Trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi pháp luật được thượng tôn, sự phát triển của kinh tế tư nhân không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là yếu tố góp phần hoàn thiện pháp luật, tạo việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải cách hành chính, đẩy mạnh hội nhập và nâng tầm vị thế quốc gia.

Động lực tăng trưởng kinh tế bền vững

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Kinh tế tư nhân là khu vực năng động nhất của nền kinh tế, nơi hội tụ sáng kiến, tinh thần khởi nghiệp và khả năng thích ứng với thị trường. Tại Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.

Sự phát triển của khu vực tư nhân không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.

Thúc đẩy hoàn thiện pháp luật minh bạch, công bằng

Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là đòn bẩy cải cách thể chế, thúc đẩy minh bạch, công bằng. Người dân và doanh nghiệp với niềm tin khởi nghiệp là con đường chính đáng, làm giàu là điều được khuyến khích, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là đòn bẩy phát triển và pháp luật là điểm tựa an toàn cho mọi nỗ lực cống hiến. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đòi hỏi tất cả các chủ thể kể cả doanh nghiệp đều phải thượng tôn pháp luật. Ở chiều ngược lại, Nhà nước cần đảm bảo môi trường pháp lý minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và tạo lập một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng.

Như vậy, xuất phát từ nhu cầu hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi hoàn thiện hệ thống pháp luật rõ ràng, ổn định, minh bạch và công bằng. Điều này tạo động lực để Nhà nước hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và tổ chức thực thi pháp luật công bằng. Kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội

Kinh tế tư nhân là khu vực tạo ra phần lớn việc làm cho xã hội. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực về thất nghiệp, mà còn thúc đẩy sáng tạo, học tập và nâng cao trình độ lao động thông qua cơ chế thị trường.

Định kiến cho rằng kinh tế tư nhân đơn thuần chỉ có mục tiêu nhằm tối đa hóa lợi nhuận, nhưng trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh, lợi ích của doanh nghiệp tư nhân muốn bền vững thì cần gắn kết với chia sẻ giá trị và lợi ích với cộng đồng. Một nhà máy được xây dựng không chỉ đem lại doanh thu cho chủ doanh nghiệp mà còn tạo ra việc làm cho lao động địa phương, từ đó kéo theo sự phát triển của dịch vụ, giao thông và cơ sở hạ tầng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện nay không chỉ hướng đến hiệu quả kinh doanh mà còn chú trọng trách nhiệm xã hội: xây nhà thiện nguyện, đầu tư vào y tế và giáo dục, thực hiện các chương trình phát triển bền vững... Những việc làm này cho thấy, khi kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, lợi ích không chỉ gói gọn trong túi tiền của nhà đầu tư, mà còn lan tỏa đến toàn xã hội và cộng đồng.

Ở tầm vĩ mô, điều này góp phần đảm bảo an sinh xã hội, một trong những tiền đề để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cải cách hành chính, đẩy mạnh hội nhập và nâng tầm Việt Nam

Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, khi đó nhu cầu về một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm thiểu rào cản hành chính và chi phí không chính thức là đòi hỏi khách quan. Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình mà khu vực tư nhân đòi hỏi từ các cơ quan hành chính nhà nước có tác dụng kiểm soát tham nhũng, hạn chế tiêu cực, phòng chống lạm dụng quyền lực và thúc đẩy cải cách thể chế.

Tạo môi trường lành mạnh để tư nhân phát triển là đầu tư cải thiện hình ảnh quốc gia. Chính sách, thể chế và hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển cần tiếp tục được cải thiện, từ tiếp cận nguồn vốn, cải cách thủ tục hành chính đến đảm bảo quyền sở hữu và cạnh tranh công bằng. Khi doanh nghiệp tư nhân được tiếp thêm niềm tin và cơ hội, họ sẽ tự tin tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự thành công của doanh nghiệp tư nhân trong hội nhập không chỉ giúp nâng cao vị thế kinh tế mà còn tạo dựng hình ảnh quốc gia có môi trường pháp lý ổn định, năng động và đáng tin cậy, đặc điểm cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã khẳng định vai trò to lớn của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên phát triển mới. Với tầm quan trọng đó, doanh nhân là những “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng. Nhà nước là nơi kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm, phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài. Kinh tế tư nhân rõ ràng không chỉ làm giàu cho doanh nhân mà còn có vai trò đặc biệt, là “động lực quan trọng” trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.