(thinhvuongvietnam.com) - Quan hệ Việt Nam - Liên Bang Nga là mối quan hệ truyền thống, hữu nghị được xây dựng trên nền tảng lịch sử lâu dài, bền vững. Ngày nay, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, diễn biến phức tạp, nhưng quan hệ hai nước vẫn vững vàng và có thêm những động lực phát triển mới.

Nền tảng lịch sử vững chắc

Ngay từ những năm 1920, khi phong trào cách mạng Việt Nam còn đang ở giai đoạn tìm đường đi, nước Nga Xô viết - thành quả của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại - đã trở thành ngọn hải đăng soi sáng con đường giải phóng dân tộc ở Việt Nam, với vai trò đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người đã kết nối tinh thần cách mạng Nga với cách mạng Việt Nam.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà trung tâm là Liên Xô, ngày càng mật thiết. Nhiều nhà cách mạng tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam như đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập… đã học tập, rèn luyện tại Liên Xô và trở thành những người lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam.

Năm 1950, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó, hai nước đã duy trì mối quan hệ khăng khít. Đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Liên Xô đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình. Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam khối lượng lớn vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại. Hàng nghìn chuyên gia Liên Xô đã trực tiếp làm việc tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành cùng quân dân Việt Nam trong những thời khắc cam go nhất.

Không chỉ giúp đỡ trong chiến tranh, Liên Xô còn là người bạn lớn trong sự nghiệp tái thiết và xây dựng Việt Nam sau chiến tranh, đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ toàn diện từ kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật đến giáo dục - đào tạo. Hàng trăm công trình kinh tế - kỹ thuật, văn hóa trọng điểm, các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học... đã được xây dựng bằng nguồn vốn và công nghệ của Liên Xô. Hiện nay, tại Việt Nam nhiều công trình lớn đó vẫn còn nguyên giá trị, tiêu biểu như Nhà máy Thủy điện Hoà Bình, Cầu Thăng Long, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, v.v..

Đặc biệt, Liên Xô đã tiếp nhận hàng chục nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập trong các lĩnh vực kỹ thuật, y tế, kinh tế, giáo dục, quốc phòng. Đội ngũ trí thức ưu tú này sau khi trở về đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nhiều người đã trở thành những cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị Việt Nam. Sự đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ chân thành, vô tư và tình đoàn kết cao cả của Liên Xô trong quá khứ là di sản lịch sử quý báu để hai nước tiếp tục vun đắp, xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị trong thời kỳ mới.

Sau khi Liên Xô tan rã (1991), Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị với Liên Bang Nga. Năm 2001, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, khẳng định vai trò then chốt của quan hệ song phương đối với mỗi nước. Đến năm 2012, quan hệ này được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một khuôn khổ phát triển mới cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.

Trong khuôn khổ này, hợp tác chính trị - ngoại giao tiếp tục được tăng cường với sự tin cậy cao giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Hợp tác quốc phòng - an ninh là một điểm sáng. Nga là đối tác chính cung cấp thiết bị, công nghệ quốc phòng và hỗ trợ đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước dù chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn giữ đà ổn định. Một dấu ấn đặc biệt trong hợp tác kinh tế là lĩnh vực năng lượng. Các liên doanh như Vietsovpetro, Rusvietpetro đã hoạt động hiệu quả trong nhiều năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho lao động hai nước.

Mối quan hệ Việt - Nga không chỉ tồn tại ở cấp nhà nước mà còn được nuôi dưỡng bởi tình cảm nhân dân. Hàng trăm nghìn người Việt Nam từng học tập, làm việc tại Nga chính là những “sứ giả” đặc biệt duy trì mối quan hệ gần gũi và bền chặt. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Nga có khoảng 80.000 người[1], sống hòa nhập vào xã hội Nga. Ngược lại, nhiều thế hệ người Nga có tình yêu sâu sắc đối với đất nước và con người Việt Nam. Ngày 27/2/2025, tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Bang Nga (30/01/1950 - 30/01/2025), Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về hợp tác văn hóa quốc tế Mikhail Shvydkoi xúc động nói: “Với nhiều thế hệ người Nga, tình yêu Việt Nam không cần dạy mà có”[2]. Việt Nam hiện cũng là một trong những điểm đến yêu thích nhất của du khách Nga ở Đông Nam Á.

Động lực phát triển mới

Quan hệ Việt Nam - Liên Bang Nga được xây dựng trên nền móng lịch sử đặc biệt: mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau suốt chiều dài lịch sử. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, “trên thế giới, ít có đất nước nào luôn chiếm một tình cảm sắt son, sâu đậm trong lòng các thế hệ người Việt Nam như Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay”[3]. Chính nền tảng lịch sử vững chắc này là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước thời gian tới.

Cùng với đó, quan hệ Việt Nam – Liên Bang Nga còn được tiếp thêm nhiều động lực mới từ nhu cầu hợp tác và lợi ích của nhân dân hai nước trong bối cảnh mới.

Đối với Liên Bang Nga, Việt Nam như một đối tác chiến lược quan trọng trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động sâu sắc. Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ năm 2022, Nga đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây và bị cô lập trên các mặt trận ngoại giao - kinh tế, vì vậy việc mở rộng và củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống, thân thiện ở châu Á trở thành ưu tiên cấp thiết. Trong chiến lược “hướng Đông” của Nga, Việt Nam được xem là “đối tác không thể thay thế” tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, vị thế, vai trò ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế càng khiến Nga coi trọng sự hợp tác với Việt Nam như một phần trong nỗ lực đa phương hóa quan hệ quốc tế, giảm sức ép từ phương Tây.

Ngược lại, đối với Việt Nam, Liên Bang Nga là một đối tác thiết yếu vì nhiều lý do chiến lược. Thứ nhất, Nga là cường quốc về năng lượng, quốc phòng, khoa học - công nghệ và giáo dục, đặc biệt là công nghệ năng lượng hạt nhân, những lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên phát triển nhằm hiện đại hóa đất nước. Thứ hai, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh chiến lược phức tạp, Việt Nam cần đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, giảm phụ thuộc vào bất kỳ một đối tác nào, mà việc tăng cường hợp tác với Nga là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương, độc lập, tự chủ. Đồng thời, việc duy trì quan hệ ổn định với Nga cũng góp phần bảo đảm cân bằng chiến lược trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Vì tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ Việt - Nga đối với mỗi nước, thời gian gần đây, quan hệ hai nước được củng cố, thúc đẩy thông qua các cuộc gặp gỡ cấp cao, phản ánh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Dưới đây là một số sự kiện nổi bật:

- Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 6/2024. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Putin đã gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết 11 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, khoa học, công nghệ, năng lượng và quốc phòng.

- Chuyến thăm của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đến Việt Nam vào tháng 1/2025. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Mishustin đã hội đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự, nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

- Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn sang Liên Bang Nga vào tháng 9/2024. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã hội đàm với Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matvienko. Hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước và thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương.

- Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Liên bang Nga vào tháng 10/2024 theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến thăm này không chỉ thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ với Liên bang Nga mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương như BRICS.

- Chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm ngày Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945) vừa qua. Nhân chuyến thăm này, hai nước đã ra Tuyên chung khẳng định mối quan hệ bền vững giữa hai nước và hướng đến việc tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Những chuyến thăm cấp cao giữa hai nước cùng với những tuyên bố và cam kết hợp tác giữa hai nước là cơ sở, động lực thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.

 

[1] Báo điện tử Dân trí, “Cộng đồng người Việt Nam ở Nga vui mừng đón Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam”, https://dantri.com.vn, ngày 11/5/2025.

[2] Báo Quân đội nhân dân, “Với nhiều thế hệ người Nga, tình yêu Việt Nam không cần dạy mà có”, https://www.qdnd.vn, ngày 28/2/2025.

[3] Báo Tuổi trẻ, “Việt Nam – Liên bang Nga: Từ tình hữu nghị lịch sử vĩ đại đến tương lai thịnh vượng bền vững”, https://tuoitrethudo.vn, ngày 11/5/2025.