Vì sao các nước Đông Nam Á chịu mức thuế cao?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 công bố chính sách thuế mới. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế 10% với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4. Đặc biệt, trong số hơn 180 đối tác thương mại của Mỹ, khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ bị áp thuế cao hơn, dao động từ 15% đến 49%, từ ngày 9/4.
Theo chính sách mới, 6 trong 9 quốc gia Đông Nam Á bị áp mức thuế quan cao hơn nhiều so với dự kiến, trong đó Campuchia ở mức 49%, Lào 48%, Việt Nam 46%, Myanmar 44%, Thái Lan 36%, Indonesia 32%.
Theo các nhà phân tích, một trong những yếu tố khiến các nước này bị đánh thuế cao là có thặng dư thương mại với Mỹ lớn.
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh, các nhà phân tích nói rằng họ không chắc chắn cách Mỹ tính toán mức thuế quan đối ứng với từng quốc gia.
Chúng dường như được tính toán bằng khoảng một nửa mức thuế quan và các rào cản khác mà chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc những quốc gia này áp dụng cho Mỹ.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Jayant Menon, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, đưa ra giả thuyết rằng chúng có vẻ dựa trên con số thâm hụt của Mỹ với nước đó trong năm 2024 chia cho tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó vào Mỹ, sau đó giảm một nửa, với mức sàn là 10%.
Ông nói thêm, điều này có thể chỉ ra lý do tại sao các nước Đông Nam Á phải chịu mức thuế đối ứng cao.
Ví dụ, năm 2024, Mỹ có thâm hụt thương mại 291,9 tỷ USD với Trung Quốc, khi mua 438,9 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Lấy 2 giá trị này chia cho nhau được 0,67, hay 67%, và chia đôi ra tỷ lệ 34% là mức thuế áp lên Trung Quốc.
"Điểm mấu chốt là điều này không có lợi cho hoạt động giao thương và có thể buộc các đối tác thương mại cân nhắc đến việc giảm thiểu rủi ro từ Mỹ", nhà nghiên cứu Menon nhận định.
Các nhà phân tích tại ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore nhận định: "Trong khi thuế đối ứng có tác động trực tiếp đến các nước trong khu vực, tác động phái sinh có thể xuất phát từ việc tăng trưởng chậm hơn ở các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và Mỹ".
Theo họ, tăng trưởng kinh tế ở Thái Lan và Malaysia có khả năng chịu rủi ro cao nhất, trong khi Indonesia và Philippines - những nước có nền kinh tế tập trung nhiều hơn vào trong nước - sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn.
Giải pháp cho ASEAN
Như hầu hết đối tác thương mại khác của Mỹ, các nước Đông Nam Á đến nay phản ứng khá thận trọng với chính sách thuế mới của Washington.
Nhiều nhà phân tích dự đoán lãnh đạo các nước này sẽ cố gắng đàm phán mức thuế quan thấp hơn với chính quyền Tổng thống Donald Trump, ít nhất là về mức ngang bằng với các đối thủ trong khu vực.
Một số nhà phân tích khác cho rằng, mức thuế quan của Mỹ kéo theo rủi ro, nhưng cũng mang lại cơ hội.
Các doanh nhân và nhà phân tích nói, Đông Nam Á nên tìm cách giảm thiểu tác động của mức thuế quan mới của Mỹ bằng cách tăng cường liên kết thương mại nội khối và củng cố quan hệ với các thị trường như châu Âu, Ấn Độ và vùng Vịnh.
"ASEAN không chỉ nên thúc đẩy hội nhập sâu hơn trong khu vực mà còn tìm cách tăng cường mối quan hệ thương mại với các khu vực khác", ông Ong Kian Ming, Phó hiệu trưởng Đại học Taylor tại Malaysia và cựu Thứ trưởng Thương mại Malaysia, cho biết.
Ông nói thêm rằng điều này cần bao gồm "sự hội nhập lớn hơn" thông qua các phương tiện như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), "thực hiện tốt hơn" các quy tắc và chính sách thương mại, và tăng cường các hiệp định thương mại hiện có. Ông lấy Ấn Độ làm ví dụ.
Cả RCEP và CPTPP đều là các hiệp định thương mại tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm lần lượt 15 và 12 quốc gia, mà không có Mỹ.
Wong Chen, một nghị sĩ Malaysia và là chủ tịch ủy ban thương mại và quan hệ quốc tế của quốc hội, cũng chỉ ra trọng tâm của Đông Nam Á hiện nay nên là "mở rộng sang các thị trường khác, đặc biệt là châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh".
Peter Varghese, Hiệu trưởng trường Đại học Queensland tại Australia, nhận định: "Chiến lược tốt nhất thực sự là tìm kiếm mọi cơ hội có thể, đồng thời tập trung nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế và sức mạnh kinh tế trong một môi trường rất khác biệt".
Ông nhấn mạnh thêm: "Đối với Đông Nam Á, điều này có nghĩa là tiếp tục hành động và thực sự hành động để đẩy nhanh tốc độ tự do hóa thương mại và đầu tư của ASEAN, vì rõ ràng là điều đó có hiệu quả".
Theo ông, thế tiến thoái lưỡng nan của ASEAN là muốn có sự cân bằng chiến lược, nhưng lại không có khả năng đóng góp tích cực vào việc xây dựng sự cân bằng chiến lược đó, một phần do sự thiếu liên kết nội khối.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng các chính phủ nhiều khả năng sẽ đàm phán trực tiếp với chính quyền Tổng thống Trump để giảm thuế suất hoặc tìm kiếm sự cạnh tranh thay vì hợp tác với các nước láng giềng để khai thác sự khác biệt trong mức thuế áp dụng cho mỗi quốc gia.
Nguồn: dantri.com.vn