Năm 2021, tại cuộc họp đầu tiên đầy căng thẳng giữa các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc và những người đồng cấp của họ trong chính quyền Biden, nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh, Dương Khiết Trì, đã tuyên bố rằng Mỹ không còn có thể “nói chuyện với Trung Quốc từ vị thế của kẻ mạnh.” Tuyên bố này – có lẽ khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan bối rối – đã cho thấy rõ quan điểm chiến lược của Trung Quốc. Trong bốn năm qua, Bắc Kinh hành động dựa trên giả định rằng đang có một sự thay đổi sâu sắc trong cán cân quyền lực giữa hai nước. Các nhà chiến lược Trung Quốc nhận thấy “điểm yếu chiến lược” kéo dài hàng thập kỷ của đất nước họ trong cuộc cạnh tranh với Mỹ đã biến mất, nhờ vào những tiến bộ ổn định trong năng lực công nghiệp, công nghệ, và quân sự của Trung Quốc và sự gia tăng ảnh hưởng quốc tế của nước này. Tiến trình này theo đó mở ra cái mà Bắc Kinh gọi là “bế tắc chiến lược” với Mỹ, trong đó hai bên hiện sở hữu sức mạnh tương đương.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử không làm lay chuyển sự lạc quan của Bắc Kinh, rằng họ có thể vượt qua những mối đe dọa liên tục từ Mỹ, đảm bảo một thế cân bằng lâu dài, và cạnh tranh giành vị thế bá quyền toàn cầu. Và những hành động đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump đã củng cố niềm tin của Bắc Kinh, rằng Mỹ đang đẩy nhanh sự suy yếu của chính mình, đưa một kỷ nguyên ngang bằng sức mạnh đến gần hơn bao giờ hết. Việc Trung Quốc nhận ra rằng họ không phải đối mặt với mối đe dọa sống còn từ Mỹ đã có tác động ổn định đến chính sách ở Bắc Kinh. Họ đã phản ứng với việc Trump leo thang căng thẳng thương mại vào tháng 4 bằng sự kiên nhẫn, dự đoán rằng Trump cuối cùng sẽ phải giảm thuế quan của Mỹ để đạt được thỏa thuận.
Dù nguy cơ xung đột trực tiếp, tức thời giữa Mỹ và Trung Quốc khá thấp, nhưng thế bế tắc hiện tại có thể không kéo dài. Trong bốn năm tới, nguy cơ xảy ra khủng hoảng quân sự có thể gia tăng khi hai nước ngày càng thử thách quyết tâm của nhau. Vào thời điểm nhiệm kỳ thứ hai của Trump kết thúc, Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội để đánh giá lại môi trường chính trị trong nước của Mỹ, cũng như cam kết của nước này đối với Đài Loan, sự phụ thuộc của nền kinh tế toàn cầu vào ngành công nghiệp bán dẫn của hòn đảo này, và quỹ đạo phát triển kinh tế và hiện đại hóa quân sự của chính Trung Quốc.
Nguy cơ khủng hoảng quân sự Mỹ-Trung có thể leo thang mạnh mẽ nếu Bắc Kinh tiếp tục thu hẹp khoảng cách năng lực với Washington, và tin vào sự thờ ơ của quốc tế đối với tình trạng của Đài Loan, hoặc nếu họ cảm thấy thất vọng với những nỗ lực phi quân sự để thống nhất Đài Loan với Trung Quốc, và dự đoán sẽ có nhiều lãnh đạo ủng hộ Đài Loan hơn ở Washington và Đài Bắc. Thế bế tắc chiến lược hiện tại có thể nhanh chóng biến thành một thứ gì đó bất ổn hơn – và nguy hiểm hơn – cho cả hai nước.
ĐÁNH BẠI KẺ MẠNH
Bắc Kinh luôn sẵn sàng chờ đợi thời cơ khi Trump đơn phương làm suy yếu vị thế của Mỹ trên thế giới. Bất chấp các mức thuế quan mạnh tay của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nhiều nhà chiến lược Trung Quốc đã xem nhẹ những lo ngại thường xuyên được quốc tế bày tỏ, rằng thương chiến làm tăng nguy cơ xung đột quân sự. Trong mắt họ, căng thẳng thương mại gia tăng chỉ đơn giản là giai đoạn đầu tiên trong chiến thuật đàm phán đặc trưng của Trump: gây sức ép lớn, sau đó lùi bước, và đạt được thỏa thuận. Trung Quốc dường như sẵn lòng để chiến lược mang thương hiệu Trump diễn ra theo đúng trình tự, kỳ vọng nó sẽ thất bại khi Mỹ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế và ngoại giao nghiêm trọng.
Bắc Kinh cũng cho thấy họ ít có xu hướng khởi xướng xung đột quân sự trong ngắn hạn, ngay cả đối với các vấn đề lợi ích quốc gia cốt lõi như Đài Loan. Tuy nhiên, thái độ kiềm chế này đi kèm với việc tăng cường sức mạnh quân sự, bao gồm cả lực lượng thông thường và hạt nhân, mà các quan chức Trung Quốc cho là rất quan trọng để thay đổi cán cân quyền lực với Mỹ. Sự ám ảnh của Trump về việc “giữ thế thượng phong” trong các tranh chấp quốc tế chỉ củng cố thêm niềm tin của Bắc Kinh rằng sức mạnh cứng mới giúp người ta thống trị. Và Bắc Kinh tin rằng họ đang ở vị thế có thể giành được thế thượng phong.
Dù Trump tuyên bố muốn đàm phán kiểm soát vũ khí với Trung Quốc và Nga, các quan chức ở Bắc Kinh cho rằng việc Nhà Trắng đưa ra quyết định một cách thất thường và thiếu nhất quán là một trở ngại cho bất kỳ thỏa thuận lớn tiềm năng nào. Họ không muốn theo đuổi các biện pháp an ninh mang tính hợp tác và ưu tiên phát triển năng lực quân sự của riêng Trung Quốc. Khi uy thế toàn cầu của Mỹ suy yếu nhanh chóng, áp lực quốc tế đòi buộc Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí cũng sẽ giảm đi. Hơn nữa, Bắc Kinh tin rằng cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang suy yếu, bị cản trở bởi một hệ thống quản trị ngày càng rối loạn. Các tuyên bố của Trump, bao gồm cả cam kết duy trì quân đội hùng mạnh nhất thế giới và đề xuất xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Vàng,” không còn khiến Bắc Kinh lo lắng như trước. Khi Mỹ chuyển hướng nguồn lực sang những nỗ lực viển vông nhằm bảo vệ lãnh thổ trước các khả năng tấn công chi phí thấp của Trung Quốc, thì thật ra, Bắc Kinh đã làm căng thẳng nguồn lực của Mỹ mà không tốn kém gì cho chính mình.
Việc Trung Quốc củng cố sức mạnh quân sự và đánh giá của họ về tình trạng trì trệ của Mỹ cũng khuyến khích Bắc Kinh hành động quyết đoán hơn để định hình hành vi của các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực. Khi năng lực và uy tín của Washington dần xói mòn, Trung Quốc đang công khai ve vãn các đồng minh của Mỹ như Australia, Nhật Bản, và Hàn Quốc, nhưng cũng vạch ra những lằn ranh đỏ cứng rắn hơn xung quanh các lợi ích cốt lõi của mình. Việc Trung Quốc đồng thời tăng cường các hoạt động kinh tế, ngoại giao, và phô trương sức mạnh quân sự, thể hiện rõ trong các cuộc tập trận quy mô lớn gần Australia và Nhật Bản vào tháng 2, theo quan điểm của Trung Quốc, là những hành động đặc trưng của một cường quốc mà họ tin rằng mình đã trở thành.
ĐỐI ĐẦU Ở EO BIỂN
Đứng đầu trong số những lợi ích đó là Đài Loan. Bất chấp căng thẳng chính trị và quân sự gia tăng tại khu vực eo biển kể từ khi Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nhậm chức vào năm 2024, Hội nghị Công tác Đài Loan của Trung Quốc vào tháng 2 và kỳ họp “Lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 3 năm nay đã cho thấy chiến lược ngắn hạn đối với Đài Loan của Bắc Kinh sẽ tiếp tục được duy trì chứ không thay đổi. Chiến lược này kết hợp sự kiên nhẫn với việc mở rộng quyền kiểm soát đối với quan hệ xuyên eo biển một cách có phương pháp và có hệ thống, qua đó cho thấy nguy cơ tấn công trong ngắn hạn không tăng lên đáng kể.
Dù các cuộc họp gần đây của ĐCSTQ không gợi ý về một động thái quân sự sắp xảy ra nhắm vào hòn đảo, nhưng nguy cơ xảy ra xung đột trong trung hạn đang gia tăng. Trong những năm gần đây, chiến lược của Bắc Kinh đã phát triển từ chủ yếu ngăn chặn Đài Loan giành độc lập sang tích cực theo đuổi thống nhất, lên đến đỉnh điểm là kế hoạch năm 2021 của ĐCSTQ với tên gọi “Chiến lược tổng thể giải quyết vấn đề Đài Loan trong kỷ nguyên mới.” Các chi tiết trong kế hoạch vẫn chưa được tiết lộ, nhưng cách tiếp cận mới dường như nhấn mạnh việc tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong xã hội Đài Loan, thúc đẩy người Đài Loan xem thống nhất là lựa chọn ít tệ nhất đối với họ. Theo các nhà chức trách ở Đài Loan, Bắc Kinh đã hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự, đảng phái chính trị và những người có ảnh hưởng ở Đài Loan để làm suy yếu các luận điểm của Đài Bắc, cấp thẻ căn cước Trung Quốc cho công dân Đài Loan, và thậm chí giành được lời thề trung thành từ các sĩ quan quân đội Đài Loan. Trung Quốc có thể cho rằng những biện pháp này là hợp pháp, trong khi các biện pháp đối phó của Đài Loan, chẳng hạn như kế hoạch 17 điểm của Lại Thanh Đức nhằm chống lại sự xâm nhập từ đại lục, lại bị Bắc Kinh xem là hành động ủng hộ độc lập, buộc Trung Quốc phải tăng cường các cuộc xâm nhập trên không và trên biển, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn hơn và táo bạo hơn. Bắc Kinh, vốn đã quay lưng với chính quyền của Lại, giờ đây không còn hy vọng rằng một nhà lãnh đạo thân Trung Quốc sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2028, theo đó khiến khả năng leo thang căng thẳng với Đài Bắc tăng lên. Và sau cùng, ngay cả các biện pháp thống nhất phi quân sự mà Bắc Kinh cho là hòa bình cũng tiềm ẩn nguy cơ leo thang quân sự thành xung đột toàn diện, một cuộc xung đột có thể lôi kéo người Mỹ.
Việc Trump thiếu các ưu tiên chính sách đối ngoại rõ ràng càng làm tăng rủi ro này. Việc ông chần chừ không muốn tham gia vào các cuộc xung đột với một cường quốc, thiếu quan tâm đến việc bảo vệ các nền dân chủ khác, và cam kết không vững chắc đối với Đài Loan là những mối quan tâm lớn của các quan chức Trung Quốc. Nhiều người ở Bắc Kinh tin rằng nếu có tổng thống Mỹ nào có thể âm thầm dung túng việc Trung Quốc cưỡng chiếm Đài Loan, thì đó chính là Trump. Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc vào đầu tháng 4 ở Eo biển Đài Loan một phần là nhằm thăm dò quyết tâm của ông. Các tuyên bố lên án của chính quyền Trump không gây ấn tượng với Bắc Kinh, và các nhà phân tích Trung Quốc đã nhấn mạnh bản chất ‘im lặng’ tương đối trong phản ứng của Mỹ.
Các lực lượng kiềm chế khác cũng đang suy yếu nhanh chóng. Khi Mỹ bắt đầu có các hành động cưỡng ép trắng trợn đối với các đồng minh và đối thủ, các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực và xa hơn nữa đang phải đối mặt với những tình thế lưỡng nan mới. Họ có ít động lực hơn để đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt là vì nước này đã tự định vị mình là một cường quốc toàn cầu tương đối dễ đoán định và ít gây rối loạn hơn, đồng thời liên tục vượt trội hơn Mỹ về tăng trưởng kinh tế và quân sự. Nếu khối phương Tây do Mỹ lãnh đạo bị phân mảnh, ý chí và khả năng quốc tế gây áp lực buộc Trung Quốc kiềm chế ở Đài Loan có thể dần suy yếu trong một thế giới ngày càng đa cực.
THU HÚT KHÁN GIẢ?
Về phần mình, chính quyền Trump đang tăng cường khả năng răn đe quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về các hành động hung hăng của Bắc Kinh ở châu Á. Tuy nhiên, những rạn nứt nội bộ đã cản trở nỗ lực này. Những ‘cuộc đại tu’ thất thường, gây rối loạn ở Lầu Năm Góc và bộ máy hành chính rộng hơn, được thúc đẩy bởi những người trung thành với chính quyền đang háo hức triển khai chương trình nghị sự của tổng thống, đã khiến Bắc Kinh nghi ngờ khả năng tăng cường năng lực quân sự của Mỹ. Các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng cũng không hoàn toàn nhất trí về tầm quan trọng của Đài Loan trong chiến lược của Mỹ. Chẳng hạn, Elbridge Colby, người đứng đầu chính sách của Lầu Năm Góc, đã nói rằng “người Mỹ có thể tồn tại mà không có nó [Đài Loan]” và thay vào đó đang thúc đẩy việc ngăn chặn sự thống trị khu vực rộng lớn hơn của Trung Quốc. Cam kết dao động của chính Trump đối với Đài Loan cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến mọi chuẩn bị quân sự trở nên vô nghĩa. Việc ông sa thải các quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia bị cho là không cam kết đủ với chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những người đồng quan điểm trong toàn bộ chính quyền.
Trong khi đó, căng thẳng leo thang do thương chiến đã củng cố sự đoàn kết dân tộc ở Trung Quốc. Ngay cả những nhà chiến lược có tư tưởng tự do nhất của nước này, những người trước đây ít khi chỉ trích chính sách của Mỹ, giờ đây cũng gọi Washington là kẻ gây hấn và ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn để đối phó với áp lực kinh tế và chính sách đối ngoại của Mỹ. Đối với nhiều người, dự đoán của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ” dường như đã trở thành sự thật. Tuy nhiên, sự đồng thuận nội bộ ngày càng tăng khiến Bắc Kinh ít có khả năng tự kiểm điểm một cách nghiêm túc để đánh giá khách quan kế hoạch chiến lược của mình – mà nhiều khả năng sẽ tăng cường xây dựng quân đội và theo đuổi thống nhất.
Tương tự, việc Trump yêu cầu lòng trung thành và lạm dụng quyền hành pháp để ép buộc các cơ quan chính phủ phải tuân thủ đã làm suy yếu khả năng tự đánh giá của chính quyền Mỹ. Nếu không có tiếng nói bất đồng trong chính quyền, Mỹ sẽ không thể lập kế hoạch và phát triển khả năng răn đe quân sự hiệu quả và quản lý có trách nhiệm các cuộc khủng hoảng quân sự trong tương lai.
Cuối cùng, những động lực nội bộ này – chứ không phải những tranh chấp thương mại và chính sách đối ngoại kéo dài – mới là mối đe dọa lớn nhất biến thế bế tắc chiến lược thành khủng hoảng nghiêm trọng. Để giảm thiểu rủi ro xung đột thảm khốc, các nhà chiến lược ở Bắc Kinh và Washington nên nhìn vào bên trong và xem xét kỹ lưỡng giới lãnh đạo của chính họ, trước khi thế bế tắc mong manh này không còn duy trì được nữa.
Nguồn: nghiencuuquocte.org.vn