Cách mạng vô sản - con đường duy nhất để giải phóng dân tộc
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai nổ ra mạnh mẽ, rộng khắp những kết cục đều thất bại do chưa tìm ra đường lối và phương pháp cứu nước đúng đắn. Trong bối cảnh đó, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Các phong trào giải phóng dân tộc, muốn làm cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, giai cấp vô sản trên thế giới cũng phải đoàn kết lại, đặt dưới sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản.
Với quan điểm cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh dành nhiều công sức nghiên cứu về các cuộc cách mạng tư sản Anh, Pháp, Mỹ, đặc biệt là cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I.Lênin lãnh đạo. Người nhận xét: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi... Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[1]. Như vậy, để có thể giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp một cách triệt để, cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng vô sản, con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, như Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2].
Con đường cách mạng vô sản được Nguyễn Ái Quốc hiện thực hóa qua thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tạo nền tảng cho chính quyền mới tại Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám không chỉ là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa sức mạnh quần chúng và quyết tâm của Đảng.
Cách mạng vô sản chính là con đường duy nhất để đưa cách mạng Việt Nam thoát khỏi những bế tắc về đường lối và phương pháp cách mạng, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và thành công của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX.
Đột phá khoa học công nghệ - động lực quan trọng đưa đất nước vươn mình
Trong thời đại ngày nay, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet of Things (IoT) đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới đối với các quốc gia. Trong khi các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực, Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Các chính sách và chiến lược phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong những năm gần đây đã thể hiện rõ quyết tâm đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thời gian gần đây được thể hiện rõ nhất trong Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (ngày 22/12/2024). Nghị quyết số 57 khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Để thực hiện mục tiêu phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, Đảng và Nhà nước đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực trọng yếu như giáo dục, y tế, sản xuất và quản lý nhà nước. Các chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng được xem là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số, cũng như tạo ra môi trường pháp lý và chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo ra các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục chỉ rõ: “Chỉ đạo các giải pháp để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, coi đây là động lực quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước nhanh và bền vững”[3]. Điều này thể hiện rõ ràng quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc coi khoa học công nghệ và chuyển đổi số là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Hai con đường mà Việt Nam lựa chọn để giải phóng dân tộc và phát triển đất nước đều mang tính lịch sử và chiến lược. Từ con đường cách mạng vô sản dẫn đến thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đến đột phá về khoa học công nghệ và chuyển đổi số hiện nay, tất cả đều nhằm mục tiêu đưa đất nước có những bước phát triển bứt phá và mở ra một thời kỳ phát triển mới.
Từ thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, muốn tiếp tục thành công trong kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để tận dụng những thời cơ, vượt qua những thách thức, đưa ra những quyết sách chiến lược quan trọng. Một trong những quyết sách ấy chính là đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.