Đề xuất mới đây của Bộ Tài chính về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo đó, hai phương án đang được đặt lên bàn cân, với mục tiêu cuối cùng là giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế, nhất là nhóm lao động làm công ăn lương.

Tuy nhiên, phía sau những con số tưởng như thuần túy kỹ thuật là câu chuyện về sự công bằng, nhân văn và tính hợp lý của chính sách thuế. Và rõ ràng, đã đến lúc chúng ta cần một cách nhìn thẳng thắn, thực tế và quyết liệt hơn về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Thu nhập và chi tiêu thực tế của người dân đã tăng mạnh theo thời gian. Việc đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lần này là cần thiết và kịp thời (ảnh minh họa)

Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh đang được áp dụng là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Mức này được điều chỉnh lần gần nhất vào năm 2020, sau lần đầu tiên vào năm 2013. Trong khi đó, thu nhập và chi tiêu thực tế của người dân đã tăng mạnh theo thời gian, đặc biệt tại các đô thị lớn, nơi giá cả sinh hoạt cao vượt trội.

Chị bạn tôi làm việc trong ngành giáo dục với thu nhập khoảng 17 triệu đồng/tháng, có chồng thu nhập 10 triệu đồng và một con đang học đại học. Mỗi tháng, riêng chi phí học tập của con đã chiếm tới 10 - 11 triệu đồng. Thêm vào đó là chi phí sinh hoạt tối thiểu khác như điện, nước, internet, ăn uống, xăng xe, cũng tiêu tốn thêm hơn 10 triệu đồng nữa. Với mức chi tiêu như vậy, gia đình chị không có khả năng tiết kiệm, thậm chí không có khoản dự phòng khi ốm đau, dù vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Câu chuyện này không hiếm. Hàng triệu người lao động, nhất là ở khu vực thành thị, đang trong tình trạng thu nhập chỉ vừa đủ sống hoặc không đủ nhưng vẫn thuộc diện nộp thuế. Điều này cho thấy ranh giới giữa người “có thu nhập chịu thuế” và người “thu nhập đủ sống” đang bị xóa nhòa bởi sự chậm trễ trong điều chỉnh chính sách.

Trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án điều chỉnh. Phương án 1 căn cứ vào tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế tăng lên 13,3 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng.

Phương án 2 dựa trên tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người, mức giảm trừ nâng lên lần lượt là 15,5 triệu đồng và 6,2 triệu đồng/tháng.

Rõ ràng, phương án thứ hai thể hiện sự tiến bộ hơn về mặt tiếp cận bởi nó phản ánh sát thực tế mức sống và năng lực chi trả của người dân hơn là chỉ dựa vào chỉ số giá tiêu dùng vốn không thể hiện hết các chi phí phát sinh trong cuộc sống hiện đại.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là dù phương án nào được chọn thì thời điểm áp dụng cũng phải đợi đến năm 2026. Tức là người dân vẫn phải chịu thêm ít nhất một năm nữa trong tình trạng chênh lệch giữa thu nhập thực tế và mức giảm trừ gia cảnh.

Một điểm nghẽn khác trong chính sách thuế hiện nay nằm ở sự thiếu công bằng giữa các nhóm đối tượng nộp thuế. Theo số liệu của ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, thuế thu nhập cá nhân hiện đóng góp gần 10% vào ngân sách nhà nước, chủ yếu đến từ người làm công ăn lương. Trong khi đó, khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh trong năm 2024 chỉ đóng góp chưa đến 26.000 tỷ đồng, tương đương 1,5% ngân sách và phần lớn số này đến từ thuế giá trị gia tăng, tức là đánh vào người tiêu dùng cuối cùng.

Điều này cho thấy người làm công ăn lương đang gánh phần lớn nghĩa vụ thuế, trong khi lại là nhóm khó có khả năng "lách thuế" nhất. Họ bị đánh thuế trực tiếp, khấu trừ tại nguồn, không thể giấu thu nhập, không có chi phí đầu vào để khấu trừ và gần như không có công cụ nào để giảm nhẹ nghĩa vụ thuế ngoài mức giảm trừ gia cảnh. Đây là bất hợp lý lớn và làm suy yếu lòng tin của người dân vào sự công bằng trong chính sách thuế.

Thuế là công cụ điều tiết thu nhập, tái phân phối nguồn lực và tạo động lực phát triển. Nhưng để làm được điều đó, chính sách thuế phải vừa hợp lý, vừa nhân văn. Không thể đánh thuế vào những người đang sống đủ hoặc thiếu mà vẫn kỳ vọng họ cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Do đó, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân không chỉ là bước đi mang tính kỹ thuật, mà là một điều chỉnh tư duy chính sách từ chỗ "đánh đều" sang "tính đúng – tính đủ – tính công bằng".

Việc điều chỉnh lần này, dù lựa chọn phương án nào, cũng cần được đẩy nhanh tiến độ và đồng thời phải đặt trong bối cảnh rộng hơn, sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, hướng tới một hệ thống thuế công bằng hơn giữa các nhóm thu nhập, có tính linh hoạt và thích ứng tốt với biến động kinh tế – xã hội.