Chủ trương lấy ý kiến Nhân dân góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng
Ngày 03/7/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương ban hành Hướng dẫn số 18-HD/BTGDVTW-BCĐ về tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đối tượng lấy ý kiến gồm cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài.
Về nội dung lấy ý kiến, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thảo luận, góp ý kiến đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng về toàn bộ nội dung hoặc theo từng phần, trong đó tập trung thảo luận vào những vấn đề lớn, quan trọng được thể hiện trong các dự thảo văn kiện, cụ thể:
Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, lấy ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước qua 40 năm đổi mới, về quan điểm, mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới; về cấu trúc và nội dung 13 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2026- 2030.
Đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, các ý kiến xoay quanh việc đánh giá nội dung từng vấn đề, làm rõ mức độ đúng, đầy đủ, hợp lý, những hạn chế, thiếu sót, chưa hợp lý, những gì cần bổ sung, phân tích để làm rõ hơn. Một số vấn đề cơ bản, quan trọng cần thảo luận về bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước tác động đến Việt Nam qua 40 năm đổi mới; về sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng qua 40 năm đổi mới; những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm được đúc kết trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam; dự báo tình hình, quan điểm và các định hướng giải pháp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Đối với Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030, lấy ý kiến về các nội dung về đánh giá tình hình, phương hướng nhiệm vụ.
Đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cho ý kiến các nội dung về công tác xây dựng Đảng, về thi hành Điều lệ Đảng.
Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần được tiến hành dân chủ, khoa học, chất lượng, hiệu quả, thực chất; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp; đề cao trách nhiệm lãnh đạo của người đứng đầu và sự phối hợp giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị. Ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Điều đó cho thấy sự công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị trong xây dựng văn kiện, nghị quyết của Đại hội, thể hiện được sự gắn bó mật thiết giữa “ý Đảng” với “lòng Dân”.
Gaiir pháp phát huy vai trò của Nhân dân
Để phát huy tốt vai trò của Nhân dân trong góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, cần chú ý đến một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền làm chủ, ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ tham gia ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để mỗi người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Đồng thời, mỗi người dân cần nhận thức rõ khi thực hiện nhiệm vụ tham gia ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng chính là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, của dân tộc và đất nước.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế đối thoại, bàn bạc và lắng nghe, xử lý những ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình đã được xác định trong Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ban hành kèm theo Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của Bộ Chính trị; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-02-2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Quy định số 13/QĐ-UBKTTW ngày 18-9-2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp đảng viên và công dân; Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02-01-2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú.
Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải thực sự gần dân, sát dân, thật sự là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tích cực vận động Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững trong tình hình mới.
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc hiện nay. Phát triển bền vững phải gắn với nhu cầu thiết thực, hiệu quả của quản lý Nhà nước không chỉ được đo bằng tốc độ tăng trưởng mà còn bởi khả năng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của Nhân dân.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đội ngũ cán bộ chủ chốt đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; thực sự trọng dân, gần dân, hiểu dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đội ngũ cán bộ chủ chốt đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; thực sự trọng dân, gần dân, hiểu dân; có trách nhiệm và biết phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân, thực sự hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng cần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tạo cơ sở chính trị - pháp lý và niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, cùng Nhân dân xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp hơn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng có nhiều đổi mới cả trong cấu trúc và nội dung thể hiện. Trong đó, nhiều nhận thức mới được kế thừa, bổ sung và phát triển từ những kỳ đại hội trước. Lấy ý kiến và phát huy vai trò Nhân dân tham gia đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng là cơ sở quan trọng để thống nhất về nhận thức, phục vụ tốt nhất cho thảo luận rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, ý chí và nguyện vọng của Nhân dân qua các văn kiện.