Từ máu xương thành bất tử – viết nên trang sử vàng của dân tộc Việt Nam
Trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thấm đẫm những trang sử hào hùng được viết nên bằng máu xương của những người con trung hiếu - những vì sao bất tử trên bầu trời độc lập. Lớp lớp thanh niên ra đi, để lại phía sau cả tuổi thanh xuân, cả bầu trời ước mơ, gia đình và tổ ấm, nguyện lòng giữ gìn từng mét biên cương, từng bờ tre, ngọn núi, con sông. Không ai trong số họ đòi hỏi hay nghĩ tới sự vinh danh, bởi rằng vinh quang lớn nhất trong trái tim những anh hùng liệt sĩ, thương binh, chính là được sống, được chết và được hòa mình trọn vẹn trong hai tiếng “Tổ quốc” thiêng liêng.
Những địa danh như đường Trường Sơn huyền thoại, sông Thạch Hãn, ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô, ngã ba biên giới Tây Nguyên, miền sông nước Cần Thơ, Đồng Tháp, Rạch Giá, địa đạo Củ Chi… chính là những khúc ca bi tráng, hào hùng, nơi lòng yêu nước nồng nàn đã vượt lên mọi nỗi sợ hãi bằng sự quả cảm phi thường, biến người bình thường thành anh hùng, biến cái chết nhẹ tựa lông hồng, cái chết hóa thành bất tử, với niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng huy hoàng.
Lịch sử có thể lùi xa, chiến tranh có thể đã khép lại, nhưng những giá trị thiêng liêng cao quý, ý chí bất khuất, kiên cường mà các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh để lại vẫn còn đó, mãi mãi vẹn nguyên – như những vì sao tỏa sáng lấp lánh không bao giờ tắt trên bầu trời Tổ quốc thân yêu. Biết bao người con ưu tú đã nằm xuống, đã để lại một phần máu xương - cho đất nước hôm nay được đứng lên, vươn mình ra biển lớn, đơm hoa, kết trái trong hòa bình rực rỡ nơi nơi.
Trong bài viết “Uống nước nhớ nguồn”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Truyền thống cao đẹp "uống nước nhớ nguồn" đã trở thành sợi dây thiêng liêng kết nối các thế hệ người Việt Nam, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để toàn dân tộc đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước. Chúng ta không thể có ngày hôm nay, không thể có một Việt Nam đổi mới, phát triển, hội nhập sâu rộng nếu không có mồ hôi, máu xương của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người mẹ, người cha sẵn sàng động viên con cháu ra trận và giành phần khó khăn, gian khổ, mất mát về mình với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “tất cả vì tiền tuyến”.
Thắp sáng ngọn lửa tri ân, dựng xây hòa bình
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn coi đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, là biểu hiện sinh động của đạo lý, của bản sắc dân tộc. Nhiều năm qua, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng quan tâm, hoàn thiện. Hàng trăm nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo với tất cả sự tôn kính và biết ơn. Ngàn ngàn ngôi mộ liệt sĩ đã được tìm kiếm, quy tập. Các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước được đầu tư tu sửa, nâng cấp khang trang, trang nghiêm - ôm lấy hồn thiêng sông núi. Hàng vạn gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công được chăm lo bằng những hành động cụ thể. Và sau tất cả, lòng biết ơn ấy không ngừng được nuôi dưỡng ngày một lớn hơn trong từng trái tim người Việt, trong tình yêu nước vời vợi, để cho mỗi người dân hôm nay - dốc hết sức mình dựng xây và gìn giữ nền độc lập quý giá này.
Tiếng súng đã lùi xa nhưng thách thức, khó khăn trước mắt không kém phần cam go, phức tạp. Đó là cuộc chiến chống suy thoái đạo đức, xói mòn giá trị, "diễn biến hòa bình", xuyên tạc lịch sử, gìn giữ bản sắc trước văn hóa lai căng, những tác động tiêu cực của thời đại số. Điều đó càng đặt ra trách nhiệm to lớn, trách nhiệm dựng xây Tổ quốc bằng tri thức, bằng đạo đức, bằng những khát vọng đổi mới, bằng ý chí phụng sự, sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết yêu thương, chia sẻ, đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu. Đây chính là bổn phận, là sự cúi đầu thành kính trước anh linh các anh hùng liệt sĩ với lời hứa thầm lặng nhưng chân thật nhất. Để thế hệ hôm nay không được phép sống hời hợt, vô cảm; không được lãng quên lịch sử, phải biết sống cho xứng đáng với sự hy sinh vô giá ấy.
Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay được sống trong hòa bình, trưởng thành trong độc lập, phải luôn khắc ghi và dặn lòng biết trân trọng quá khứ – thắp sáng ngọn lửa tri ân bằng hành động cụ thể, bằng lối sống tử tế, biết học tập – lao động và cống hiến để gìn giữ những giá trị mà cha ông đã đánh đổi cả máu xương mới có được.
Ngày 27/7 mỗi năm lại về, ngọn lửa tri ân không chỉ lung linh trên phần mộ liệt sĩ trong đêm tưởng niệm, hoa đăng không chỉ thả trôi âm thầm, lấp lánh trên dòng nước lặng lẽ về nơi vô định. Ánh sáng ấy phải rực cháy mãi trong trái tim của bao thế hệ, ánh sáng của lòng biết ơn, của niềm tự hào để soi sáng ý thức và trách nhiệm tiếp nối truyền thống - viết tiếp những trang sử mới, bằng những câu chuyện hòa bình thật đẹp - đưa dân tộc Việt Nam vươn mình rực rỡ trong kỷ nguyên hội nhập./.