chiến đấu của cả dân tộc Việt Nam với bao mất mát hy sinh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp - người được chứng kiến những giây phút Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập chia sẻ: Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc, hái quả của tám mươi năm đấu tranh[2] và “…Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người[3]. Với Người, thời gian viết Tuyên ngôn là những giờ phút sảng khoái nhất.
Tuyên ngôn khẳng định quyết tâm sắt đá: Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của thực dân Pháp… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy[4]. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh cho quyết tâm sắt đá đó cũng như khả năng dự báo thiên tài, tầm nhìn vượt thời đại của Người thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập.
Tuyên ngôn độc lập được viết bằng văn phong chính luận nhưng lời lẽ giản dị, dễ hiểu, có sức lôi cuốn mạnh mẽ
Tuyên ngôn độc lập được viết và đọc trong bối cảnh trên 90% dân số Việt Nam còn chưa biết đọc, biết viết. Thế nhưng, khi được nghe, hầu hết mọi người đều hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, đều phấn khởi, tự hào là người dân của một nước độc lập, từ nay làm chủ vận mệnh, cuộc sống của mình. Đây là một điểm khác biệt, thể hiện nét riêng của văn phong chính luận Hồ Chí Minh, cũng là thành công lớn lao, quan trọng của Bản Tuyên ngôn. Bằng ngôn từ súc tích, lập luận chặt chẽ, câu chữ rõ ràng, Tuyên ngôn thật dễ hiểu, gần dân. Chỉ bằng 3 câu văn ngắn gọn: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[5], Hồ Chí Minh đã khái quát hết hoàn cảnh ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đó là thành quả đấu tranh của toàn dân tộc với bao hy sinh, mất mát. Bên cạnh đó, chỉ bằng việc Hồ Chí Minh nhắc lại cụm từ “sự thật”, “sự thật là” nhiều lần, nhất là trong phần kết, Tuyên ngôn đã trở thành văn kiện mang tính pháp lý, khẳng định rõ ràng sự thật, cơ sở pháp lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà lực lượng Đồng minh, các phe phái chính trị khác không thể phủ nhận được. Sự giản dị trong ngôn ngữ, câu từ của Tuyên ngôn đã chạm được tới triệu triệu trái tim người Việt Nam, trở thành lời hiệu triệu, biến thành quyết tâm sắt đá để giữ vững quyền độc lập, tự do của đất nước.
Tuyên ngôn độc lập là văn kiện có ý nghĩa thời đại, có giá trị cao về mặt lý luận. Văn kiện đó hàm chứa chân lý của nhân loại về quyền con người và quyền của dân tộc. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vượt thời đại bởi những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sự thống nhất biện chứng giữa quyền độc lập dân tộc và quyền sống của mỗi con người. Đó là sự thể hiện giữa khát vọng sống trong hoà bình, tự do với tinh thần kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do dù phải hy sinh cả tinh thần và tính mệnh. Tuyên ngôn độc lập đã thức tỉnh, lay động, cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và là sợi dây kết nối, hình thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tuyên ngôn là cái kết có hậu về hành trình đi tìm và quá trình thực hiện khát vọng giải phóng đất nước, nhân dân của Đảng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung. Đồng thời cũng là thông điệp khẳng định sự kiên cường, quyết tâm, niềm tin và ý chí sắt đá của Đảng, Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam sẽ bảo vệ quyền độc lập tự do chính đáng và đương nhiên của mình. Tuyên ngôn cũng là minh chứng sinh động cho nỗ lực trọn đời đấu tranh vì độc lập, tự do, hoà bình và hạnh phúc cho đất nước, nhân dân của Hồ Chí Minh.
Nam Trang
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.434 - 437.
[2]Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.153-154.
[3]Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Sđd, tr.153.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr.436-437.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr.436.