Ngoại trưởng Marco Rubio hôm 18/4 cảnh báo Mỹ có thể "rút lui" khỏi các nỗ lực đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine nếu không đạt được thỏa thuận trong vài ngày tới.
"Đã đến lúc chúng ta cần quyết định và xác định liệu điều này có khả thi hay không, đó là lý do chúng tôi phải tương tác với cả hai bên", Ngoại trưởng Rubio nói tại thủ đô Paris, Pháp, nơi ông và đặc phái viên Steve Witkoff gặp các đối tác châu Âu để thảo luận về việc chấm dứt chiến sự ở Ukraine.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hôm 18/4. Ảnh: AP
Ông cho biết chính quyền Mỹ đã nỗ lực trong nhiều tháng nhằm chấm dứt giao tranh, nhưng họ có thể phải dừng lại nếu không còn lộ trình nào khả thi khi vấp phải trở ngại từ cả Ukraine lẫn Nga.
"Chúng ta cần phải xác định ngay lập tức, tôi đang nói tới thời gian chỉ vài ngày, rằng liệu trong vài tuần tới, điều đó có khả thi hay không", Ngoại trưởng Mỹ nói.
Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump cũng phát đi thông điệp tương tự. "Nếu vì lý do nào đó mà một hoặc cả hai bên làm cho mọi việc trở nên cực kỳ khó khăn, chúng tôi sẽ phải nói rằng 'các bạn thật ngốc nghếch, các bạn là những kẻ ngốc, những kẻ tồi tệ", ông cho hay. "Và chúng tôi sẽ rút lui. Nhưng hy vọng chúng tôi không phải làm điều này".
Ukraine và Nga tháng trước đồng ý về một lệnh ngừng bắn hạn chế, trong đó có việc dừng các cuộc tấn công vào hạ tầng năng lượng của nhau, nhưng chưa thể thống nhất về thỏa thuận nhanh chóng đóng băng xung đột như mong muốn của ông Trump.
Dù vậy, chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga Mark N. Katz nhận định việc các bên có thể đạt được tiến triển đáng kể về lệnh ngừng bắn trong "vài ngày" sau lời đe dọa rút lui của ông Trump là điều không thực tế.
"Tất nhiên họ muốn mọi thứ tiến triển nhanh chóng", Katz nói về chính quyền Trump. "Nhưng tôi nghĩ mục tiêu cuối cùng của họ khi đưa ra tuyên bố như vậy là nhằm thúc đẩy điều gì đó".
Giáo sư Michael A. Allen của Đại học Boise State, Mỹ, lưu ý đến việc Tổng thống Trump đã bày tỏ kỳ vọng rằng thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine sẽ sớm được hoàn tất. Phó tổng thống JD Vance hôm 18/4 cũng thể hiện giọng điệu lạc quan hơn khi thảo luận về các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Ukraine và Nga trong chuyến thăm Italy.
Bởi vậy, Allen cho rằng lời đe dọa rút lui khỏi đàm phán của Ngoại trưởng Rubio và Tổng thống Trump có thể là một chiến thuật để buộc Nga phải nghiêm túc hơn trong nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn, sau khi ông Trump cho thấy đang ngày càng cạn kiên nhẫn với Moskva.
"Nhìn vào ẩn ý của nó và những gì ông Rubio nói ra thì nỗi thất vọng lần này của Mỹ không phải hướng về Ukraine, mà là Nga", Allen nói. "Mỹ không nhận được các thỏa thuận mới hay bất kỳ cam kết nào của Nga hướng tới một lệnh ngừng bắn ổn định".
Allen suy đoán chính quyền Trump dường như đã nhận ra rằng Nga đang tìm cách câu giờ bất chấp nỗ lực thúc đẩy đàm phán của Mỹ. Ukraine tháng trước đã nhanh chóng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một lệnh ngừng bắn toàn diện, nhưng Nga liên tục nêu ra các điều kiện gần như bất khả thi để đạt thỏa thuận.
Theo Katz, muốn biết thông điệp của chính quyền Trump khi đưa ra cảnh báo rút lui khỏi nỗ lực đàm phán hòa bình, "chúng ta phải biết Tổng thống Mỹ đang đổ lỗi cho ai về việc không đạt được thỏa thuận".
"Nếu Mỹ đổ lỗi cho Nga, cảnh báo đó sẽ là tín hiệu cho thấy ông Trump đang mất kiên nhẫn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và trong trường hợp hòa đàm chấm dứt, hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine vẫn sẽ tiếp tục, thậm chí tăng thêm", ông nói. "Nếu Mỹ đổ lỗi cho Ukraine, vấn đề cơ bản nhất được đặt ra sẽ là liệu hỗ trợ quân sự của họ dành cho Kiev có được giữ nguyên hay không?".
Katz lưu ý trong bối cảnh quân đội Nga đang giành lợi thế trên chiến trường, Tổng thống Putin có lẽ tin rằng ông không cần phải vội vàng đạt thỏa thuận ngừng bắn hay chấm dứt xung đột nếu chưa giành được lợi ích tối đa.
Theo Andrew Roth, nhà phân tích kỳ cựu của Guardian về các vấn đề toàn cầu, chìa khóa quan trọng cho một cuộc đàm phán thành công là tâm thế luôn sẵn sàng rời khỏi bàn đàm phán. Nhưng hiện chưa rõ liệu cảnh báo từ bỏ hòa đàm Nga - Ukraine là chiến thuật đàm phán của chính quyền Trump hay họ chỉ đơn giản đang thực sự mất kiên nhẫn.
Đã có rất nhiều cuộc gặp diễn ra. Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Trump, nói ba lần nói chuyện với Tổng thống Putin. Ngoại trưởng Rubio cũng không ít lần điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy hai bên đã đạt được bước tiến mới.
Ngoại trưởng Rubio rõ ràng muốn thể hiện nỗi thất vọng với tuyên bố hôm 18/4, một ngày sau khi Tổng thống Trump nói ông đang chờ phản hồi của Nga về một khuôn khổ được đề xuất cho thỏa thuận hòa bình.
Nhưng nếu chính quyền Trump từ bỏ hòa đàm và ngừng hoàn toàn hỗ trợ Ukraine, đây chắc chắn là điều Nga mong muốn, bởi khi đó, Kiev sẽ mất đi một đồng minh cũng như một nhà ủng hộ tài chính cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến.
"Nga đang cố gắng kéo dài thời gian với tính toán rằng nếu không nhận được một thỏa thuận có lợi từ Nhà Trắng, họ cũng sẽ khiến Tổng thống Trump mất kiên nhẫn và từ bỏ vai trò của mình", Roth nhận định.