(thinhvuongvietnam.com) - Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga được xây dựng, vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử, dựa trên nền tảng của quan hệ Việt Nam – Liên Xô (cũ) được thiết lập từ năm 1950. Năm 2001, Việt Nam – Liên bang Nga nâng cấp quan hệ “đối tác chiến lược” và đến năm 2012, hai nước tiếp tục nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Hiện nay, quan hệ Việt - Nga đều có những điểm tương đồng trong định hướng chính sách đối ngoại. Đây là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, ổn định và phát triển.

Chính sách đối ngoại của hai nước đều coi trọng ưu tiên đối với nhau

Về phía Việt Nam, luôn coi Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn cùng Nga củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và làm sâu sắc hơn khuôn khổ “Đối tác chiến lược toàn diện” đã được xác lập. Việt Nam nhận thức rằng, Liên bang Nga là một nước lớn, đang đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới nói chung và đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng. Việt Nam sẽ tiếp tục dựa trên những giá trị cốt lõi trong mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Liên bang Nga để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, tiếp tục coi Nga là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Về phía Liên bang Nga, trong những năm qua, Nga thúc đẩy “Chính sách hướng Đông”, xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong những đối tác được Liên bang Nga tiếp tục coi trọng trong thời gian tới. Nga cho rằng: việc tăng cường vị thế của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia đó như một chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình, vì Nga là một bộ phận của khu vực địa chính trị phát triển năng động này. Thời gian qua, Nga đặc biệt chú trọng quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, ASEAN và một số đối tác khu vực khác. Nga xác định: Trên hướng châu Á - Thái Bình Dương, ưu tiên đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, nhân đạo và các lĩnh vực khác với các quốc gia trong khu vực và ASEAN, hình thành trong khu vực cấu trúc an ninh toàn diện, mở, không thể chia cắt, minh bạch, đa phương, bình đẳng và hợp tác cùng có lợi. Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga sẽ bổ trợ cho quan hệ ASEAN –Nga trong tương lai.

Quan hệ Việt Nam – Nga không nhằm chống lại bên thứ ba

Cả hai nước đồng quan điểm hợp tác Việt – Nga không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba nào, có độ tin cậy cao và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới[1]. Việt Nam – Nga đều ủng tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, ủng hộ ASEAN sớm kết thúc đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Một khu vực Đông Nam Á hòa bình cũng phù hợp với lợi ích lâu dài của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Cả hai nước đều coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương

Ở cơ chế đa phương khu vực, Nga và Việt Nam đều coi trọng ASEAN. Đối với Nga, quốc gia này coi ASEAN là trụ cột quan trọng trong “Chiến lược Đại Âu – Á” của mình. Vì vậy tại các cơ chế đa phương do ASEAN dẫn dắt, Nga ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nga coi ASEAN là "đối tác tự nhiên" trong quá trình định hình cấu trúc an ninh Á - Âu trong tương lai. Trong khi đó, Việt Nam coi ASEAN là tổ chức đóng vai trò trụ cột trong định hướng đối ngoại của Việt Nam trong kỷ nguyên mới: đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định; triển khai mạnh mẽ chiến lược hội nhập quốc tế; nâng tầm công tác đối ngoại đa phương. Việt Nam và các thành viên ASEAN cũng đang tích cực giữ “vai trò trung tâm của ASEAN” trong cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong mối quan hệ này, Việt Nam là cầu nối để thúc đẩy quan hệ Nga – ASEAN và quan hệ giữa Đảng nước Nga Thống nhất (đảng cầm quyền ở Nga hiện nay) với các chính đảng ở Đông Nam Á, nhằm phát huy trách nhiệm của các chính đảng trong trong hợp tác quốc tế vì các mục tiêu chung. Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện để Nga tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN chủ trì như: như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS)... tạo môi trường hòa bình, an ninh và phát triển.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Nga ủng hộ các sáng kiến của Việt Nam trong các năm Việt Nam đăng cai tổ chức Thượng đỉnh APEC (2006, 2017). Đây là những sáng kiến nhằm làm sâu rộng thêm sự liên kết kinh tế giữa các thành viên trong khu vực, hỗ trợ phát triển bền vững (đặc biệt là an ninh lương thực bền vững trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á đang đối diện với biến đổi khí hậu cực đoan), đổi mới và bao trùm, gia tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ… Chính phủ Nga sẵn sàng phối hợp với Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn APEC-2027. Trong cơ chế BRICS, Nga là thành viên đóng vai trò đầu tàu, sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam và các nước ASEAN mở rộng hợp tác kinh tế với các nước trong nhóm BRICS.

Ngoài ra, tại các cơ chế đa phương toàn cầu, hai nước đều có sự ủng hộ , hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, thiện chí, đặc biệt là Liên Hợp Quốc. Hai bên thường xuyên chia sẻ, phối hợp lập trường trên nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, trên tinh thần cởi mở, minh bạch, tin cậy lẫn nhau. Cả hai nước đều quan tâm đến giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, nhất là trong lĩnh vực hoà bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy bảo đảm thực hiện Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Việt Nam ủng hộ việc giải quyết xung đột Nga – Ucraina dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến vai trò và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

Như vậy, hợp tác Việt Nam – Nga hiện nay đang đi đúng định hướng và phù hợp với chính sách đối ngoại của cả hai nước. Sự phối hợp, hợp tác mang tính xây dựng, thiện chí, hiệu quả giữa hai nước cả về song phương và đa phương sẽ góp phần cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

 

[1] Điều 3 của Hiệp ước năm 1994 ghi rõ: “Hai bên ký kết Hiệp ước sẽ trao đổi ý kiến với nhau ở các cấp độ khác nhau về tất cả các vấn đề quan trọng có liên quan đến lợi ích hai nước và thực hiện những cuộc tiếp xúc qua con đường ngoại giao. Không bên nào trong hai bên sẽ ký kết với nước thứ ba những hiệp ước, hiệp định hoặc có các hành động xâm hại đến chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của bên kia. Trong trường hợp xuất hiện tình huống, theo ý kiến của một trong hai bên, sẽ tạo ra nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế, có thể kéo theo những phức tạp quốc tế, hai bên sẽ ngay lập tức tiếp xúc với nhau để tham vấn nhằm ngăn chặn nguy cơ đó”.