Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng khẳng định: Việc thiết lập chính quyền địa phương 2 cấp là vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử, không chỉ sắp xếp về tổ chức bộ máy, cán bộ và còn phân cấp về thẩm quyền, bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ về nguồn lực, tạo không gian phát triển. Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời mở ra một cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là trong 100 năm tới. Mặt khác, đây là vấn đề được cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam rất quan tâm với sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao trong thời gian qua.
Công tác chuẩn bị được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và toàn diện
Để thực hiện chủ trương xây dung chính quyền địa phương 2 cấp, thời gian qua, Việt Nam đã có sự chuẩn bị đồng bộ, chặt chẽ và toàn diện, thể hiện tinh thần chủ động và quyết liệt.
Về cơ sở pháp lý, Quốc hội và Chính phủ đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật quan trọng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, viên chức, để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ngoài ra, hệ thống văn bản dưới luật như các nghị định, hướng dẫn của các bộ, ngành cũng được ban hành kịp thời, đảm bảo đồng bộ với thời điểm vận hành mô hình mới.
Về công tác cán bộ, để chuẩn bị nhân sự cũng tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn khi vận hành chính quyền 2 cấp, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng các phương án bố trí nhân sự hợp lý sau sắp xếp. Đặc biệt, chú trọng bố trí đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trình độ, am hiểu pháp luật và có kinh nghiệm quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc phân công cán bộ cũng bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, theo vị trí việc làm, có khả năng tiếp nhận các nhiệm vụ, quyền hạn mới. Đồng thời, cấp chính quyền của từng địa phương chủ động lập kế hoạch để tổ chức thực hiện cũng như đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ thích ứng với chức năng, nhiệm vụ mới.
Về cơ sở vật chất, Chính phủ đã quan tâm bố trí, nâng cấp trụ sở, trang thiết bị làm việc, đặc biệt là hạ tầng số, công nghệ. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin được đảm bảo kết nối liên thông giữa 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, tạo điều kiện cho việc vận hành chính quyền số, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đồng thời, quan tâm bố trí nhà công vụ, sắp xếp lại trụ sở làm việc để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, làm việc cho cán bộ công chức sau sáp nhập.
Về công tác tuyên truyền, việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện một cách nghiêm túc và nhận được sự đồng thuận rất cao, đạt khoảng 96% tại các địa phương triển khai.
Lộ trình được xây dựng cụ thể, chi tiết, rõ từng việc, từng người, từng khâu. Các kế hoạch đã được công khai, gửi đến các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.
Những rào cản cần tháo gỡ, tạo ra bước phát triển bứt phá
Về những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị cho vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, khó khăn lớn nhất là yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp lý trong thời gian ngắn, nhưng vẫn phải đảm bảo không có “khoảng trống pháp lý”. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã nỗ lực chưa từng có để ban hành khối lượng lớn văn bản quy phạm trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó là tâm tư của đội ngũ cán bộ, công chức khi tổ chức lại bộ máy. Chính phủ đã quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng chính sách hỗ trợ, giải quyết thỏa đáng đối với những trường hợp bị ảnh hưởng do tinh giản biên chế.
Ngoài ra, cấp xã trong mô hình mới không chỉ là cấp gần dân, mà còn trực tiếp giải quyết nhiều công việc hơn với yêu cầu cao hơn và toàn diện hơn. Vì vậy, thời gian tới sẽ tập trung tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ cấp xã.
Về tâm lý e ngại của người dân và doanh nghiệp khi thay đổi thủ tục hành chính, ông Long cho biết Quốc hội và Chính phủ cũng đang đưa ra các chính sách, quan trọng nhất là bảo đảm thủ tục hành chính liên tục, không được đứt quãng.
Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cũng sẽ đặt ra áp lực cho Chính phủ Việt Nam phải triển khai quyết liệt hơn chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản trị quốc gia cũng như quản trị địa phương.
Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính, từ 63 tỉnh, thành phố còn 34 tỉnh, thành phố cùng với tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ tác động rất tích cực đối với đất nước, là cơ hội để tái cấu trúc lại không gian phát triển, tạo ra cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và trên trường quốc tế trong thời gian tới.
Bộ máy tinh gọn sẽ tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả. Khi tổ chức các đơn vị hành chính cấp tỉnh với quy mô lớn hơn sẽ tạo dư địa lớn cho phát triển kinh tế cũng như đầu tư, liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các địa phương; có đủ điều kiện phát triển kinh tế về giao thông, đường biển, đường không. Ngoài ra, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sát dân hơn, gần dân hơn sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đây không phải là mục tiêu cuối cùng, mà chỉ là hệ quả của một mục đích lớn hơn, đó là Việt Nam muốn triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đồng bộ với quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và thay đổi cơ chế quản lý, giảm cấp trung gian, hướng đến mục tiêu chuyển đổi trạng thái sang kiến tạo, chủ động phục vụ nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Quá trình này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, theo đó Việt Nam đã ban hành đồng loạt 28 Nghị định phân cấp, phân quyền ngay sau khi Quốc hội thông qua các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính.
Đồng bộ với tổ chức lại bộ máy, Việt Nam cũng đã đổi mới cơ chế quản lý, rút ngắn thủ tục, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Phấn đấu giảm ít nhất 30% thủ tục, phân cấp mạnh mẽ cho cấp cơ sở, nơi trực tiếp tiếp xúc và xử lý công việc với người dân và doanh nghiệp, giảm bớt khâu trung gian. Việc này không chỉ làm rõ trách nhiệm, tăng tính minh bạch, tính trách nhiệm, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng phục vụ. Đặc biệt, quá trình cải cách còn giúp Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số. Nhiều thủ tục hành chính sẽ được áp dụng qua cơ chế “một cửa”, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Như vậy, chính quyền địa phương 2 cấp là một bước đột phá rất lớn của Đảng trong xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Chủ trương này cũng tạo ra tiềm lực và không gian phát triển mới của các địa phương trên cả nước, tạo ra tâm thế mới để cả nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.