Nghị quyết 140/NQ-CP: Thể chế vững mạnh, quốc gia phát triển

Ảnh minh họa, nguồn Báo Điện tử Chính phủ.

Để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, ngày 17/5/2025, Chính phủ ra Nghị quyết số 140/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, với 07 nhóm nhiệm vụ và lộ trình thực hiện cụ thể, tập trung đổi mới tư duy, cách làm, bố trí nguồn lực đảm bảo để xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi và có tính cạnh tranh cao, với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

1. Mục tiêu của Chương trình hành động là thể chế hóa và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị. Xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá" – nhiệm vụ then chốt quyết định sự phát triển bền vững. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Đến năm 2027, cơ bản hoàn thành khung khổ pháp lý mới, toàn diện cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Đến năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xác định nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, kiểm tra, giám sát để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 66-NQ/TW; bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội.

2. Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên Chương trình hành động xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp cụ thể hóa và triển khai thực hiện.

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật.; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật. Lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên của các bộ, ngành trung ương. Người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật.

Hai là, đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, và khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Đây là một trong những điểm đột phá cốt lõi; pháp luật không còn là công cụ hành chính thuần túy, mà là nền tảng tổ chức quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, là đòn bẩy cho phát triển. Chuyển tư duy từ “quản lý" sang “phục vụ", từ “xin – cho" sang phân cấp – phân quyền rõ ràng, gắn trách nhiệm với giải trình; kiến tạo một môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi, kỷ cương và hiện đại.

Việc thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Công tác xây dựng pháp luật phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo các quy định mang tính ổn định, đơn giản, dễ thực hiện; hoàn thiện quy trình lập pháp minh bạch, chuyên nghiệp và công khai ý kiến đóng góp, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Coi trọng nghiên cứu chiến lược, chính sách từ sớm, từ thực tiễn, từ kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, tăng cường tính dự báo và chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật. Tập trung xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phục vụ thực hiện các chủ trương mang tính cách mạng của Đảng, nhất là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính gắn với phân cấp, phân quyền tối đa; các Nghị quyết trong “bộ tứ trụ cột” (khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số; xây dựng và thi hành pháp luật; kinh tế tư nhân); hoàn thiện pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng pháp luật cho những vấn đề mới, phi truyền thống như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khai thác nguồn lực dữ liệu, tài sản mã hoá để tạo động lực tăng trưởng mới.

Cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ và đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất.

Ba là, tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Phát huy cao độ tinh thần phục vụ Nhân dân, tư duy kiến tạo phát triển, hành động vì lợi ích chung, thực hiện nhất quán quan điểm "người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm". Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, đảm bảo thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Không "hình sự hóa" các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự và không dùng biện pháp hành chính để can thiệp, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế. Đây là một giải pháp rất quan trọng để tạo môi trường kinh doanh an toàn và minh bạch. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ, tháo gỡ nhanh nhất những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ quy định của pháp luật.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Tích cực tham gia xây dựng và định hình trật tự pháp lý quốc tế, thể chế và pháp luật quốc tế; xử lý kịp thời các tranh chấp pháp lý quốc tế (nhất là tranh chấp đầu tư, thương mại) để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Năm là, xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Thực hiện chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng để thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia xây dựng và thi hành pháp luật. Thực hiện cơ chế, chính sách kéo dài thời gian công tác cho một số cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu sắc về xây dựng pháp luật. Thu hút, tiếp nhận chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật gia, luật sư giỏi vào khu vực công.

Sáu là, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đây là một lĩnh vực được coi trọng để tạo sự hiện đại hóa và hiệu quả. Ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", liên thông, dễ khai thác, sử dụng, và an toàn. Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số đồng bộ trong phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đối với hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật.

Bảy là, thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Việc áp dụng "cơ chế tài chính đặc biệt" là một giải pháp đột phá nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính đủ và kịp thời. Đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách trên nguyên tắc kịp thời, đúng, đủ và gắn với khoán chi theo kết quả, sản phẩm của từng nhiệm vụ, hoạt động. Điều này thúc đẩy tính hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ có quyền chủ động và chịu trách nhiệm trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí được giao. Bố trí ngân sách phù hợp, tương xứng cho công tác tổ chức thi hành pháp luật, quan tâm trợ giúp pháp lý cho người yếu thế.

Thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động  của Chính phủ, mỗi bộ, ngành, địa phương cần vượt qua tình trạng “trên nóng – dưới lạnh”, dứt khoát từ bỏ những tư duy cũ kỹ như “không quản được thì cấm”. Sự minh bạch, nhất quán trong xây dựng và thi hành pháp luật sẽ là nền tảng để Việt Nam khai thông nguồn lực, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, bảo vệ quyền con người, và mở đường cho các đột phá chiến lược về kinh tế, khoa học – công nghệ, chuyển đổi số. Đây là thời điểm không chỉ cần những chính sách đúng, mà còn cần sự dấn thân, hành động quyết liệt, trách nhiệm cao và tư duy vượt trội từ đội ngũ cán bộ - những người trực tiếp đưa pháp luật vào cuộc sống./.