Trong bối cảnh xã hội chuyển đổi nhanh, hệ giá trị của gia đình cũng theo đó thay đổi, kéo theo cả những hệ quả tích cực lẫn tiêu cực. Ly hôn là một trong những hiện tượng xã hội khó tránh trong quá trình phát triển. Việc nhìn nhận thẳng thắn về ly hôn dưới góc độ biến đổi hệ giá trị gia đình sẽ góp phần đề xuất các biện pháp nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững.

Ly hôn là hiện tượng xã hội làm biến đổi hệ giá trị gia đình. Ảnh minh họa từ Internet.

Ly hôn- sự thay đổi quan niệm của xã hội

Theo C.Mác, trong điều kiện nào thì hôn nhân hiện tồn không còn là hôn nhân nữa. “Ly hôn chỉ là việc xác nhận một sự kiện: cuộc hôn nhân đã chết, sự tồn tại của nó chỉ là bên ngoài và lừa dối… Việc toà án cho phép phá bỏ hôn nhân chỉ có thể là việc ghi vào biên bản sự tan rã bên trong của nó”[1]. Như vậy, ly hôn là sự kết thúc một cuộc hôn nhân không còn mang lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng.

Kết hôn và ly hôn là hai quá trình của hôn nhân. Nếu kết hôn là bước đầu thì ly hôn là bước cuối cùng của cuộc sống hôn nhân. Theo lý thuyết biến đổi xã hội, con người có nhận thức, quan điểm thay đổi khi xã hội biến đổi[2] và nó có thể thay đổi tích cực hoặc tiêu cực. Xã hội càng phát triển thì nhận thức, quan điểm của con người về hôn nhân, gia đình sẽ thay đổi cùng với sự phát triển đó. Quan niệm ly hôn của các cặp vợ chồng cũng có sự thay đổi trong xã hội phát triển. Trước đây, ly hôn được cộng đồng, xã hội nhìn nhận như một hiện tượng tiêu cực của gia đình. Nó không được chấp nhận trong xã hội truyền thống. Vì thế, các cặp vợ chồng của những thế hệ trước đó không dám nghĩ đến ly hôn mặc dù cuộc sống hôn nhân của họ đã đi vào “ngõ cụt”. Không ít trường hợp phải chấp nhận cuộc sống hôn nhân với quan niệm “để cho con tạo xoay vần”, bởi vì lúc đó, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ hành vi ly hôn, bị đánh giá tiêu cực về nhân phẩm của người ly hôn và cộng với quan niệm “sống vì con” hoặc giả là do phụ nữ phụ thuộc vào người chồng về kinh tế.

Nhưng hiện nay, quan niệm ly hôn đã thay đổi rất nhiều. Ly hôn đã được pháp luật bảo vệ trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đây được coi là quyền của con người khi cuộc sống không còn trọn vẹn, hạnh phúc. Dư luận xã hội không còn quá khắt khe đối với ly hôn và bản thân phụ nữ đã độc lập, tự tin hơn, định kiến xã hội đối với những người ly hôn không còn nặng nề. Chính điều này đã làm cho quan niệm về ly hôn của cá nhân thay đổi. Như vậy, trước đây ly hôn được coi giá trị, thước đo chuẩn mực của con người thì nay, ly hôn đã trở thành quyền của con người. Cộng với sự thay đổi nhận thức, quan niệm của xã hội đã “cởi trói” cho định kiến về ly hôn. Để rồi, ly hôn là giải pháp cứu cánh cho cuộc hôn nhân không hạnh phúc, khép lại hành trình hôn nhân cũ để mở ra một hành trình hôn nhân mới tốt đẹp hơn.

Ly hôn – tác động từ hiện thực xã hội

Theo lý thuyết hiện đại hóa, xã hội công nghiệp đã làm suy giảm tầm quan trọng của gia đình và tăng tỷ lệ ly hôn. Khi các quốc gia tiếp tục phát triển thì tỷ lệ ly hôn gia tăng. Điều này cho thấy, xã hội càng hiện đại sẽ khiến cho tình trạng ly hôn có xu hướng tăng. Sở dĩ là do chức năng của gia đình, các giá trị và các mối quan hệ trong hôn nhân đã có sự thay đổi. Có thể thấy, ly hôn là hiện tượng xã hội không thể cưỡng lại trong quá trình hiện đại hóa. Xã hội phát triển đã làm thay đổi không ít giá trị của gia đình và điều này đã tác động mạnh mẽ đến đời sống hôn nhân, gia đình. Theo đó, sự thay đổi các chức năng gia đình dưới sự tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến ly hôn. Ngoài ra, cũng còn không ít các nguyên nhân khác dẫn đến ly hôn như bất đồng quan niệm, bạo lực gia đình, cái tôi của cá nhân… Theo Tổng Cục Thống kê (2023), cả nước có 32.060 vụ ly hôn được xét xử, tăng gần 8000 vụ so với năm 2016. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng có số vụ ly hôn được xét xử cao nhất cả nước (10.733 vụ) năm 2023. Tiếp đến là Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 5.938 vụ, Đồng bằng sông Hồng có 5.122 vụ, Đông Nam bộ có 4.995 vụ và thấp nhất là Tây Nguyên có 1.815 vụ [3].

Như vậy, kinh tế phát triển góp phần làm cho vùng “cất cánh”, đời sống của nhân dân được tốt hơn nhưng mặt trái của sự phát triển đó là nguy cơ khủng hoảng các mối quan hệ xã hội, trong đó có hôn nhân. Do đó, các giá trị truyền thống tích cực của gia đình trong xã hội phát triển cần được tiếp tục giữ gìn, phát huy là rất cần thiết để duy trì hạnh phúc gia đình.

Giải pháp định hướng biến đổi giá trị gia đình theo hướng tích cực trong bối cảnh mới

Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” đã nhấn mạnh: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”[4]Để thực hiện quan điểm chỉ đạo này, đồng thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong đời sống hôn nhân do sự thay đổi các giá trị gia đình, cần triển khai một số giải pháp nhằm định hướng sự biến đổi hệ giá trị gia đình ở Việt Nam theo hướng tích cực.

Trước hết, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Thực hiện giải pháp có ý nghĩa quan trọng, xuyên suốt trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước. Duy trì các chức năng của gia đình để góp phần củng cố các mối quan hệ hôn nhân. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về gia đình như phân công lao động, tạo điều kiện để tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, quyền ra quyết định trong gia đình. Đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong gia đình để trao đổi, bàn bạc hướng tới tìm ra tiếng nói chung giữa vợ và chồng nhằm thấu hiểu và cảm thông cảm. Hạn chế cái tôi của bản thân theo nguyên tắc “chồng giận thì vợ bớt lời” để cái tôi không còn là nguyên nhân dẫn đến kết thúc của hôn nhân.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì quyền tự do tìm hiểu và quyền định hôn nhân. Đây là yêu cầu cơ bản để đưa đến cuộc hôn nhân. Sự sắp đặt hôn nhân không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Việc phát huy tính tự do trong tìm hiểu giúp cho các bạn trẻ có cơ hội hiểu nhau hơn trước khi về sống chung trong một mái nhà. Qua đó, họ có trách nhiệm đối với quyết định của bản thân về sự lựa chọn ấy. Để làm được điều này, cần phát huy vai trò của các môi trường xã hội hóa cá nhân, đặc biệt là gia đình và nhà trường; gia đình và cộng đồng tôn trọng quyền quyết định trong hôn nhân của giới trẻ; tăng cường công tác định hướng giá trị tình yêu, hôn nhân và gia đình trong giới trẻ và thanh niên.

Một giải pháp không kém phần thiết thực là tăng cường công tác truyền thông về phát huy các giá trị tích cực của gia đình. Đây là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng gia đình hạnh phúc. Lồng ghép các giá trị truyền thống tích cực của gia đình vào các hoạt động nghệ thuật sân khấu, điện ảnh và chương trình truyền hình thực tế. Lồng ghép các giá trị tích cực của gia đình vào trong chương trình giáo dục đại trà và chuyên biệt để thực hiện tốt quá trình xã hội hóa cá nhân cho giới trẻ. Tăng cường truyền thông nhạy cảm giới trong quá trình tuyên truyền về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh truyền thông về những thông tin tích cực của đời sống gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cuối cùng, xây dựng các câu lạc bộ về tình yêu, hôn nhân và gia đình là hướng đi đáng lưu tâm. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ mải theo đuổi ước mơ cho nên không có thời gian tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân. Do đó, xây dựng các câu lạc bộ về tình yêu, hôn nhân và gia đình để có môi trường giúp cho các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu nhau, duy trì chức năng tái sản xuất của gia đình. Để mô hình này phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng nên phối hợp với truyền thông xây dựng nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo các câu lạc bộ hoạt động đúng mục tiêu.

 

[1] C.Mác- Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.234

[2] Lê Thị Quý (2009), Xã hội học Giới, Nxb Lao động, Hà Nội.

[3] Tổng Cục Thống kê (2023),  Niên giám thống kê năm 2022, Nxb Thống Kê, Hà Nội, tr.157-158.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.