Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật và sự vận dụng trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc
Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật có ý nghĩa thời đại sâu sắc, soi đường cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Những quan điểm của Người về xây dựng và thi hành pháp luật đã được Đảng ta vận dụng, phát triển sáng tạo trong Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Ngày 1 tháng 1 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. _Ảnh: TTXVN, Nguồn: Tạp Chí Cộng sản.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và thi hành pháp luật
Thứ nhất, pháp luật là công cụ quan trọng để quản lý, điều hành và xã hội. Ngay từ "Bản yêu sách của Nhân dân An Nam" gửi đến Hội nghị Versaile năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã nêu 8 điều đều liên quan đến vấn đề luật pháp. Trong tác phẩm “Việt Nam yêu cầu ca” viết năm 2022, Người yêu cầu: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Điều này cho thấy từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc đã có tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền, với Hiến pháp và pháp luật giữ vai trò tối thượng, với tính tôn nghiêm của pháp luật, nơi mọi người đều phải phục tùng và tôn trọng luật pháp, mọi thứ được vận hành, điều chỉnh công bằng theo pháp luật. Ngay sau khi giành độc lập, trong điều kiện cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên hàng đầu cho việc tiến hành tổng tuyển cử để Nhân dân được hưởng quyền tự do, dân chủ, lập nên chính quyền của Nhân dân và ban hành bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ vào ngày 9/11/1946 - ngày sau này được lựa chọn là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đồng thời, trong quá trình lãnh đạo Nhà nước, Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết để xây dựng nền pháp luật Việt Nam non trẻ, chỉ đạo xây dựng Hiến pháp năm 1959, ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật để hình thành nên một kiểu Nhà nước có nhiều nhân tố cơ bản của một nhà nước pháp quyền.
Điểm nổi bật là, trong trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa ra đời vừa xây dựng, củng cố vừa giải quyết những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trong lúc vận mệnh dân tộc đang hết sức nguy nan, không thể chờ đợi tiến trình lập pháp phải trải qua những khâu trong quy trình thủ tục phức tạp và thời gian, Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng lâm thời đã ban hành các Sắc lệnh để quản lý xã hội theo phương châm “kháng chiến kiến quốc”, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và “kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Đây là sự linh hoạt, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể và cấp bách của điều chỉnh pháp luật trong tình thế cấp thiết.
Thứ hai, pháp luật là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện quyền lực được Nhân dân giao phó và bảo vệ quyền lợi của Nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Pháp luật là "phép luật của Nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho Nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số Nhân dân"; "pháp luật là vũ khí sắc bén để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lợi Nhân dân". Hiến pháp 1946 khẳng định "Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo".
Thứ ba, pháp luật phải công bằng, dân chủ và thống nhất. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đều được thực hiện quyền lợi và tuân thủ nghĩa vụ công dân; tuân thủ pháp luật không chỉ là nghĩa vụ của người dân mà còn là trách nhiệm của các cơ quan Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên. Không ai, dù ở bất cứ địa vị nào, được phép “đứng trên” pháp luật.
Quá trình lập pháp phải thể hiện rõ tính dân chủ, có sự tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi của Nhân dân cả nước. Pháp luật cần thống nhất để đảm bảo sự "ăn khớp" nhịp nhàng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và chống được căn bệnh phân tán, địa phương chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng tính dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật, yêu cầu "trưng cầu ý kiến của Nhân dân cả nước một cách thật rộng rãi" để Hiến pháp và pháp luật phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Thứ tư, pháp luật Việt Nam phù hợp với các giá trị tiến bộ của luật pháp quốc tế và tôn trọng luật pháp quốc tế. Hồ Chí Minh cho rằng pháp luật Việt Nam phải "cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại. Khi chỉ đạo xây dựng Hiến pháp 1959, Người yêu cầu tham khảo Hiến pháp của các nước bạn và một số nước tư bản điển hình. Đây là tư duy rộng mở, coi văn minh pháp lý tư sản cũng là thành tựu chung của nhân loại, đặt nền tảng cho việc ứng dụng những tiến bộ khoa học vào quản lý xã hội.
Thứ năm, xây dựng pháp luật gắn kết chặt chẽ với thi hành pháp luật. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức thực thi nghiêm minh pháp luật phải nhất quán với xây dựng pháp luật; pháp luật phải được áp dụng một cách nghiêm túc, công bằng, không có ngoại lệ”. Người chỉ rõ: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”; “có pháp luật mà không thi hành nghiêm thì cũng như không”.
Trong thi hành pháp luật, cần đặc biệt chú trọng đề cao nguyên tắc “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Cán bộ thực thi pháp luật phải công bằng, liêm khiết, trong, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân, bởi vì giúp dân, học dân mới giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Tăng cường tính răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa; xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn.
Thứ sáu, gắn kết chặt chẽ giữa pháp luật với đạo đức. Lấy đạo đức làm gốc, xây dựng pháp luật trên nền tảng đạo đức và lấy luật pháp làm công cụ củng cố đạo đức là tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh. Thi hành pháp luật không chỉ dựa trên sự cưỡng chế mà còn phải kết hợp với giáo dục và sự tự giác, tuân theo pháp luật như một phần của “đạo đức công dân”; “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: Tuân theo pháp luật Nhà nước”. Quan điểm "pháp quyền nhân nghĩa" của Hồ Chí Minh thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và tình cảm, bao dung, nhân ái nhưng vẫn nghiêm khắc, công minh để giữ "kỷ cương, phép nước".
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật là một phần quan trọng trong di sản lý luận của Người, không chỉ đặt nền móng cho nền pháp lý Việt Nam hiện đại mà còn tiếp tục soi sáng công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới, được thể hiện rõ trong tinh thần của Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thứ nhất, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm trung tâm, vì lợi ích chung. Từ tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Hồ Chí Minh cho thấy, pháp luật phải phục vụ Nhân dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đại đa số nhân dân. Trong kỷ nguyên mới, pháp luật phải dựa trên thực tiễn đời sống làm cơ sở, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp vào trung tâm. Xác lập một hệ thống quy phạm hướng đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể trong xã hội, thay vì quá nặng vào các nghĩa vụ và chế tài.
Tháo gỡ các "điểm nghẽn" thể chế, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, và tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, công bằng. Kiên quyết xóa bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'"; thực hiện tốt nguyên tắc "công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Có cơ chế hiệu quả để tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp, tránh hình thức. Quy trình xây dựng pháp luật phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi và hiệu quả. Xác quy định pháp luật có tính đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ áp dụng và chi phí tuân thủ thấp - một chỉ số quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hiệu quả quản trị nhà nước.
Thứ hai, thiết lập cơ chế phản ứng chính sách kịp thời cho những vấn đề mới phát sinh. Pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh mà còn là phương tiện kiến tạo. Đặc biệt, trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, công nghệ tài chính, dữ liệu cá nhân, trí tuệ nhân tạo, tài sản mã hóa, pháp luật phải đi trước, dẫn dắt sự phát triển thay vì chỉ chạy theo hiện tượng.
Thứ ba, vận dụng quan điểm “thi hành pháp luật nghiêm minh, nhất quán và hiệu quả”, Nghị quyết 66-NQ/TW yêu cầu "thi hành pháp luật phải được đặt ngang hàng với xây dựng pháp luật". Đây là giải pháp đột phá để khắc phục tình trạng "tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu" tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua. Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; thường xuyên theo dõi, rà soát, đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành, nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm kỷ cương, phép nước, xử lý vi phạm kịp thời, đủ sức răn đe; ứng dụng công nghệ để tiếp nhận phản hồi và xử lý các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, nhằm kịp thời hoàn thiện pháp luật.
Thực hiện đồng bộ hai nguyên tắc “đưa cuộc sống vào luật” và “đưa luật vào cuộc sống”. Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; từ chỗ coi pháp luật là công cụ cưỡng chế sang coi pháp luật là nền tảng đạo đức - ứng xử xã hội, nơi mọi chủ thể tự nguyện tuân thủ vì ý thức về nghĩa vụ công dân và sự tôn trọng trật tự công cộng. Khơi dậy ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi cá nhân, hướng mọi tổ chức, cá nhân tự giác chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội.
Thứ tư, kết hợp nhuần nhuyễn pháp luật với đạo đức và ứng dụng công nghệ. Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, và dữ liệu lớn trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật để nâng cao hiệu quả, công khai, minh bạch và giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ năm, quan tâm phát triển nguồn lực cho công tác pháp luật, tương xứng với tính chất là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn. Nghiên cứu, ban hành cơ chế tài chính đặc thù và chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút, trọng dụng nhân tài pháp lý, giúp họ yên tâm công tác và cống hiến.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và thi hành pháp luật mang giá trị vận dụng sâu sắc, trở thành kim chỉ nam quan trọng cho công cuộc xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên vươn mình hiện nay./.