Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, có vai trò quyết định đến toàn bộ hoạt động và định hướng của Đảng trong từng giai đoạn lịch sử
Với vị trí là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Đại hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất liên quan đến đường lối, chiến lược phát triển của đất nước, đồng thời đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây cũng là diễn đàn để toàn thể đảng viên thông qua đại biểu được bầu từ các cấp đóng góp ý kiến, phản ánh nguyện vọng của nhân dân, từ đó giúp Đảng xác định đúng đắn phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, khi có những vấn đề cấp bách liên quan đến sự ổn định và phát triển của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương có thể triệu tập Đại hội bất thường để kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng đặt ra trong thực tiễn. Đại hội bất thường có thể được tổ chức khi đất nước đứng trước những thời điểm mang tính bước ngoặt, cần có sự điều chỉnh lớn về đường lối, chính sách hoặc nhân sự lãnh đạo. Việc này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Đảng trước vận mệnh dân tộc, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, hiệu quả trong mọi tình huống.
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là dịp để đánh giá tình hình phát triển của đất nước qua mỗi nhiệm kỳ, kiểm điểm kết quả lãnh đạo và rút ra những bài học kinh nghiệm có giá trị cả về lý luận và thực tiễn
Thông qua Đại hội đại biểu toàn quốc, Đảng có điều kiện để đánh giá tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Đây là quá trình quan trọng giúp Đảng nhìn nhận thực tế một cách toàn diện, khách quan, từ đó phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn cũng như các thách thức mà đất nước đang đối mặt trong từng giai đoạn phát triển. Từ đó, giúp Đảng có cái nhìn đúng đắn về thực trạng đất nước, hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, tránh những sai lầm trong công tác lãnh đạo, điều hành và đưa ra dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Đại hội cũng là dịp để Đảng kiểm điểm trung thực, khách quan về kết quả lãnh đạo của mình. Những thành tựu đạt được là minh chứng cho tính đúng đắn của đường lối, chủ trương, chính sách mà Đảng đã đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Đảng cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập, từ đó tìm ra nguyên nhân của những khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Việc kiểm điểm này giúp Đảng nâng cao trách nhiệm của từng cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, đây còn là một quá trình quan trọng để đánh giá lại năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong từng giai đoạn phát triển. Việc kiểm điểm còn thể hiện tinh thần tự phê bình và phê bình, một nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng đảng, là truyền thống tốt đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay.
Nhờ quá trình tổng kết, đánh giá và kiểm điểm, Đảng không chỉ nhìn lại chặng đường đã qua mà còn rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới. Đây là một bước quan trọng, giúp Đảng không ngừng hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và những thách thức đặt ra trong bối cảnh mới. Những bài học này có thể đến từ những thành công để tiếp tục phát huy, nhân rộng, cũng có thể đến từ những hạn chế, tồn tại nhằm rút kinh nghiệm, khắc phục và tránh lặp lại trong tương lai. Việc rút ra bài học kinh nghiệm còn giúp Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao. Nhân dân cũng có thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng khi thấy được tinh thần trách nhiệm, sự cầu thị và quyết tâm đổi mới của Đảng để đưa đất nước tiến lên.
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là nơi Đảng phát huy cao nhất trí tuệ tập thể, tinh thần đoàn kết, đổi mới và sáng tạo để đề ra đường lối, chủ trương phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo
Đây không chỉ là một sự kiện mang tính chất tổng kết và định hướng, mà còn là diễn đàn thể hiện ý chí, khát vọng phát triển của toàn Đảng, toàn dân. Tại Đại hội, những vấn đề trọng đại của đất nước được đưa ra thảo luận dân chủ, lắng nghe ý kiến từ các cấp, các ngành và mọi tầng lớp trong xã hội, nhằm xây dựng những quyết sách mang tính thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.
Việc phát huy trí tuệ tập thể trong Đại hội thể hiện qua quá trình thảo luận các văn kiện, trong đó tập trung vào những định hướng chiến lược dài hạn và các nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi từ cơ sở, từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Từ đó, giúp Đảng có cái nhìn đầy đủ hơn về những thách thức và cơ hội do bối cảnh tình hình mang lại, từ đó đưa ra các giải pháp sát hợp. Bên cạnh việc phát huy trí tuệ tập thể, Đại hội còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng. Sự đồng lòng, nhất trí của các đại biểu tham dự Đại hội phản ánh sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cấp ủy đảng, giữa Đảng và nhân dân, tạo thành sức mạnh to lớn để thực hiện thành công những mục tiêu mà Đại hội đề ra. Ngoài ra, tinh thần đổi mới và sáng tạo cũng được đề cao trong mỗi kỳ Đại hội, thể hiện sự chủ động, linh hoạt của Đảng trong việc thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của tình hình trong nước và quốc tế. Sự đổi mới trong các kỳ Đại hội không dừng lại ở tầm nhìn chiến lược dài hạn mà còn thể hiện rõ trong cách thức hoạch định chính sách, điều chỉnh cơ chế, phương thức lãnh đạo, quản lý. Đảng không ngừng nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những mô hình phát triển tiên tiến trên thế giới và tìm kiếm các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Thông qua Đại hội, các đại biểu lựa chọn những cá nhân ưu tú nhất, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1], “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[2]. Do vậy, vấn đề xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ để bầu tại đại hội đảng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của Đảng nói chung và đối với mỗi tổ chức đảng nói riêng. Các đại biểu tham dự đại hội, đại diện cho trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn thể đảng viên trên cả nước, thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan đầu não trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng của Đảng, có trách nhiệm lãnh đạo toàn diện sự nghiệp cách mạng của đất nước trong suốt nhiệm kỳ.
Việc bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương diễn ra trên tinh thần dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm lựa chọn được những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có trí tuệ và tầm nhìn chiến lược để gánh vác trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó. Ban Chấp hành Trung ương có nhiệm vụ quan trọng trong việc đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách lớn để lãnh đạo sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương còn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn để có sự điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, cơ quan này cũng thực hiện công tác xây dựng đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng và hệ thống chính trị. Cùng với việc hoạch định và triển khai các chính sách, Ban Chấp hành Trung ương còn giữ vai trò quan trọng trong việc bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư - những cơ quan thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác của Đảng giữa hai kỳ họp Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương cũng xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng về nhân sự cấp cao, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhân sự khi cần thiết để bảo đảm tính ổn định và phát triển bền vững của Đảng.
Như vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện chính trị trọng đại, là dấu mốc quan trọng, định hướng sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Với vai trò là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Đại hội tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện tình hình đất nước, đề ra đường lối, chủ trương phát triển phù hợp với thực tiễn, đồng thời bầu chọn những cán bộ lãnh đạo ưu tú để dẫn dắt sự nghiệp cách mạng trong nhiệm kỳ mới. Mỗi kỳ Đại hội là cơ hội để Đảng thể hiện tinh thần dân chủ, trí tuệ tập thể và quyết tâm đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Đại hội góp phần củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.