Năm nay, dân tộc, đất nước, nhân dân ta vô cùng tự hào kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người có công lao to lớn mang đến độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình và phát triển cho dân tộc, đất nước và nhân dân ta. Tuy vậy, đâu đó vẫn có những kẻ vô ơn, hay cố tình mang ý đồ xấu, lợi dụng các phương tiện truyền thông để bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc. Phản bác những luận điệu xuyên tạc, khẳng định công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước, dân tộc và nhân dân ta là vô cùng cần thiết.

     Những luận điệu trơ trẽn, đánh tráo sự thật lịch sử, đi ngược đạo lý dân tộc.

     Có một sử gia Hy Lạp cổ đại nói rằng: "Lịch sử là người thầy của cuộc sống" hay "Lịch sử là bó đuốc soi đường đi tới tương lai". Thi hào Victor Hugo cũng từng nói: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Điều đó để thấy lịch sử là một dòng chảy không ngừng nghỉ, những tiền đề của hôm nay là khởi nguồn từ ngày hôm qua và những gì của ngày mai là “gốc rễ” khởi đầu từ hôm nay. Dân tộc ta có một đạo lý rất tốt đẹp là “uống nước nhớ nguồn” để răn dạy rằng phải luôn “tưởng nhớ quá khứ” nhớ đến công lao của bậc tiền nhân cho “hậu nhân” thụ hưởng hôm nay. Vì vậy không được phép lãng quên quá khứ. Nhưng điều quan trọng là “tưởng nhớ quá khứ” với mục đích gì? để làm gì? nếu “tưởng nhớ” với ý niệm trân trọng, tri ân để phát triển thì quả là điều tuyệt vời. Ấy vậy, vẫn có những con người lệch lạc, mang mục đích, động cơ không trong sáng, mượn việc “tưởng nhớ quá khứ” để khơi lại, cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử với mưu đồ đen tối, trong đó, xuyên tạc phủ nhận công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc, nhân dân và đất nước ta là một việc làm trơ trẽn, đê tiện, đi ngược đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Chúng đưa ra những luận điệu thật “nực cười”, cố tình đánh tráo về một số vấn đề, sự kiện lịch sử như cho rằng, ngày Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng là chưa hề có ý tưởng về cứu nước, cứu dân mà ra đi chỉ là hiện tượng “bột phát nhất thời”; “không chủ đích” vì “mục đích mưu sinh”, vì “giấc mộng làm quan”; cho rằng “Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác- Lênin với thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm”; rằng việc định hướng đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa là tư duy “thiển cận” đưa mọi người “đều bình đẳng trong sự nghèo hèn”, không phải vì lợi ích của dân tộc, nhân dân mà vì lợi ích của Đảng, lợi ích ý thức hệ; cố tình đổ lỗi, quy chụp rằng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng gây ra chết chóc đau thương cho dân tộc, “không có gì quý hơn độc lập tự do là thể hiện sự hiếu chiến”; “Nhân dân Việt Nam đi theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh là sai lầm, là đi vào ngõ cụt”, “mãi trong vòng luẩn quẩn của sự nghèo nàn, lạc hậu”; “Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin với thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm”…

Đây là những luận điệu chủ quan, áp đặt, xuyên tạc trắng trợn về sự chân thực của lịch sử, cực kỳ phi khoa học, mang đầy màu sắc chính trị phản động. Thực tế không khó nhận ra mục đích của chúng là nhằm phủ nhận vai trò, công lao to lớn, hạ thấp uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc, nhân dân, gây ra hiện tượng xét lại lịch sử từ đó thực hiện mưu đồ lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay đổi vận mệnh, làm rạng rỡ dân tộc, nhân dân non sông đất nước ta

     Khóa họp lần thứ 24 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESSCO) diễn ra tại Paris (từ ngày 20/10 đến 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65, vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Đó là sự công nhận của cộng đồng quốc tế và chứng minh hùng hồn về những công hiến to lớn và tầm vóc vĩ đại về tư tưởng của Người đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc ta, một con Người đã giành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân ta.

   Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy Uralmash mang tên Ordzhonikidze ở Sverdlovsk, nay là Yekaterinburg. (Nguồn: TTXVN)

     Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã thay đổi “vận mệnh” dân tộc, nhân dân, đất nước ta từ cảnh chìm đắm trong đêm trường đô hộ thành một đất nước độc lập, tự do, không chỉ giành độc lập mà còn giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Ngay lúc mới 21 tuổi, nhận thấy sự bế tắc trong đường lối và phương pháp cách mạng của các phong trào yêu nước bấy giờ, với nhãn quan đặc biệt, mang trong mình khát vọng độc lập cho dân tộc, ấm no cho nhân dân, Người đã rời xa Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước mới. Trải qua hành trình gian khổ và không ngừng nghiên cứu, chiêm nghiệm thực tiễn Người khẳng định rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam muốn giành thắng lợi, phải đi theo con đường cách mạng vô sản, chủ nghĩa Mác-Lênin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười. Đó là con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại và khát vọng của dân tộc Việt Nam. Sự lựa chọn ấy đã mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam.

     Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Người vận dụng sáng tạo và phát triển, chỉ

     Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm “cốt” chứ không phải “áp dụng một cách máy móc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng lý luận khoa học, cách mạng ấy phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Dựa trên đặc thù của cách mạng Việt Nam, Người đã biến chủ nghĩa Mác-Lênin với những nguyên lý, quy luật, phạm trù, phương pháp cách mạng có tính phổ quát thành những luận điểm đơn giản về lý luận từ đó tuyên truyền vào lực lượng cách mạng, khiến ai cũng có thể hiểu, thấm nhuần và làm theo. Từ đó, Người đóng góp vào sự nghiệp phát triển lý luận Mác- Lênin,  làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin tỏa sáng ở Việt Nam, biến những giá trị và ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin thành hiện thực sống động đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là những sáng tạo trong việc sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và Cương lĩnh chính trị đầu tiên mở ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Đó là những sáng tạo trong đường lối và quá trình lãnh đạo Nhân dân ta giành chính quyền, giành độc lập, đấu tranh thống nhất đất nước và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta với những thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tiến hành chiến tranh cách mạng (1945-1975) bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; là thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành Đổi mới và hội nhập quốc tế để nước ta  có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín” như ngày nay.

     Những thắng lợi vĩ đại của thực tiễn lịch sử đã khẳng định tính đúng đắn và của lý tưởng và con đường cách mạng mà Người đã chọn dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng thời là minh chứng về công lao to lớn của Người đối với đất nước, nhân dân và dân tộc ta trong sự nghiệp vĩ đại nhằm đem lại độc lập cho dân tộc, cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho nhân dân.

     Đặc biệt, thực tiễn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chân lý về nhân cách cao quý của Người, cả “một đời thanh bạch, chẳng vàng son”, không ham phú quý, công danh, chức quyền. Suốt cuộc đời, Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1]. Chính lý tưởng cao đẹp đó đã thôi thúc Người cống hiến hết mình, trọn đời vì nước, vì dân, dẫu “phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo…Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích nước lợi dân”[2]. Sau khi đất nước độc lập, Người được đồng bào tín nhiệm làm Chủ tịch nước nhưng đó là sự ủy thác của nhân dân, phải gắng sức làm còn bản thân “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý”. Dù ở cương vị cao nhưng cuộc sống của Người vô cùng giản dị, thanh đạm bởi Người luôn nghĩ cho dân, cho nước “nước mình còn nghèo, dân mình còn khổ”, là Chủ tịch cũng là công bộc, đầy tớ của dân.

     Như vậy, cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến khi trút hơi thở cuối cùng, Người đều vì lợi ích của nhân dân, đất nước mà không màng lợi ích cá nhân, Người đã làm “rạng rỡ dân tộc ta, non sông, đất nước ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song công lao to lớn, tư tưởng và di sản của Người sẽ luôn sống mãi trong lòng nhân dân, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc. Vì thế, những luận điệu phủ nhận công lao của Người chỉ thêm kệch cỡm, lố bịch mà thôi.


[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.272