Khái quát về chủ nghĩa dân túy hiện nay
Chủ nghĩa dân túy là một ý thức hệ chính trị và phong trào chính trị - xã hội. Hiện nay, chủ nghĩa dân túy phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và nước Mỹ, phần lớn là những nước phát triển, có thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng. Ở Nam Âu, các nhà dân túy thường ca ngợi và đứng về phía cánh tả. Trong khi đó, ở Tây Âu các nhà dân túy thường chủ trương hỗ trợ cho cánh hữu. Ở Mỹ, chủ nghĩa dân túy với gương mặt điển hình là Tổng thống Donald Trump được cho là một nhà dân túy cánh hữu.
Chủ nghĩa dân túy là vấn đề chính trị ở nhiều quốc gia, nhưng đồng thời cũng là vấn đề chính trị thế giới. Hiện nay, các nhà dân túy hay các đảng chính trị dân túy thường tuyên bố và thực hiện những chính sách như: bài ngoại, hạn chế nhập cư, giảm cam kết và hỗ trợ quốc tế… Điển hình nhất là chính sách trục xuất người nhập cư ở Mỹ, chính sách bảo hộ mậu dịch thông qua việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu, hay rút khỏi WHO, Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu của Chính quyền D.Trump ở Mỹ hiện nay.
Chủ nghĩa dân túy thời gian gần đây phát triển mạnh mẽ, khiến một số nhà nghiên cứu nhận định hiện nay là “thời đại của các nhà dân túy”[1] hay “kỷ nguyên dân túy”[2]. Mặc dù chủ nghĩa dân túy không phải đã lấn át các khuynh hướng chính trị khác nhưng rõ ràng nó đã có được địa vị, ảnh hưởng lớn chưa từng có trong lịch sử. Sự chiến thắng của ông Donald Trump trong hai cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm 2016 và 2024 ở một siêu cường toàn cầu không chỉ chứng tỏ sức sống của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ mà còn thúc đẩy chủ nghĩa dân túy ở nhiều nơi khác phát triển hơn nữa.
Đặc điểm của chủ nghĩa dân túy
Thứ nhất, chủ nghĩa dân túy không có hệ thống quan điểm nhất quán, rõ ràng[3] như những tư tưởng chính trị khác. Nếu như phần lớn các hệ tư tưởng khác như chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tự do…đều có những nội dung tư tưởng có thể xác định một cách rõ ràng, minh bạch thì chủ nghĩa dân túy không có nội dung nhất quán. Nói cách khác, nội dung của chủ nghĩa dân túy thay đổi theo thời gian. Tư tưởng hay chính sách dân túy ở mỗi giai đoạn có sự khác nhau. Để tồn tại và tranh giành ảnh hưởng với các xu hướng chính trị khác, chủ nghĩa dân túy luôn có xu hướng duy trì và làm căng thẳng quan hệ đối kháng trong xã hội để giành lấy sự ủng hộ của một bên nhất định. Ở các nước đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, các chính trị gia dân túy và các đảng dân túy đã khai thác triệt để các mâu thuẫn trong xã hội để giành quyền lực.
Thứ hai, chủ nghĩa dân túy lợi dụng tâm lý đám đông và cơ chế bầu cử dân chủ để giành quyền lực. Đây là đặc điểm xuyên suốt của chủ nghĩa dân túy. Chủ nghĩa dân túy nhấn mạnh tới quyền lực thuộc về nhân dân, trong nhiều trường hợp là phù hợp với lợi ích của đa số. Các nhà dân túy hay các đảng dân túy thường đưa ra các chính sách có thể đem lại lợi ích cục bộ, trước mắt cho quần chúng nhân dân, nhất là những người đang gặp những khó khăn mà không quan tâm đến lợi ích toàn cục, lâu dài, nhằm thu hút sự ủng hộ của họ để giành quyền lực thông qua cơ chế bầu cử phổ thông. Chủ nghĩa dân túy có cơ chế hoạt động gắn với dân chủ, nhưng về bản chất là lợi dụng dân chủ. Chính vì vậy, chủ nghĩa dân túy được xem là “cái bóng đen của nền dân chủ”[4]. Đặc điểm này là lời giải thích cho sự thắng lợi của các chính trị gia dân túy trong những cuộc bầu cử vừa qua.
Thứ ba, chủ nghĩa dân túy hiện nay gắn bó mật thiết với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vị kỷ. Hiện nay, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc gắn bó mật thiết với nhau, như hình với bóng, đan xen, hòa lẫn với nhau, trong chủ nghĩa dân túy có chủ nghĩa dân tộc, trong chủ nghĩa dân tộc có chủ nghĩa dân túy. Biểu hiện cho đặc điểm này là các nhà dân túy thường nhấn mạnh đến mối đe dọa bên ngoài đối với an ninh quốc gia và nhận mình là người bảo vệ quốc gia, bảo vệ văn hóa dân tộc trước các mối đe dọa từ bên ngoài, có tư tưởng bài ngoại, giảm cam kết và hỗ trợ quốc tế, đặt lợi ích dân tộc mình lên trước tiên, bất chấp sự tổn hại cho các nước khác và lợi ích chung. Tuy nhiên, về bản chất thì chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc có nhiều khác biệt. Chủ nghĩa dân túy nhấn mạnh và phản ánh cách các chính trị gia dân túy giành được quyền lực bằng những thủ đoạn chính trị. Còn chủ nghĩa dân tộc đề cao dân tộc mình, lợi ích, giá trị, tính ưu việt của dân tộc mình, xem thường các giá trị và lợi ích của các dân tộc khác.
Bàn thêm về một số quan điểm về chủ nghĩa dân túy
Một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa dân túy là chống lại quá trình toàn cầu hóa. Điều này không hoàn toàn chính xác. Nhiều đảng phái, chính trị gia dân túy có tư tưởng bài ngoại hay rút khỏi một số tổ chức quốc tế không có nghĩa là họ chống lại toàn cầu hóa. Quá trình toàn cầu hóa bị ảnh hưởng, suy giảm là hệ quả của chủ nghĩa dân túy chứ không phải là mục tiêu, đích đến của chủ nghĩa dân túy. Các chính trị gia dân túy vẫn nhận thấy việc cần thiết của việc duy trì sự hợp tác quốc tế và coi trọng đối ngoại. Biểu hiện rõ nhất trong thời gian vừa qua là trường hợp nước Anh. Sau khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu năm 2016, họ vẫn hợp tác khá chặt chẽ với các nước châu Âu. Nước Anh thậm chí còn thực hiện chiến lược toàn cầu mới của mình thông qua việc tăng cường hợp tác với Mỹ và các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn duy trì quan hệ kinh tế rộng mở với các đối tác bên ngoài.
Chủ nghĩa dân túy thường được xem là mang yếu tố “mỵ dân”, đồng hành với “thuyết âm mưu” nhưng trong không ít trường hợp nó không phải và không hoàn toàn là mỵ dân. Không ít nhà dân túy đưa ra những lời hứa hẹn để mê hoặc người dân, hay dựng lên những câu chuyện không có thật, vu khống, cường điệu hóa những hạn chế của chính quyền đương nhiệm để kích động sự chống đối của người dân, giành lá phiếu của những người ủng hộ. Một số nhà dân túy hay đảng chính trị dân túy tuyên bố là vì quyền lợi của người dân, nhưng trên thực tế là vì quyền lợi cá nhân hay lợi ích của một nhóm người; một số khác thì đưa ra các cam kết thay đổi mạnh mẽ, hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu thắng cử nhưng đã không hoặc không thể thực hiện… Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy nhiều cam kết của các chính trị gia dân túy, các đảng dân túy được thực hiện nếu họ giành được quyền lực. Đó cũng là cách để các đảng dân túy giữ được uy tín và ảnh hưởng lâu dài. Vì vậy, cần nhìn nhận chủ nghĩa dân túy một cách khách quan và toàn diện để hiểu sâu sắc, đầy đủ về chủ nghĩa dân túy. Chủ nghĩa dân túy có sức sống là nhờ nó có cơ sở thực tiễn, đáp ứng những nhu cầu thiết thực, cấp bách, thậm chí là sự bất mãn với giới tinh hoa chính trị truyền thống của một bộ phận cư dân nhất định.
Chủ nghĩa dân túy là một hiện tượng chính trị phức tạp, có thể đem lại lợi ích trước mắt cho một bộ phận cư dân, thậm chí có thể là đa số người dân trong một quốc gia tại một thời điểm nhất định, nhưng sẽ gây ra nhiều hệ quả tiêu cực cho sự phát triển lâu dài, tiến bộ, bền vững của nhiều quốc gia riêng lẻ và cộng đồng quốc tế. Ngăn chặn và hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa dân túy là một nhiệm vụ đang đặt ra đối với thế giới.
[1], [2], [4] Eirikur Bergmann, Thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân túy: Chính trị học về thông tin sai lệch, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.21, tr.29, tr.134.
[3] Phùng Chí Kiên, Nguyễn Văn Nhu, Chủ nghĩa dân túy trong đời sống chính trị thế giới và gợi mở tham khảo đối với Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2023, tr.22.